Trượt lớp 10: Cần lắm sự thay đổi tư duy, bắt đầu từ cha mẹ!
(Dân trí) - Ngày 9/7, Hà Nội có điểm chuẩn của 116 trường THPT công lập. Dù điểm chuẩn thế nào, theo lý thuyết, không quá 64,7% thí sinh trúng tuyển vào 10. Nhiều đứa trẻ trượt nhưng mọi thứ vẫn chưa kết thúc.
Căng thẳng hơn cả thi đại học
Ngày 9/7, cộng đồng mạng truyền tay nhau thông điệp tìm người nhà của một gia đình ở Hà Nội. Trong bức ảnh đó ghi rõ, một học sinh do kết quả thi lớp 10 không tốt nên đã bỏ nhà đi.
Sự việc chưa được kiểm chứng đúng/sai nhưng công bằng mà nói, quả thật đây là kỳ thi còn căng thẳng và áp lực hơn cả thi Đại học bởi chỉ cần đỗ lớp 10, nhiều em học hết cấp 3 đã có thể vào một trường đại học nào đó bằng phương thức xét tuyển học bạ.
"Trượt lớp 10 chưa phải là kết thúc", đấy là tiêu đề mà nhà văn Hoàng Anh Tú đã viết ngay sau khi có điểm thi vào lớp 10 THPT ở Hà Nội.
Theo chuyên gia này, sở dĩ trượt lớp 10 chưa phải là kết thúc bởi các em vẫn còn rất nhiều những lựa chọn sắp tới mà biết đâu, lựa chọn đó còn tốt và phù hợp hơn.
"Vậy là chiều tối qua đã có điểm chuẩn của 116 trường công của Hà Nội. Dù điểm chuẩn thế nào thì theo lý thuyết vẫn chỉ có không quá 64,7% số thí sinh trúng tuyển vào 10. Vì chỉ tiêu tuyển sinh đã cố định thế rồi, không du di được.
Các gia đình chỉ có 3 ngày là ngày Chủ Nhật, 10/7, ngày 11/7 và muộn nhất là ngày 12/7 phải nộp hồ sơ nhập học. Quá hạn trên trường sẽ không nhận nữa. Đến 19/7 mới có đợt tuyển bổ sung, lúc đó hạ điểm hay không tùy trường và tùy mức hạ.
Thế nên hôm nay mọi thứ cũng xem như là đã ngã ngũ. Số học sinh trượt không thể ít hơn 35,3% vì sẽ rất nhiều con chỉ thiếu 0,5 điểm ở nguyện vọng 1 trong khi nguyện vọng 2 sẽ phải cộng thêm 1 điểm so với điểm chuẩn công bố, nguyện vọng 3 sẽ phải cộng thêm 1 điểm nữa. Sẽ có nhiều đứa trẻ trượt tức tưởi như thế", nhà văn này viết.
Đắn đo vì "hầu bao"
Trượt lớp 10 công lập, các em sẽ học ở đâu và làm gì là câu hỏi mà nhiều gia đình đặt ra ngay sau khi không may mắn trúng tuyển vào trường THPT công lập.
Tuy nhiên, "cánh cửa" tương lai không vì thế mà khép lại. Ngoài các trường tư thục, ngoài công lập, các em có thể tham khảo phương án cho việc học nghề, học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên…
Theo số liệu của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2021-2022, địa phương này có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học 2020-2021.
Dự kiến, các trường THPT tuyển vào lớp 10 khoảng 104.000 học sinh. Nhưng chỉ tiêu vào trường công lập chỉ có khoảng 77.000 học sinh, số còn lại vào trường tư thục.
Như vậy, so với năm trước, số chỉ tiêu vào trường công lập đã tăng thêm 10.000 học sinh, nhưng năm nay sẽ vẫn có khoảng 27.000 học sinh trượt trường công lập.
Nếu so với tổng số học sinh tốt nghiệp lớp 9 tại Hà Nội thì có đến 52.000 học sinh không tiếp tục học THPT công lập.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, trong số này, dự kiến sẽ có khoảng 27.000 học sinh sẽ vào học lớp 10 các trường ngoài công lập; khoảng 12.900 học sinh học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và 12.100 học sinh học các trường nghề.
Hiện Hà Nội có trên 100 trường ngoài công lập. Trong đó, trường top trên khoảng 10- 15 trường.
Theo quy định của Hà Nội, các trường tư có thể được tuyển sinh theo phương thức xét học bạ THCS, bằng kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 của thành phố hoặc kết hợp cả hai phương thức.
Tuy nhiên, số trường ngoài công lập phải áp dụng cả hai phương thức để xét tuyển chỉ đếm trên đầu ngón tay vì đặt tiêu chí cao, do vậy số lượng học sinh vào học trường tư phân khúc cao cũng không nhiều.
Ngoài các trường ngoài công lập top đầu và top giữa, nhiều trường tư tuyển không đủ chỉ tiêu.
Do vậy, nếu thí sinh trượt hết cả các nguyện vọng vào trường công lập thì vẫn có thể chắc suất vào một trường ngoài công lập nào đó.
Tuy nhiên, cho dù là trường ngoài công lập top dưới, mức học phí của các trường này cũng thuộc dạng cao so với khối trường công lập nên nhiều phụ huynh dù muốn vẫn phải đắn đo do tính toán sao cho phù hợp với "hầu bao".
Điều này dễ hiểu bởi lẽ trong giai đoạn bão giá như hiện nay, một gia đình lao động bình thường, nuôi hai con ăn học không hề đơn giản.
Hãy thay đổi tư duy, bắt đầu từ cha mẹ
Đối với những thí sinh không còn "cánh cửa" nào để vào cấp 3, các em có thể chọn học nghề hoặc vào các trung tâm giáo dục thường xuyên.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, đa số phụ huynh vẫn nghĩ con mình vào trường công mới danh giá nhưng lại không quan tâm đến việc đó có phù hợp với con mình hay không.
Theo đánh giá, hiện nay về nội dung chương trình của trường nghề không có sự khác biệt so với chương trình tại các trường công lập.
Nhiều trung tâm cũng đã có sự thay đổi, nâng cấp phương pháp giáo dục đào tạo, để đảm bảo các em học tại trung tâm không bị chênh kiến thức so với các học sinh trường công lập.
Kết thúc chương trình học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các em sẽ tham gia thi tốt nghiệp THPT cùng với học sinh chính quy, bằng tốt nghiệp không phân biệt hình thức đào tạo.
"Học trường nghề sẽ giúp lũ trẻ tiếp xúc và thực hành tốt hơn là lũ trẻ học trường công hay cả trường tư.
Những chương trình hướng nghiệp trong trường công hay trường tư chỉ giống cưỡi ngựa xem hoa. Còn học trường nghề là các con trực tiếp với nghề nghiệp", nhà văn Anh Tú nói.
Từng là "bác sĩ tâm hồn" cho nhiều người, nhà văn này cho rằng, các cha mẹ hãy thay đổi lại tư duy của mình đi. Trường công sẽ rất tốt nhưng trường công không phải lựa chọn duy nhất, bắt buộc đến mức trượt trường công là kết thúc cuộc đời học sinh.
Vẫn cần lắm sự thay đổi quan niệm của các cha mẹ. Vì xét cho cùng, trong số 116 trường công kia, có bao nhiêu trường công mà cha mẹ muốn con mình học ở đó, nói thật đi!
Những trường công chỉ lấy 15, 16, 17, 18, 19 điểm đầy ra, nếu không vì vấn đề tài chính, liệu có cha mẹ nào muốn cho con theo học?