Vì sao đủ điểm đỗ đại học, nhiều học sinh vẫn rẽ hướng… học nghề?

Kiều Phương

(Dân trí) - Đạt điểm số cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, song nhiều học sinh vẫn quyết tâm rẽ hướng sang học nghề, vừa giúp thỏa mãn đam mê, đồng thời nhanh chóng có được việc làm để ổn định cuộc sống.

Vì sao đủ điểm đỗ đại học, nhiều học sinh vẫn rẽ hướng… học nghề? - 1

Học sinh, phụ huynh "cởi mở" hơn với học nghề

Nhận được kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với 23,5 điểm, Hoàng Hải Nam (Hải Phòng) đã quyết định nộp hồ sơ tuyển sinh vào ngành kỹ thuật ô tô tại một trường nghề tại Hải Phòng. Với số điểm này, Nam hoàn toàn có cơ hội vào một trường đại học. Song, em chia sẻ, do gia đình không quá khá giả nên em mong muốn sớm có việc làm, thu nhập để ổn định cuộc sống.

"Em thấy học nghề không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn đem lại cơ hội việc làm lớn. Vì vậy, mặc dù kỳ thi vừa qua điểm số của em khá ổn, nhưng em vẫn quyết định học nghề. Em chọn ngành kỹ thuật ô tô, vì em đam mê lĩnh vực này từ rất lâu rồi".

Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chỉ để xét tốt nghiệp, em Nguyễn Thùy Linh (Thái Bình) cho biết, trước khi làm hồ sơ, em đã tham khảo ý kiến từ phía thầy cô, gia đình và bạn bè. Nhận thấy xung quanh có nhiều anh, chị cũng từng tốt nghiệp đại học với bằng khá, giỏi, song không phải ai cũng may mắn tìm được công việc như ý muốn; Thùy Linh đã quyết định tìm cho mình một hướng đi mới, vừa thỏa mãn đam mê, đồng thời giúp em yên tâm về cơ hội việc làm sau một khoảng thời gian theo học.

"Đạt 22 điểm khối C trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, em được bố mẹ khuyên nên theo học tại một trường cao đẳng, đại học cho bằng bạn bằng bè. Tuy nhiên, em vẫn quyết định không thay đổi kế hoạch của mình. Hiện tại, em đang tìm hiểu một vài trung tâm đào tạo, hướng dẫn trang điểm. Học nghề, vừa được học và làm đúng đam mê, việc đi lại cũng dễ dàng vì các trung tâm nghề hầu hết là gần nhà, thì còn gì bằng".

Vì sao đủ điểm đỗ đại học, nhiều học sinh vẫn rẽ hướng… học nghề? - 2
Thay vì vào đại học, nhiều học sinh đã lựa chọn học nghề.

Không chỉ học sinh, nhiều bậc phụ huynh hiện nay đã có cái nhìn cởi mở hơn về việc học nghề.

Có con trai vừa học hết lớp 12, phụ huynh Trần Bích Liên (Hải Phòng) chia sẻ: "Học lực của con khá tốt, gia đình ai cũng mong muốn con sẽ vào đại học. Tuy nhiên, học kỳ cuối năm lớp 12, con bày tỏ nguyện vọng không thi đại học mà rẽ hướng sang… học nghề sửa chữa điện tử, điện lạnh. Ban đầu, vợ chồng tôi ai cũng phản đối.

Sau hôm đó, mỗi bữa cơm, con đều ra sức thuyết phục, giải thích cho bố mẹ, rằng nếu học nghề đó thì sau này cơ hội việc làm của con thế nào, lương bổng ra làm sao. "Mưa dầm, thấm lâu", vợ chồng tôi cũng thấy có lý; cộng với lý do dù sao con cũng bước vào tuổi trưởng thành, nên chúng tôi đã đồng ý cho con tự bước trên con đường của riêng mình".

Học nghề đam mê hay chạy theo "nghề mốt"?

Không còn mang tư duy phải vào đại học bằng mọi giá, hiện tại, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn cho mình nhiều con đường khác nhau. Và "học nghề" là một hướng đi đem lại nhiều cơ hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thí sinh đã xác định rõ ràng được ngành nghề, công việc mình sẽ theo đuổi, thì vẫn còn nhiều bạn cảm thấy mông lung, thậm chí là "choáng ngợp" như lạc vào ma trận khi không biết phải lựa chọn nghề nào trong tương lai.

Mặc dù rất yêu thích Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, số điểm mà thí sinh Nguyễn Minh Bách (Hà Đông, Hà Nội) đạt được lại khá thấp, khó có cơ hội để trúng tuyển. Đối diện với thực tế này, Bách đã quyết định không theo học đại học mà chuyển hướng sang các trường nghề.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, nam sinh này vẫn chưa xác định được mình sẽ theo học ngành nghề nào. "Em thích nấu ăn nhưng bố mẹ em lại muốn em học những nghề liên quan đến kỹ thuật, sửa chữa máy móc. Em băn khoăn, lo lắng vì chẳng biết nên nghe ai, làm gì, và đi đâu về đâu".

Tương tự, nữ sinh Trần Ngọc Linh (Hải Phòng) cũng bày tỏ sự lo lắng khi chưa lựa chọn được ngành nghề mà bản thân sẽ theo học tại trường nghề. Linh phân vân khi đứng giữa hai sự lựa chọn: nghề yêu thích và nghề "hot" trong tương lai.

"Hiện tại, dịch Covid-19 phức tạp, ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế, nhiều người từ đó mà cũng mất việc làm. Do đó, em không biết phải học nghề nào để dễ kiếm việc làm" - Linh tâm sự.

Đừng để "sai một ly, đi một dặm"

Nhà giáo Trần Thùy Liên (giáo viên cấp 3 tại Hà Nội) cho rằng, việc nhiều thí sinh băn khoăn, thắc mắc khi không biết phải lựa chọn ngành nghề nào cho tương lai là câu chuyện khá phổ biến hiện nay. Trên thực tế, các em học sinh thường mắc phải sai lầm khi chọn nghề đó chính là chỉ dựa vào duy nhất năng lực học tập, chọn nghề theo trào lưu, chọn nghề vì lý do kinh tế, thậm chí là chọn nghề vì… bố mẹ, bạn bè.

Cô Liên chia sẻ, mỗi năm, có hàng ngàn bạn trẻ trượt dài cả cuộc đời và sống trong chán nản chỉ vì chọn sai bước đi đầu tiên. Chọn nhầm ngành nghề chính là "sai một li, đi một dặm".

"Các thí sinh phải hiểu công việc là tương lai, là định hướng suốt cả cuộc đời của một con người. Do đó, khi chọn nghề cần cân nhắc kỹ càng, và nhất định không được nhắm mắt chọn… bừa. Quan điểm của tôi, dù là học đại học hay học nghề thì nghề nghiệp mà một cá nhân theo đuổi cần phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân. Có như vậy thì con đường theo đuổi mới không dang dở.

Thực tế, mỗi người là một cá thể độc nhất với những tính cách, năng lực, sở trường hoàn toàn khác nhau. Để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, các em hãy dành thời gian suy nghĩ, kết hợp làm những bài kiểm tra tính cách, năng lực (những bài test này có nhiều rất nhiều trên mạng) để có thể nhìn nhận một cách đa chiều nhất".

Là một người từng trải, chị Nguyễn Ngọc Hà cho hay, nếu việc lựa chọn nghề nghiệp xuất phát từ sở thích, nguyện vọng của bản thân thì sẽ bền vững hơn.

Từng theo học ngành Điện - Điện tử tại một trường nghề ở Vĩnh Phúc, song hiện tại, chị Hà đang kinh doanh tự do thay vì làm đúng với ngành nghề mình theo học.

"Tôi không hối hận khi đã chọn học nghề. Nhưng nếu để suy nghĩ lại, tôi sẽ suy nghĩ kỹ hơn và chọn một ngành học khác. Bởi vì ngành này thực sự không phù hợp, quá trình học 3 năm trước đó đối với tôi rất vất vả, mà tôi thì cũng chẳng đủ dũng cảm để từ bỏ".

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Mạnh Dũng (giảng viên tại một trường cao đẳng nghề tại Hải Phòng) chia sẻ, việc chọn nghề cũng giống như chọn vợ, chọn chồng; bởi có thể sẽ sống cả cuộc đời với ngành nghề nào đó. Tất nhiên, chọn sai "người bạn đời" thì có rất nhiều hậu quả.

"Khi chọn nghề, các em nên chú ý đến các thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng về thị trường lao động. Lựa chọn ngành nghề để học hôm nay nhất thiết phải nghĩ đến việc làm trong tương lai.

Một lời khuyên không thừa là các em không nên chọn một ngành chỉ vì đó là nó đang rất "hot" hay theo mong muốn của gia đình. Chúng ta là những cá thể riêng biệt. Một nghề có thể hợp với người này nhưng không hợp với người khác. Chưa kể, việc chạy theo ngành "hot" cũng tồn tại nhiều rủi ro bởi nghề đang được cho là "hot" ở hiện tại, 2-3 năm sau quá trình đào tạo ở trường nghề có thể mất vị thế hay sẽ trở nên quá tải.

Vì thế, hãy suy nghĩ và chọn lựa thật kỹ. Tận dụng các thông tin đã tìm hiểu, so sánh, đối chiếu thật cặn kẽ để có những lựa chọn phù hợp. Đừng để sống một cuộc đời "giá như" - thầy Dũng nhắn nhủ.