Thanh Hóa:

Vụ thiết bị dạy học: Do giáo viên không biết sử dụng?

Bình Minh

(Dân trí) - Liên quan đến việc thiết bị dạy học cấp về các trường được phản ánh kém chất lượng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, đã thành lập đoàn đi kiểm tra và xác định do giáo viên không biết sử dụng.

Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu rà soát theo phản ánh của báo Dân trí. Đến nay, Sở GD&ĐT đã thành lập đoàn kiểm tra và đi kiểm tra được 4 huyện, mỗi huyện sẽ kiểm tra một số trường.

"Đoàn kiểm tra sẽ đi thêm một huyện miền núi nữa, sau đó cùng với báo cáo của các Phòng GD&ĐT sẽ tổng hợp, báo cáo tỉnh", ông Lựu cho biết thêm.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Đoàn sẽ kiểm tra cấu hình các thiết bị giữa thực tế so với ghi trong hợp đồng mua bán có đảm bảo không, chất lượng sử dụng như thế nào.

Vụ thiết bị dạy học: Do giáo viên không biết sử dụng? - 1

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa khẳng định không phải máy kém chất lượng mà do giáo viên không biết sử dụng nên máy bị lỗi phần mềm không khởi động được.

"Về ti vi 32 inch, theo danh mục của Bộ quy định tối thiểu là 29 inch nên thiết bị này cấp về các trường không sai nhưng hơi nhỏ, khó khăn trong quá trình sử dụng dạy học. Cái này phải rút kinh nghiệm vì không phù hợp thực tiễn.

Về máy tính, máy có cấu hình cao, nhưng thế hệ máy năm 2019 tốc độ khởi động không thể nhanh hơn so với thế hệ máy bây giờ. Qua kiểm tra, cấu hình đúng với hợp đồng mua bán. Thế nhưng, các trường phản ánh máy chậm, máy không khởi động được, không phải do máy kém chất lượng mà do giáo viên không biết sử dụng. Máy này, mấy lần đầu khởi động nó update (cập nhật- PV) phần mềm nên khi sử dụng người dùng phải chờ để máy update cho xong hoặc là ấn bỏ qua update thì nó sẽ khởi động được. Nhưng có lẽ do máy đang update thì lại ấn lung tung nên gây ra lỗi phần mềm, lần sau khởi động không lên nữa; máy chiếu thì cũng do người dùng không biết chỉnh tiêu cự", ông Lựu khẳng định.

Vụ thiết bị dạy học: Do giáo viên không biết sử dụng? - 2

Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng xác nhận nhiều trường đã tự ý thay ổ cứng khi thấy máy khởi động chậm. "Qua kiểm tra phát hiện nhiều trường tự ý thay ổ cứng mà không báo cáo Sở, không mang đến nơi bán để bảo hành được hướng dẫn, mà lại mang ra cửa hàng bất kỳ để thay ổ cứng", ông Lựu nói. 

Trước đó, như Dân trí đã thông tin, gói thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1 theo chương trình sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021 được bà Phạm Thị Hằng (hiện giữ chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa) thời điểm đương nhiệm Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa ký hợp đồng với liên danh Thanh Hà - Thanh Hóa (bao gồm các công ty: Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Thanh Hóa; Công ty Cổ phần đầu tư Hoàng Đạo; Công ty TNHH sản xuất thương mại xuất nhập khẩu An Khang; Công ty TNHH thiết bị giáo dục Nam Hoa; Công ty Cổ phần thiết bị giáo dục và khoa học kỹ thuật Long Thành).

Tổng kinh phí cho gói thầu được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt là hơn 89 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo phản ánh của rất nhiều trường trên địa bàn, tình trạng ti vi quá bé không thể phục vụ công việc dạy học, máy tính kém chất lượng nên bỏ kho, máy chiếu chập chờn. Bên cạnh đó, giá các thiết bị có dấu hiệu đội gấp nhiều lần so với giá thị trường.

Liên quan đến các gói thầu tại Sở GD&ĐT, mới đây, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã có văn bản gửi Văn phòng đăng ký đất đai Thanh Hóa đề nghị đơn vị này tra soát, cung cấp các thông tin tài liệu có liên quan đến tài sản nhà, đất và không thực hiện các thủ tục chuyển dịch quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất có liên quan đến bà Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT cùng nhiều cán bộ Phòng Tài chính thuộc Sở này.

Nguyên nhân được cho là các cá nhân trên đang bị điều tra vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở GD&ĐT.