“100% sinh viên ra trường có việc làm nhưng công việc có xứng đáng?”

(Dân trí) - “Nhiều trường luôn khoe sinh viên của mình ra trường thì 80,90%, thậm chí 100% đều có được việc làm. Nhưng đó là những việc gì vậy? Việc bưng bê, dịch vụ, việc làm cò con hay khởi nghiệp rồi chết?”.

“100% sinh viên ra trường có việc làm nhưng công việc có xứng đáng?” - 1

Ths Nguyễn Hoàng Dũng, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM chia sẻ tại hội thảo.

Ths Nguyễn Hoàng Dũng, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM băn khoăn như thế khi phát biểu tại hội thảo Gắn kết nhà trường và đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đào tạo, tuyển dụng nhân sự do Trường ĐH Luật TPHCM tổ chức ngày 8/1.

Ths Nguyễn Hoàng Dũng khẳng định, nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề cốt lõi của vấn đề đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động. Đồng thời, các trường phải trăn trở và quan tâm hơn nữa đến mối quan hệ giữa mình và đơn vị tuyển dụng.      

“Thời buổi kinh tế thị trường nhưng nhiều đơn vị sản xuất ra lại không biết sản phẩm đó đi đâu về đâu. Nhiều trường luôn khoe sinh viên của mình ra trường thì 80,90%, thậm chí 100% đều có được việc làm. Nhưng đó là những việc gì vậy? Việc bưng bê, dịch vụ, việc làm cò con hay khởi nghiệp rồi chết?”, ông Dũng đặt câu hỏi.

Chuyên gia kinh tế này cho rằng, vấn đề ở chỗ đầu ra có chất lượng hay không. “Tôi mong muốn sinh viên ra trường có việc làm nhưng phải là công việc xứng đáng”, ông nói.

“100% sinh viên ra trường có việc làm nhưng công việc có xứng đáng?” - 2

Hội thảo Gắn kết nhà trường và đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đào tạo, tuyển dụng nhân sự do Trường ĐH Luật TPHCM tổ chức ngày 8/1

Theo ông Dũng, cái doanh nghiệp đang cần chính chất lượng của sinh viên. “Tôi đang đang dạy một lớp chất lượng cao ở một trường đại học, nhưng tôi thấy nhiều sinh viên rất tự cao, nhiều niềm tin nhưng coi thường thế giới xung quanh. Một số thầy cô khuyến khích thầy trò cũng bình đẳng với nhau nên nhiều bạn ngồi trả lời, đi trễ, lấn thang máy với giảng viên… Phải chăng chúng ta nâng họ lên quá tầm khiến những sinh viên này không định vị được bản thân như thế nào”, ông Dũng chia sẻ.

Và ngay sau đó, ông nhấn mạnh thêm trong câu chuyện nâng cao chất lượng đào tạo thì ngoài chuyên môn cũng cần phải nâng thái độ và kỹ năng. “Nếu bạn tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc 10 điểm từ đầu tới cuối quá trình học mà thái độ không tốt, khiến người nghe không coi trọng thì khó có cơ hội thử việc chứ đừng nói tới chuyện được làm việc lâu dài. Doanh nghiệp cần thái độ tôn trọng đối với cấp trên, với môi trường làm việc chứ không chỉ cắm đầu làm ra thật nhiều tiền cho họ. Đối với những trí thức trong môi trường đại học, tôi nghĩ chất lượng phải đặt lên hàng đầu và trong nhiều yếu tố ảnh hưởng nhưng cốt lõi vẫn chính là giảng viên”, ông Dũng nói.

Chuyên gia kinh tế này cũng góp ý các giải pháp nâng cao hiệu quả của việc phát triển mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trong đó, hai bên phải thật sự quan tâm phát triển mối quan hệ này chứ không dừng lại ở hình thức ngoại giao cho có theo kiểu lấy số điện thoại qua lại rồi thôi. Đồng thời, sau những kết nối phải tạo ra những hợp đồng vô hạn với doanh nghiệp từ các lĩnh vực sản xuất, cùng hợp tác nghiên cứu, kinh doanh…

“100% sinh viên ra trường có việc làm nhưng công việc có xứng đáng?” - 3

PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TPHCM chia sẻ tại hội thảo

PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TPHCM, cũng cho biết với những vấn đề ông Dũng nói, nhà trường khẳng định thật sự quan tâm đến chất lượng đầu ra của quá trình đào tạo. Trường đã liên kết với các đơn vị sử dụng sinh viên của mình và trong những năm gần đây, ban giám hiệu nhà trường xác định xây dựng trung tâm quan hệ doanh nghiệp hiệu quả.

Ông Hải cũng cho rằng sản phẩm người học nếu chỉ có tư cách, chuyên môn mà chưa có lòng nhiệt thành cũng chưa tốt. Trong lòng nhiệt thành có sự nhiệt huyết và chân thành. Tôi đồng ý là bằng mọi cách để sinh viên có được điều đó, trong đó vai trò giảng viên quan trọng nhất.

“Để tiếp cận thị trường thì đòi hỏi dành cho giảng viên sẽ rất nhiều, trong đó kiến thức phải được nâng cao, ngoài kiến thức hàn lâm thì phải có thực tế và kèm theo kỹ năng. Nếu chưa có thực tế thì người dạy phải mời những chuyên gia thực tế về phối hợp giảng dạy. Đồng thời, điểm thứ 3 rất quan trọng là phương pháp giảng dạy cũng phải thay đổi, linh hoạt hơn. Tất nhiên, chương trình đào tạo của nhà trường cũng phải thay đổi phù hợp”, ông Hải nhấn mạnh.

Lê Phương