Dồn ghép điểm trường lẻ chuẩn bị chương trình SGK phổ thông mới

(Dân trí) - Để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình, SGK phổ thông mới, Bộ GD&ĐT vừa có công văn yêu cầu các địa phương rà soát thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; báo cáo thực trạng các điểm trường lẻ trước khi dồn ghép các điểm trường lẻ.

Bộ GD&ĐT vừa có công văn số 6088/BGDĐT-CSVC, về việc rà soát thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học và công tác dồn ghép các điểm trường lẻ của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.

Theo Bộ GD&ĐT, để chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện chương trình SGK phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chỉ đạo rà soát thực trạng và nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học cho giáo dục mầm non và phổ thông.

Công văn yêu cầu địa phương tổ chức rà soát và đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của từng cơ sở giáo dục.

Trên cơ sở đó, các địa phương xác định nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, cần kiên cố hóa, xây dựng hoặc mua sắm bổ sung, sửa chữa, cải tạo đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình. Từ đó, xác định các hạng mục ưu tiên hoặc các loại trang thiết bị mua sắm theo kế hoạch.

Điểm trường lẻ tại thôn 5, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam trước khi chưa được bạn đọc của báo Dân trí hỗ trợ xây dựng mới.
Điểm trường lẻ tại thôn 5, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam trước khi chưa được bạn đọc của báo Dân trí hỗ trợ xây dựng mới.

“Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của các giai đoạn 2017- 2020 và giai đoạn 2021-2025 và theo từng nguốn vốn của địa phương hay T.Ư hỗ trợ, dự báo khả năng huy động nguồn vốn đầu tư”... và đề xuất phương án thực hiện”, công văn nhấn mạnh.

Cũng theo công văn này, các địa phương cần khái quát mạng lưới các điểm trường lẻ trước khi thực hiện dồn ghép. Báo cáo các chủ trương của tỉnh về việc dồn ghép các điểm trường lẻ, cũng như những bài học kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị.

Được biết hiện tại, một số địa phương còn tình trạng lớp ghép đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục cũng như công tác phổ cập, nhất là các tỉnh miền núi.

Những năm gần đây, việc sáp nhập các điểm trường lẻ về các điểm trường chính đã được nhiều địa phương triển khai thực hiện hiệu quả, đưa chất lượng giáo dục tăng lên.

Tuy nhiên, từ điểm trường lẻ qui mô vài chục đến hơn một trăm học sinh, nay sáp nhập về trường chính với qui mô hàng nghìn học sinh dẫn đến gánh nặng cơ sở vật chất cho điạ phương.

Một khó khăn nữa khi dồn ghép các điểm trường lẻ vào trường chính là quỹ đất mở rộng điểm trường chính cũng rất khó khăn và phức tạp bởi các tỉnh miền núi đặc thù địa hình không bằng phẳng, diện tích đất mặt bằng hẹp, khó có thể xây dựng trường lớp. Đặc biệt, sĩ số các lớp ở điểm trường chính sẽ tăng cao, gây quá tải.

Mỹ Hà