Vì đâu phần mềm có hình “đường lưỡi bò” vào trường học?

(Dân trí) - Môn Tin học tự chọn lớp 7 có chủ đề “Sử dụng phần mềm máy tính để ứng dụng các môn khác” nên phần mềm Earth Explorer được đưa vào để các em làm quen với việc xem bản đồ.

Ngay sau khi báo chí phản ánh sách giáo khoa (SGK) Tin học lớp 7 hướng dẫn sử dụng phần mềm Earth Explorer có hình “đường lưỡi bò”, ông Bùi Việt Hà - Tổng giám đốc Công ty công nghệ tin học nhà trường School@net - đơn vị cung cấp phần mềm này lập tức chia sẻ và giải thích về sự việc. Ông Bùi Việt Hà cũng là một trong các tác giả viết SGK Tin học cấp THCS.

Ông Hà cho biết, trong chương trình khung Tin học có chủ đề là "Sử dụng phần mềm máy tính để ứng dụng học các môn khác". Một chủ đề chung như vậy nên nhóm tác giả phải lựa chọn các phần mềm để cho học sinh (HS) làm quen.

Phần có hình ảnh đường lưỡi bò được các trường THCS sử dụng nhiều năm nay. 
Phần có hình ảnh "đường lưỡi bò" được các trường THCS sử dụng nhiều năm nay. 

“Thời điểm đó vào năm 2007, các phần mềm giáo dục của Việt Nam hầu như không có nên nhóm tác giả đã quyết định chọn một số phần mềm của nước ngoài về Toán, học gõ 10 ngón, bản đồ thế giới để học sinh làm quen. Phần mềm bản đồ không thể chọn Google Earth vì thực tế các trường không có Internet.

Các phần mềm chọn đều phải là miễn phí hoặc bản DEMO, chúng ta không thể mua bản quyền vì không có tiền”, ông Hà nói.

Thế nên, phần mềm Earth Explorer với một số tính năng đơn giản như hiện các bản đồ, thành phố, cho phép zoom, dịch chuyển được chọn là bản DEMO (thử nghiệm). Việc đưa phần mềm này vào để HS biết cách xem, zoom, dịch chuyển bản đồ, phóng to, thu nhỏ, đo khoảng cách giữa 2 điểm trên bản đồ.

Theo ông Hà, đây thực không phải là một bài học Địa lý nghiêm chỉnh mà mục đích dùng phần mềm nhằm hỗ trợ học tập, tập xem bản đồ. Hơn nữa, vào thời điểm đó, hội chứng “đường lưỡi bò” chưa nổi cộm như bây giờ nên ít ai để ý đến việc có mấy đường kẻ vàng tại đó.

Ông Hà cho rằng đây không phải là một lỗi quá trầm trọng và bày tỏ Việt Nam không có các phần mềm học Địa lý nghiêm chỉnh.

“Nếu ngay bây giờ dùng các bản đồ của Google thì cũng khó tránh được những "lỗi" như thế này. Theo tôi, giáo viên phải chủ động khi hướng dẫn sử dụng phần mềm, internet khi cho HS tham khảo. Thậm chí cho HS hiểu rõ được thực chất về đường lưỡi bò của Trung Quốc là điều nên làm, không cần giấu HS”, ông Hà bộc bạch.

Không hề né tránh, ông Hà cho biết, năm 2012, một số giáo viên đã phát hiện ra điều này và bài học sử dụng phần mềm này đã bị bỏ khỏi chương trình nhưng sách cũ vẫn còn.

Vấn đề đặt sự việc được phát hiện từ lâu nhưng trên thực tế nhiều trường vẫn giảng dạy nội dung này.

Ngày 24/12, TPHCM ra văn bản đề nghị các trường học bỏ bài học liên quan đường lưỡi bò.  
Ngày 24/12, TPHCM ra văn bản đề nghị các trường học bỏ bài học liên quan "đường lưỡi bò".  

Khi báo chí lên tiếng về sự việc, Sở GD-ĐT TPHCM mới kiểm tra thông tin và ngày 24/12, Sở mới có văn bản yêu cầu các trường bỏ bài học này, đồng thời báo cáo nhanh lên Bộ GD-ĐT.

Về vấn đề này, ông Hà giải đáp, khi phát hiện về sự việc, nhóm tác giả đã gửi thư lên Nhà xuất bản Giáo dục đề nghị viết lại sách và thay thế bằng phần mềm khác rất hay. Nhưng mãi đến năm 2013, Nhà xuất bản Giáo dục mới họp để sửa sách và đến năm 2014, khi có sách chỉnh lý thay thế mới thực sự bỏ bài liên quan đến phần mềm Earth Explorer khỏi sách.

“Họ không muốn thay phần mềm mà đề nghị bỏ luôn bài đó, thay bằng nội dung khác. Tôi rất tiếc, HS sẽ không được học cách sử dụng phần mềm xem bản đồ nữa”, ông Hà cho biết.

Hoài Nam