Có nhà xuất bản chi lương cho giám đốc sở thì làm sao chọn SGK khách quan?
(Dân trí) - GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình sách giáo khoa (SGK) mới cho rằng, có nhà xuất bản chi lương cho giám đốc sở GD&ĐT cùng các chuyên viên thì làm sao sở chọn SGK khách quan? Ông băn khoăn: “Nếu điều đó xảy ra, chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK không thực hiện được”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố các bản SGK được phép sử dụng trong các trường học.
Như vậy, từ năm học 2020-2021, không còn là một bộ sách giáo khoa duy nhất dùng chung cho cả nước như trước đây. Các địa phương, nhà trường sẽ có quyền lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.
32 SGK của 8 môn học bắt buộc trong danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, được ban hành theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, sẽ được dùng làm căn cứ để các địa phương lựa chọn sử dụng trong năm học 2020-2021 theo lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ủng hộ phương án giao quyền cho các cơ Sở Giáo dục và Đào tạo được lựa chọn sách giáo khoa trong năm học 2020 - 2021 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội, tuy nhiên Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới bày tỏ lo ngại những chỉ đạo “miệng” từ cấp trên.
“Thực tế hiện nay, các trường luôn luôn nhận được các chỉ đạo từ cấp trên là nên chọn sách tham khảo này, sách tham khảo kia. Mà nhà trường làm sao có thể trái lệnh cấp trên?”.
Trao đổi trên Diễn đàn của VOV2, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, để chiếm lĩnh thị phần sách giáo khoa, những Nhà xuất bản có tiềm lực lớn sẵn sàng hạ giá sách lớp 1, chấp nhận chịu lỗ để loại các đơn vị khác ra khỏi cuộc cạnh tranh.
GS Thuyết tiết lộ: “Có Nhà xuất bản đã chi lương cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các chuyên viên suốt từ năm 2015 đến nay, 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Chi tiền như thế thì làm sao Sở đó có thể chọn sách giáo khoa một cách khách quan được?”.
Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới cũng băn khoăn: “Nếu điều đó xảy ra thì chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa của Đảng và Nhà nước không thực hiện được”.
Trước đó, trả lời câu hỏi, làm thế nào tránh lợi ích nhóm khi địa phương chọn SGK, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, việc lựa chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông được quy định: "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT".
Về cơ chế để các nhà trường và giáo viên có thể sử dụng cả những SGK mà hội đồng chọn sách của tỉnh/thành ấy không lựa chọn, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, một trong những trách nhiệm của nhà trường là phải trang bị đầy đủ SGK theo đúng chương trình đã được phê duyệt để người dạy và người học có quyền tiếp cận, tham khảo.
Còn tài liệu chính thức được giảng dạy thì phụ thuộc vào quyết định lựa chọn mà hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh phê duyệt.
“Trong lựa chọn của địa phương thì Luật Giáo dục không quy định lựa chọn theo bộ hay theo môn, do vậy việc lựa chọn làm sao để có một bộ tốt nhất dựa trên chính tính phù hợp của từng bộ môn đó với địa phương. Đây là cách lựa chọn thông minh nhất đối với người sử dụng”, ông Tài nói.
M. Hà