Trường ĐH Bạc Liêu lần đầu tuyển sinh ngành Nuôi tôm công nghệ cao

(Dân trí) - Tỉnh Bạc Liêu đang xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao được xem là lớn nhất cả nước. Đây cũng là lĩnh vực mà trường Đại học Bạc Liêu lần đầu tuyển sinh ngành học Nuôi tôm công nghệ cao trong năm 2020.

Một lãnh đạo Phòng Đào tạo - trường Đại học Bạc Liêu cho biết, ngành Nuôi tôm công nghệ cao là ngành học lần đầu tiên được mở, tuyển sinh của trường trong năm 2020.

Theo đó, trường tuyển 50 chỉ tiêu, với tổ hợp xét tuyển, gồm: A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), A02 (Toán, Lý, Sinh), B00 (Toán, Hóa, Sinh), D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh), A16 (Toán, KHTN, Văn), D90 (Toán, KHTN, Tiếng Anh).

Trường xét tuyển theo 2 phương thức: Xét theo học bạ THPT (theo kế hoạch của trường) và sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia (theo quy định của Bộ GD&ĐT).

Trường ĐH Bạc Liêu lần đầu tuyển sinh ngành Nuôi tôm công nghệ cao - 1

Nuôi tôm ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao. (Ảnh minh họa)

Thông tin từ nhà trường cho biết, trong khoảng thời gian đào tạo 4 năm, sinh viên sẽ được học các kiến thức chuyên môn từ định danh, phân loại, đến đặc điểm sinh học, vòng đời và môi trường sống của động, thực vật thủy sinh; được trang bị các kỹ thuật và cơ hội rèn luyện tay nghề về sản xuất giống và kỹ thuật nuôi, nhu cầu dinh dưỡng và chế biến thức ăn cho tôm cá; biết quản lý sức khỏe vật nuôi và chất lượng nước ao nuôi, sử dụng được trang thiết bị hiện đại trong nuôi thủy sản;...

Qua đó, sinh viên có kiến thức sâu về kỹ thuật sản xuất, phòng, trị bệnh, dinh dưỡng… các loài thủy sản nước ngọt và lợ có giá trị kinh tế; vận hành nuôi tôm công nghệ cao.

Từ đó, khi ra trường, sinh viên có thể làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước ở lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, khuyến nông…; các doanh nghiệp nuôi trồng, sản xuất, chế biến thuỷ sản; tư vấn, chuyển giao công nghệ nuôi trồng thuỷ sản công nghệ cao;…

Có thể nói, đây được xem là một bước "đột phá" trong việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn theo lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội (nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) mà tỉnh Bạc Liêu nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung đang xây dựng, hướng đến.

Huỳnh Hải