Vụ "giam" học bạ vì nợ 550.000 đồng: Giáo dục cần hướng đến tình thương!
(Dân trí) - "Nếu thầy giáo ấy xử lý mọi việc theo hướng nhân văn, có lý có tình, có lẽ sự việc đã không bị "xé toang" đau lòng đến nhường này"!
Những nhà giáo miền núi chia thức ăn cho trò nghèo ở lớp
Những ngày gần đây, câu chuyện về cậu học trò nghèo bị bố mẹ bỏ rơi sống cùng ông bà tại Đắk Nông vì thiếu 550.000 đồng tiền cuối năm khiến em bị "giam" học bạ và trễ thời gian vào lớp 6 làm nhiều người quặn lòng.
Được biết, ông của cậu bé nhặt rác mưu sinh, còn em kẹp gói mì tôm đi chăn bò, căn nhà thì xác xơ…
Thế nhưng người thầy hiệu trưởng ở ngôi trường Tiểu học Hà Huy Tập (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) vẫn nhẫn tâm giữ lại bộ học bạ cuối cấp của em học sinh này vì em thiếu tiền quỹ trường 550.000 đồng.
Đọc câu chuyện trên đây, tôi chợt nhớ đến nhiều hình ảnh giáo viên miền núi, những người phải mang kẹo đến tận nhà dỗ học sinh hoặc trích đồng lương còm cõi hỗ trợ tiền ăn cho học sinh nghèo nào đó trong lớp mình, với mong muốn có thể giúp các em có điều kiện đến trường.
Đó là câu chuyện của em Lường Văn Vũ, học sinh lớp 4A, Trường tiểu học Tô Múa, một trong những trường khó khăn ở miền núi Sơn La mà chúng tôi ghi lại trong một chuyến công tác gần đây.
Cô Hà Thị Thắm, chủ nhiệm lớp 4A cho biết, bố mẹ Vũ đi làm thuê ở xa, bữa có bữa không nên gia cảnh khó khăn.
Hầu hết cả trường đều ăn bán trú nhưng hàng ngày, Vũ mang cơm ở nhà đến trường, thức ăn hôm có ít rau, hoặc ít cá khô. Nhiều hôm, cô giáo phải sẻ thức ăn của mình cho Vũ. Nhờ có sự động viên của thầy cô, giờ đây, Vũ không những ăn bán trú ở trường mà còn đi học rất chăm chỉ.
Thầy Én, một giáo viên lâu năm ở Trường tiểu học Tô Múa cũng cho biết, lớp thầy cũng có học sinh không đủ tiền ăn bán trú ở trường nên suýt phải bỏ học.
Thầy cô đóng tiền ăn giúp em một thời gian, sau đó mẹ em lên xin thầy hiệu trưởng "linh động" cho con mang cơm nhà, nếu không, con buộc phải nghỉ học nửa chừng.
Cuối cùng, nữ sinh này là một trong vài em hiếm hoi ở trường được thầy hiệu trưởng "linh động" cho mang cơm nhà đến lớp. "Nhiều hôm hộp cơm của em chỉ có cơm trắng với nhúm rau, tôi chia thức ăn từ suất cơm của mình cho em", thầy Én kể.
Trường hợp của những học sinh trên đây không phải cá biệt bởi nếu làm đúng quy định, có thể các em không thể được đến trường.
Câu chuyện thầy cô nhường cơm sẻ áo cho học sinh không chỉ có ở đây, nhiều ngôi trường ở miền núi, thầy cô tình nguyện chia sẻ tiền lương của mình để học sinh được đến lớp.
Thế mà những ngày gần đây, dư luận đau xót bởi vẫn còn những trường hợp đau lòng như của em Y H.Bkrông. Câu chuyện khép lại có hậu nhưng để lại nhiều suy nghĩ cho người đọc.
Sự việc không bị "xé toang" nếu như thầy xử lý nhân văn
Theo thông tin trên báo chí, câu chuyện của em Y H.Bkrông kết thúc có hậu khi một giáo viên mầm non biết chuyện đã đến đóng 550.000 đồng, rút học bạ của em và chạy đến trường THCS Phan Đình Phùng để nộp mặc dù đã muộn thời gian học 3 tuần, trước khi cánh cửa học tập của em bị đóng sập.
Thế nhưng dù là có hậu, câu chuyện cũng để lại trong lòng người đọc nhiều nỗi xót xa.
Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lô mô nô xốp (Hà Nội) cho rằng, thứ nhất nếu theo luật, giấy tờ và bằng cấp của học sinh phải trả cho học sinh, nhà trường không được phép giữ.
Thứ hai, nếu thầy giáo ấy xử lý mọi việc theo hướng nhân văn, có lý có tình, có lẽ sự việc đã không bị "xé toang" đau lòng đến nhường này.
"Tôi nghĩ nhiều giáo viên sẵn sàng hỗ trợ học sinh này, thậm chí ở vùng núi nghèo, giáo viên cũng sẵn sàng chia sẻ đồng lương còm cõi vì người học.
Ở trường hợp này, nhà trường cũng có thể kêu gọi xã hội hóa và một số phụ huynh sẵn lòng đóng góp giúp em học trò nghèo- tôi tin như vậy.
Thế nhưng sự cứng nhắc đó khiến tôi trộm nghĩ, nhà trường chưa thực sự thấu cảm và thật tâm với học sinh, cũng như chưa làm tốt việc chăm lo đến những học sinh có hoàn cảnh yếu thế.
Nhà trường chưa sẵn sàng mở lòng, bởi có rất nhiều cách thay cho việc "giam" học bạ học sinh nghèo. Đó cũng là bài học chung cho những nhà làm giáo dục, để cho nghề giáo tốt đẹp trở lại", thầy Tùng khẳng định.
Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Ngọc, Vĩnh Phúc cũng chia sẻ: "Tôi đã từng nhìn thấy rất nhiều thầy cô với tấm lòng cao cả và trái tim rộng lớn bởi tình người rất quan trọng.
Giáo dục cần xuất phát và hướng đến tình thương, sự nhân văn nhưng đáng buồn ở đây là sự cư xử vô cảm".