"Từ hôm nay không gọi ĐBSCL là vùng trũng giáo dục nữa"

Phạm Tâm

(Dân trí) - "Minh chứng qua các số liệu, GD&ĐT vùng đã thoát ra khỏi vùng trũng, đề nghị từ hôm nay không gọi khu vực ĐBSCL là vùng trũng nữa", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Ngày 27/2, tại TP Cần Thơ, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2010-2011, vùng ĐBSCL chỉ có 13 cơ sở giáo dục đại học, đến năm 2020 số lượng cơ sở giáo dục đại học tăng lên 21, trong đó có 4 phân hiệu, 8 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.

Riêng Cần Thơ có 5 đại học và 1 phân hiệu, Vĩnh Long có 3 trường đại học và 1 phân hiệu. Các trường đại học trong khu vực hiện đào tạo trình độ từ đại học đến tiến sĩ, với 1.475 lượt ngành đào tạo đại học, 115 lượt ngành đào tạo thạc sĩ và 40 lượt ngành đào tạo tiến sĩ.

Từ hôm nay không gọi ĐBSCL là vùng trũng giáo dục nữa - 1

Các đại biểu dự Hội nghị bàn quyết sách cho giáo dục ĐBSCL ngày 27/2 tại Cần Thơ (Ảnh: Phạm Tâm).

Về công tác phổ cập giáo dục, tới năm học 2019-2020, vùng ĐBSCL có 1.078 địa phương cấp xã (tỷ lệ 74,4), 75 địa phương cấp huyện (tỷ lệ 76,5%) và 1 tỉnh/thành phố đạt chuẩn mức độ 1. 220 địa phương cấp xã (tỷ lệ 15,2), 15 địa phương cấp huyện (tỷ lệ 15,3%) và 4 tỉnh/thành phố đạt chuẩn mức độ 2.

Nếu như năm học 2010 - 2011, toàn vùng không có tỉnh, thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đến năm học 2021 - 2022, vùng đã có 10/13 (tỷ lệ 76,92%) tỉnh, thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Dù đạt những kết quả khả quan nhưng GD&ĐT vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn. Đơn cử, tỷ lệ huy động trẻ đến trường còn thấp, nhất là trẻ nhà trẻ. Mạng lưới trường, lớp phân tán; còn nhiều điểm trường; tỷ lệ huy động học sinh các cấp học phổ thông đi học đúng độ tuổi vẫn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước, đặc biệt ở cấp THCS và cấp THPT có khoảng cách khá xa so với tỷ lệ chung của cả nước (từ 7%-13%).

Số trường ở các cấp học có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia cũng còn thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước.

Từ hôm nay không gọi ĐBSCL là vùng trũng giáo dục nữa - 2

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Phạm Tâm).

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, đánh giá ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - chính trị, quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây là địa bàn giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, thủy sản, du lịch, có vai trò đặc biệt quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Theo Bộ trưởng, giáo dục ĐBSCL đã đạt được những kết quả quan trọng đáng ghi nhận nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, đảng, sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, sự quan tâm, hỗ trợ của toàn xã hội trong những năm vừa qua.

"Căn cứ vào các số liệu, chúng ta có thể khẳng định giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL đã thoát khỏi vùng trũng. Đề nghị từ nay chúng ta không gọi khu vực ĐBSCL là vùng trũng giáo dục nữa, không còn trũng nữa, thậm chí có những điểm rất khả quan, đáng mừng", ông Sơn nói.

Theo người đứng đầu ngành GD&ĐT: "Xét chỉ số cơ sở vật chất, tỷ lệ huy động trẻ đến lớp, tỷ lệ bỏ học, mù chữ… 'các chỉ số đó chúng ta đều khó khăn', tuy nhiên kỳ thi tốt nghiệp THPT, về chất lượng đứng trong nhóm 2 trong 6 vùng.

Vì sao có sự lệch như thế? Cơ sở vật chất là quan trọng, nhưng cơ sở vật chất và chất lượng không đồng nhất với nhau. Điều đó cho thấy đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đã có sự nỗ lực phi thường", ông Sơn nói.

Ông Sơn đề nghị các địa phương ĐBSCL có giải pháp tổng thể, trong đó cấp bách là kiên cố hóa trường, lớp; đầu tư trang thiết bị phòng học bộ môn phục vụ chương trình mới; có phương án phù hợp trong sắp xếp điểm trường; có mẫu trường học phù hợp với địa hình, khí hậu của khu vực.