TS Trần Văn Công được Pháp trao Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn học

Hồng Hạnh

(Dân trí) - TS Trần Văn Công - Trưởng Khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Hà Nội vừa vinh dự được Đại sứ quán Pháp trao Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn học của Bộ Văn hóa Pháp.

Được biết, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp phong tước Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn học tới TS Trần Văn Công vào năm 2020, nhưng do bệnh dịch Covid-19 nên năm nay Đại sứ quán Pháp mới phong tước và trao Huân chương cho TS Trần Văn Công cùng bà Lê Thanh Huyền, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.

TS Trần Văn Công được Pháp trao Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn học - 1

Đại sứ quán Pháp trao Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn học của Bộ Văn hóa Pháp tới TS Trần Văn Công.

Huân chương Nghệ thuật và Văn học được Bộ Văn hóa Pháp bắt đầu trao tặng từ năm 1957 cho các cá nhân nổi bật trong sáng tác nghệ thuật và văn học hoặc có đóng góp làm tỏa sáng nghệ thuật - văn học ở Pháp và trên thế giới.

Ở Việt Nam, những người từng được nhận Huân chương này chủ yếu là các văn nghệ sĩ và những người góp phần làm tăng cường sự hiểu biết giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp. Có thể kể đến nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Ngô Tự Lập, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, bà Nguyễn Ngọc Lan - Viện trưởng Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF), NSƯT Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP. HCM, bà Vũ Thị Minh Hương - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam.

TS Trần Văn Công được nhận Huân chương vì đã 30 năm gắn bó với hoạt động truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Pháp. Ngoài việc giảng dạy tiếng Pháp ở các trường đại học Việt Nam và trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, TS Trần Văn Công còn là Chủ tịch Hiệp hội các Trường giảng dạy Văn học và Khoa học Nhân văn Pháp ngữ với các thành viên ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Á.

Đặc biệt, Bộ Văn hóa Pháp ghi nhận đóng góp của ông thông qua những tác phẩm văn học Pháp và Pháp ngữ mà ông đã dịch trong những năm qua cũng như những hoạt động văn hóa Pháp ngữ ở Khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Hà Nội.

Kế từ năm 2008 đến nay, TS Trần Văn Công đã dịch được 10 cuốn tiểu thuyết của các tác giả như Anna Gavalda, Marguerite Duras, Delphine de Vigan và một số tác giả được giải Năm châu lục Pháp ngữ như Kamel Daoud, Jean-Marc Turine… Đa số các tác phẩm này là văn học đương đại, giúp độc giả Việt Nam hiểu hơn về cuộc sống tâm hồn người Pháp và người dân các nước Pháp ngữ trong xã hội ngày nay.

TS Trần Văn Công được Pháp trao Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn học - 2

TS Trần Văn Công.

TS Trần Văn Công cho rằng, để dịch được sách văn học, người dịch cần phải cảm nhận được những suy nghĩ của các nhân vật, những ẩn ý trong mỗi lời nói của nhân vật và trong những câu văn. Không những người dịch phải làm chủ tiếng nước ngoài và tiếng mẹ đẻ mà còn phải nắm chắc hai nền văn hóa, phải nhạy cảm với từng ngôn từ và biết cảm nhận vẻ đẹp và chiều sâu của văn bản.

Muốn thế, người dịch cũng phải đọc rất nhiều để tích lũy kiến thức và ngôn ngữ. Nhưng trước hết, người dịch văn học cần có tâm hồn nghệ sĩ, yêu cái đẹp, yêu sự tinh tế và làm cho nó lan tỏa trong bản dịch của mình.

TS Trần Văn Công chia sẻ: "Tôi có may mắn được làm quen với văn học Pháp từ khi còn rất nhỏ. Hồi ấy, tôi ở gần nhà một bà cụ bán sách. Hàng ngày tôi đến giúp bà sắp xếp sách, làm sạch bụi bám trên những giá sách, trông hàng giúp bà. Đổi lại, bà cho tôi mượn bất cứ cuốn sách nào tôi thích. Và tôi đã đến với văn học Pháp như vậy.

Mới 9, 10 tuổi, tôi đã đọc khá nhiều tác phẩm của các nhà văn Pháp được dịch sang tiếng Việt: Victor Hugo, Stendhal, Honoré de Balzac, Alphonse Daudet, Guy de Maupassant, Emile Zola, Jules Verne, Hector Malot và nhiều tác giả khác nữa. Niềm đam mê văn học nói chung và văn học Pháp nói riêng đã theo đuổi tôi suốt từ đó đến nay".