Trên 20 vụ việc giảng viên "tố" trưởng khoa hầu hết không có cơ sở

Hoài Nam

(Dân trí) - Độc đoán, chuyên quyền, hành xử thiếu tôn trọng đồng nghiệp, cư xử mang tính tư thù... là trong những vấn đề 11 giảng viên khoa Hàn Quốc học, ĐH KHXH&NV TPHCM "tố" trưởng khoa.

Theo thông báo về việc giải quyết đơn kiến nghị của 11 giảng viên Hàn Quốc học, ĐH KHXH&NV của ĐH Quốc gia TPHCM, các giảng viên này "tố" trưởng khoa với 3 nội dung chính với nhiều sự việc. 

Chỉ riêng nội dung "Trưởng khoa thiếu dân chủ trong quản lý điều hành đơn vị, yếu về năng lực quản lý, lãnh đạo dẫn đến việc điều hành khoa Hàn Quốc học một cách độc đoán, chuyển quyền, tùy tiện, duy ý chí, hành xử thiếu tôn trọng đồng nghiệp, cư xử mang tính tư thù đối với những giảng viên có chính kiến" đã có đến 20 vụ việc. 

Trên 20 vụ việc giảng viên tố trưởng khoa hầu hết không có cơ sở - 1

Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM 

Một số vụ việc phản ánh như:

Trưởng khoa tự ý áp đặt mệnh lệnh "Đi họp trễ 15 phút coi như vắng mặt"; Lấy tiêu chí vắng họp khoa để đánh giá để đánh giá giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ;

Trưởng khoa thể hiện sự thiếu tôn trọng với đồng nghiệp thông qua việc gửi email  triệu tập họp 2 tiếng trước giờ họp mà không có nội dung cuộc họp, yêu cầu người không đến dự họp được phải ghi biên bản, lý do, ký tên bút xanh gửi về văn phòng khoa; Trưởng khoa thể hiện sự độc đoán, thiếu tôn trọng giảng viên, không lắng nghe ý kiến đóng góp mang tính xây dựng;

Trưởng khoa nhiều lần họp kín với từng cá nhân giảng viên có ý kiến trái chiều, dùng những câu từ khiến người tiếp nhận có cảm giác bị đe dọa; có phát ngôn không phù hợp với giảng viên trong buổi họp đánh giá viên chức;

Cho thư ký viết biên bản họp khoa không phản ánh trung thực về nội dung cuộc họp, không có đầy đủ chữ ký các thành phần tham dự, ghi âm các cuộc họp mà không thông báo cho giảng viên; 

Trưởng khoa thể hiện tính tư thù trong việc đánh giá hoạt động mang đến lợi ích cho sinh viên do các giảng viên thực hiện; bao che sai phạm cho Phó trưởng khoa phụ trách đào tạo trong việc sử dụng sai con dấu của khoa để đưa sinh viên đi nước ngoài; sử dụng lịch công đi làm việc riêng.

Giao hoàn toàn việc điều hành, quản lý hệ văn bằng 2 cho một chuyên viên chưa có trình độ thạc sĩ, trong khi người đứng tên phụ trách lại không được tham gia; các vấn đề công tác triển khai đề án chương trình chất lượng cao...

Trong 20 vụ việc phản ánh, theo kết quả xác minh, hầu hết đều không có cơ sở. Chỉ có 2 vụ việc phản ánh có cơ sở, 3 vụ việc Trưởng khoa ứng xử chưa phù hợp, cần xem lại, khắc phục.

ĐH Quốc gia TPHCM thông tin không đủ cơ sở kết luận Trưởng khoa Hàn Quốc học thiếu dân chủ trong quản lý điều hành đơn vị, yếu về năng lực quản lý, điều hành một cách độc đoán, chuyển quyền, tùy tiện, duy ý chí, hành xử thiếu tôn trọng đồng nghiệp, cư xử mang tính tư thù đối với những giảng viên có chính kiến. 

Tuy nhiên, kết luận ĐH Quốc gia TPHCM nhấn mạnh, bà Nguyễn Thị Phương Mai còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong xử lý một số tình huống, đặc biệt trong một số giao tiếp, làm việc với các nhân sự.

Bà Phương Mai cần rút kinh nghiệm một cách sâu sắc từ việc này để có những cải tiến tốt hơn trong việc quản lý và điều hành công việc và điều hành công việc. 

Trước đó, liên quan đến sự việc 12 giảng viên khoa Hàn Quốc học gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ, có đơn xin nghỉ việc (sau đó 1 người rút đơn ở lại) vì bức xúc với Trưởng khoa, Trường ĐH KHXH&NV đã có văn bản phê bình Trưởng khoa có những hạn chế trong quản lý, đề nghị rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục 

Đối với 11 giảng viên, nhà trường cũng có ra văn bản phê bình vì thiếu sự tôn trọng tổ chức, làm ảnh hưởng uy tín của nhà trường, có những chi tiết phản ánh sai sự thật khách quan. Đồng thời, trường giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động với các giảng viên này.