NXB chi tiền cho Sở GD&ĐT TPHCM: Bộ GD&ĐT yêu cầu hai đơn vị giải trình
(Dân trí) - Từ năm 2015 đến năm 2018, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có hai quyết định chi thù lao cho ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam, trong đó hầu hết là lãnh đạo và cán bộ, chuyên viên của Sở GD&ĐT TPHCM. Bộ GD&ĐT cho rằng, hai đơn vị này có trách nhiệm giải trình thông tin báo nêu.
Trả lời báo chí về việc NXB Giáo dục Việt Nam chi tiền thù lao cho một số cán bộ Sở GD&ĐT TPHCM, Bộ GD&ĐT cho rằng, theo quy định của Luật Xuất bản, việc liên kết với tổ chức, cá nhân trong hoạt động xuất bản quy định trách nhiệm của Tổng Giám đốc (Giám đốc) NXB.
Vì vậy, Tổng Giám đốc (Giám đốc) NXB phải chịu trách nhiệm về đối tác, hình thức liên kết và giao kết hợp đồng liên kết đối với từng xuất bản phẩm (ở đây là SGK).
Trách nhiệm của đối tác (cá nhân, tổ chức) liên kết xuất bản với NXB đã được quy định trong Luật Xuất bản và các quy định có liên quan của pháp luật.
Ngoài ra, nếu đối tác liên kết xuất bản là cán bộ, công chức nhà nước thì phải tuân thủ các quy định của Luật Công chức; Luật Phòng chống tham nhũng..., bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng tránh sự xung đột về lợi ích có thể xảy ra.
Trong trường hợp này, NXB Giáo dục Việt Nam và Sở GD&ĐT TPHCM có trách nhiệm giải trình cụ thể về việc mà báo chí đã nêu.
Để bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch trong việc lựa chọn SGK, Bộ GD&ĐT cho biết: Dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT đang đăng mạng xin ý kiến rộng rãi đã quy định: “Người đã tham gia biên soạn, thẩm định SGK của các NXB không được tham gia vào Hội đồng” lựa chọn SGK.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, đơn vị này đã ban hành Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ cùng với các cơ quan quản lý ở địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc tổ chức lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông để đảm bảo đúng thực hiện pháp luật, công bằng, công khai, minh bạch.
Trước đó, báo chí đăng tải thông tin, NXB Giáo dục Việt Nam có tới 2 quyết định chi thù lao biên soạn SGK hàng tháng (từ 2,5 - 6 triệu đồng/người) cho hàng chục người, từ lãnh đạo đến chuyên viên của Sở GD&ĐT TPHCM từ năm 2015 đến nay.
Trả lời về vấn đề này, NXB GDVN cho biết, từ năm 2015, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, NXBGDVN đã tiến hành chuẩn bị về nhiều mặt để tổ chức biên soạn SGK mới.
Theo đó, NXB GDVN phối hợp với Sở GD&ĐT TP.HCM để tập hợp đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, học giả có kinh nghiệm và thành lập Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam (bộ SGK Chân trời sáng tạo), với nhiệm vụ định hướng chuyên môn, phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo,… cho đội ngũ tác giả; thực hiện góp ý, chỉnh sửa nội dung của các bản thảo,…
Trao đổi về tính minh bạch trong việc chọn lựa SGK khi NXB đã chi thù lao cho Sở, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXB GDVN cho hay, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã nêu rất rõ: Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tại mục c, khoản 1, điều 32 Luật Giáo dục sửa đổi áp dụng từ tháng 7/2020 cũng quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT…
“Chúng tôi cho rằng các địa phương sẽ lựa chọn SGK trên cơ sở chất lượng của các bộ sách, mức độ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cũng như khả năng của các NXB trong việc đồng hành, hỗ trợ giáo viên suốt quá trình tổ chức dạy-học”, ông Tùng cho biết.
Mỹ Hà