Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo viên vi phạm đạo đức sẽ không cho đứng lớp

(Dân trí) - Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm túc chủ trương của bộ, ngành. Nếu giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trước hết, nhà trường sẽ không cho tiếp tục đứng lớp, chứ không phải chuyển sang lớp khác.

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường, kết nối 63 tỉnh, thành với gần 20.000 đại biểu do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 17/4.

Không nặng về “phạt”, “răn đe”

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, thời gian qua, dù có nhiều văn bản quy định của pháp luật về xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh thân thiện phòng chống bạo lực học dường. Riêng Bộ GD&ĐT có trên dưới 10 thông tư liên quan và các văn bản.

Tuy nhiên, bạo lực học dường có xu hướng lan rộng. Do đó, ngành phải chủ động, tích cực và nhân mạnh đến các hoạt động phòng, chứ không phải chống.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo viên vi phạm đạo đức sẽ không cho đứng lớp - 1

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

“Bạo lực học đường là xu hướng, đặc điểm của lứa tuổi trong học sinh phổ thông, nhất là trong bối cảnh tác động mạnh của mạng xã hội, lối sống và tác động khác từ xã hội và gia đình. Nhưng ngành Giáo dục phải tiên phong, chủ động thực hiện hiệm vụ này”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm túc chủ trương của bộ, ngành. Nếu giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trước hết, nhà trường sẽ không cho tiếp tục đứng lớp, chứ không phải chuyển sang lớp khác. Sau đó, tùy mức độ vi phạm, giáo viên sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Cũng theo ông Phùng Xuân Nhạ, một số địa phương, giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp chỉ bị đình chỉ từ 3 ngày đến một tuần, sau đó được chuyển lớp khác. Vì thế, Bộ GD&ĐT yêu cầu sở GD&ĐT và lãnh đạo địa phương sát sao trong việc xử lý các trường hợp không nghiêm túc. Nếu trường dung túng, lãnh đạo sở GD&ĐT và địa phương phải chịu trách nhiệm.

Tư lệnh ngành nhấn mạnh, ngành GD&ĐT chủ động, tích cực, tập trung giải pháp để “phòng” bạo lực học đường là chính, chứ không chỉ nặng về xử lý. 

Địa phương cần phân công rõ trách nhiệm của người đứng đầu, ban giám hiệu và các vị trí quan trọng khác như giáo viên chủ nhiệm, người làm công tác đoàn, hội và từng thầy cô.

Giáo viên và nhà trường phải sát sao nhất, tìm hiểu, giải tỏa mâu thuẫn, nắm bắt từng hoàn cảnh, tâm tư của học sinh, nhân rộng cách làm tốt.

Phòng ngừa bạo lực học đường, trước hết, cần thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng môi trường lành mạnh, sau đó hướng tới thực hiện căn cơ, bài bản, lấy “phòng” làm chính, kết hợp các giải pháp “tháo”, “hóa giải” nguyên nhân dẫn đến bạo lực.

“Các thầy cô cần trở thành nhà giáo dục, không phải thợ dạy. Cần lấy giáo dục, nêu gương làm chính, không nặng về phạt, răn đe", ông Nhạ nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo viên vi phạm đạo đức sẽ không cho đứng lớp - 2

Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội).

Đưa kĩ năng sống vào giờ học chính khoá

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề xuất đưa kĩ năng sống vào giờ học chính khóa. Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định, bạo lực học đường đang nổi cộm trên mạng xã hội đó là những vấn đề thường ngày của nhà trường, bởi đã là trẻ con có nhiều chuyện xảy ra và bạo lực sẽ sống mãi với nhà trường chứ không thể hết được. Trong thời đại bùng nổ thông tin vấn đề sẽ bị đẩy lên ở mức độ cao và lan toả rất nhanh.

“Tôi cho rằng không quá khi đánh giá nguyên nhân bạo lực học đường do đạo đức, để đưa ra những biện pháp kỷ luật. Nhà trường phải giải quyết bạo lực học đường dưới góc độ tâm lý giáo dục, tâm lý lứa tuổi học sinh.

Theo tôi, kĩ năng sống là tiết học hàng đầu trong mỗi nhà trường. Giáo viên hạnh phúc, học sinh mới hạnh phúc và bạo lực giảm. Ở trường tôi, mỗi ngày có một tiết học này và học sinh rất thích thú. Do vậy từ lâu, bạo lực đã được kiểm soát tốt và tôi quản lý rất nhàn”, ông Hoà cho hay.

Chuyên gia này cũng đề xuất, đưa giáo dục giá trị sống và kĩ năng sống vào giờ học chính khóa trong nhà trường. Một trường chi một nhà tâm lý thì không giải quyết xuể nên mỗi thầy cô đều là một nhà tâm lý. Theo đó, mỗi nhà trường trở thành một trung tâm văn hoá giáo dục chứ không phải chỉ dạy chữ.

Bà Nguyễn Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cũng nhận định, tình trạng học sinh sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn ngày càng phức tạp, nhất là thành phố lớn như TPHCM.

Nguyên nhân một phần do trò chơi trực tuyến, do thiếu kĩ năng sống. Do đó, ngành Giáo dục thành phố đã có nhiều văn bản triển khai nên có một số vụ bạo lực nhưng mức độ không quá nghiêm trọng. Đấy đã là thành công bước đầu.

Một số trường học mở chuyên đề, trao đổi giữa các chuyên gia và nhà trường. Bao lực đang là vấn đề lo lắng do đó cần chủ động phòng ngừa hình thành bạo lực học đường. Tuy nhiên, học sinh cần sự quan tâm nhiều hơn từ phía gia đình, không nên giao phó hết cho trường học”, bà Thu nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo viên vi phạm đạo đức sẽ không cho đứng lớp - 3

GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

Dưới góc độ đào tạo, GS. TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, nhiều vụ việc bạo lực xảy ra trong phạm vi nhà trường nhưng các thầy cô còn lúng túng, sợ trách nhiệm trong xử lý.

Nhà trường cần phối hợp với phụ huynh, cơ quan bảo vệ pháp luật chủ động giải quyết vấn đề. GS Minh cũng đề xuất các trường nên có lớp tư vấn cho phụ huynh, vì có lỗ hổng trong đào tạo trẻ khi cha mẹ thường phó mặc cho nhà trường hoặc thể hiện sự chưa mẫu mực.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, hiện tại con người chưa làm chủ được không gian mạng nên đã để những video, hình ảnh bạo lực học đường lan tỏa một cách thiếu kiểm soát.

Thầy cô, ngoài phương pháp dạy học, cần làm chủ cảm xúc và hành vi, thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức để có giải pháp trong các tình huống sư phạm. 

Nhiều gia đình còn chưa mẫu mực. Nhà trường nên có những lớp học tư vấn giáo dục cho phụ huynh bởi hiện nay nhiều trường đang bỏ trống mảng này. Những hoạt động này nên đi vào chiều sâu thay vì phạm vi rộng.

Đặc biệt, ông cho rằng, nhiệm vụ quan trọng của các trường sư phạm là thực hiện hai nền tảng: Tâm lý giáo dục và phương pháp giảng dạy. Nếu không làm tốt được điều này, khó phân biệt được trường sư phạm và trường khác. 

Trong quá trình đào tạo, các trường thường xuyên cập nhật tình huống sư phạm, dự báo tình huống để học viên có những giải pháp kịp thời.

Mỹ Hà