Bình Định:
Xã hội nặng về bằng cấp khiến doanh nghiệp khan hiếm lao động
(Dân trí) - Trong khi thực tiễn rất nhiều doanh nghiệp thiếu đội ngũ công nhân, kỹ sư, cử nhân cao đẳng có tay nghề, nhưng xã hội vẫn nặng "bằng cấp", khiến doanh nghiệp khan hiếm lao động.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, sau ngày 30/9/2019, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung cấp, cao đẳng) trên địa bàn tỉnh này gồm 4 trường cao đẳng công lập: Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, Trường CĐ Bình Định, Trường CĐ Y tế Bình Định; Trường CĐ Nông lâm Trung bộ (trong đó, có một trường cao đẳng trực thuộc Bộ NN&PTNN).
Qua 3 năm thực hiện đề án: "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định", số lượng học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp tại các trường cao đẳng trên địa bàn có sự tăng về số lượng. Tuy nhiên, so với kế hoạch được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt thì chưa đạt mục tiêu đề ra (trung bình đạt khoảng 40% so với mục tiêu trong kế hoạch đã được phê duyệt).
Theo ThS. Lê Xuân Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong đó, việc giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh đã đặt ra nhiều năm nhưng kết quả thực hiện chưa đạt như mục tiêu đặt ra.
"Xã hội vẫn nặng về bằng cấp, trong khi thực tiễn rất nhiều doanh nghiệp thiếu đội ngũ công nhân, kỹ sư, cử nhân cao đẳng có tay nghề phục vụ cho việc phát triển của doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung, ThS. Lê Xuân Nguyên nói.
Bên cạnh chất lượng thấp, cơ cấu nhân lực lao động của Việt Nam cũng còn nhiều bất cập lớn. Cơ cấu trình độ của nhân lực lao động Việt Nam: 1 đại học trở lên/0,32 cao đẳng/0,61 trung cấp/0,37 sơ cấp.
Trong khi đó, theo quy luật của thị trường lao động, những người lao động trực tiếp (trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) phải nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp (trình độ đại học). Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam.
ThS. Lê Xuân Nguyên cho biết thêm, từ ngày 1/10/2021, Trường CĐ Bình Định sáp nhập vào Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn.
Theo đó nhà trường đã tuyển sinh, đào tạo đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Hiện trường đang tuyển sinh 23 nghề (hệ CĐ); 24 nghề (hệ TC) và 12 nghề (hệ SC). Chất lượng đào tạo của nhà trường luôn được các doanh nghiệp sử dụng lao động đánh giá cao với 95% học sinh - sinh viên ra trường có việc làm ngay. Trường đã từng bước vươn tầm ra khu vực, thế giới (liên kết với Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Úc, Đức).
Nhiều năm qua, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS đều tăng qua các năm, đặc biệt học sinh khi vào học nghề được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước và của trường như: miễn học phí học nghề; hưởng chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên theo quy định của Chính phủ; đảm bảo điều kiện chỗ ở ký túc xá cho sinh viên…
"Để việc phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS đi tiếp vào học nghề như mục tiêu đã đề ra, cần sự điều hành chỉ đạo chung của tỉnh, cần sự phối hợp kịp thời giữa các sở ngành, địa phương, sự quan tâm của phụ huynh đối với xác định ngành nghề cho con em của mình, các trường cần nâng cao chất lượng đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực có tay nghề cao cho thị trường lao động", ThS Lê Xuân Nguyên cho hay.