Triển khai chương trình mới ở TPHCM: "Dư" học sinh nhưng thiếu kinh phí

Hoài Nam

(Dân trí) - Quan điểm xung đột, ảnh hưởng của dịch bệnh, sĩ số học sinh đông và thiếu kinh phí... là những khó khăn TPHCM gặp phải khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngày 13/8, Sở GD-ĐT TPHCM đã có báo cáo gửi UBND tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 và công tác chuẩn bị năm học mới 2021-2022.

Chương trình mới gặp xung đột quan điểm

Theo báo cáo của Sở, khó khăn lớn nhất khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 năm đầu tiên là áp lực học sinh quá đông, sĩ số học sinh/lớp còn cao, chỉ mới 82,6% HS lớp 1 học 2 buổi/ngày. 

Triển khai chương trình mới ở TPHCM: Dư học sinh nhưng thiếu kinh phí - 1

Sĩ số đông là khó khăn hàng đầu của TPHCM khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 20218

Đầu năm học 2020-2021, chương trình mới triển khai đầu cấp gặp khó theo Sở còn do có sự xung đột về mặt quan điểm giáo dục và thói quen giữa chương trình mới và chương trình cũ, một số bất cập của sách giáo khoa (SGK) mới. 

Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng kéo theo những hạn chế như học sinh nhập học trễ, không có thời gian làm quen; giáo viên phải tập huấn trực tuyến... 

Rút kinh nghiệm, năm học 2021-2022, khi triển khai chương trình GDPT 2018 đối với khối lớp 2 và lớp 6, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động hơn trong thực hiện chương trình, SGK. 

Đề xuất thu tiền học 2 buổi/ngày

Việc triển khai chương trình GDPT mới của TPHCM năm nay, lãnh đạo Sở cho hay cơ sở vật chất không đáp ứng nổi 100% học sinh lớp 1,2,6 học 2 buổi/ngày; chương trình lớp 6 với các bộ môn Tích hợp khiến nhiều trường học và giáo viên bị lúng túng. 

Triển khai chương trình mới ở TPHCM: Dư học sinh nhưng thiếu kinh phí - 2

TPHCM kiến nghị xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày

Báo cáo của Sở cũng chỉ ra, ngành giáo dục TPHCM gặp khó khăn về kinh phí khi triển khai dạy học 2 buổi/ngày theo chương trình GDPT 2018.

Kinh phí cấp cho các trường tổ chức dạy học chưa được điều chỉnh nhưng thời lượng dạy học tăng. Các khối lớp dạy theo chương trình cũ được thu thêm theo khoản thu thỏa thuận nếu tổ chức 2 buổi/ngày, còn chương trình GDPT mới thì không. 

Sở GD-ĐT đã kiến nghị Bộ GD-ĐT có hướng dẫn bằng văn bản, làm cơ sở pháp lý xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Nhưng đến nay theo Sở, kiến nghị này chưa được giải quyết. 

Bỏ phiếu kín chọn SGK mới

Về chọn SGK lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022, Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, Sở đã tổng hợp đề xuất lựa chọn SGK từ các cơ sở giáo dục để chuyển cho Hội đồng lựa chọn SGK thành phố 2021 danh mục SGK lớp 2, lớp 6 và điều chỉnh, bổ sung SGK lớp 1. 

Kết quả bỏ phiếu kín của các Hội đồng lựa chọn SGK được Sở tổng hợp trình UBND thành phố để báo cáo Bộ GD-ĐT cũng như họp báo công khai quy trình, kết quả lựa chọn SGK của thành phố. 

Được biết, năm học 2021-2022, dự kiến TPHCM có 1.714.130 học sinh, tăng gần 31.000 so với năm học 2020-2021.