Bạn đọc gửi:

Tín dụng đen sinh viên mùa dịch: "Học càng giỏi lãi suất càng thấp"

(Dân trí) - Khi diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, nhiều sinh viên mất việc làm thêm thì những tiệm cầm đồ, hỗ trợ tài chính sinh viên được coi là điểm "cứu cánh".

Và hậu quả để lại là nhiều sinh viên phải bỏ học giữa chừng, cũng không ít trường hợp bị xã hội đen về tận gia đình dùng các hình thức đe dọa về tinh thần và cả tính mạng nhằm thu hồi công nợ.

"Tốt vay thì dày nợ"

Cầm cố, nợ nần là một trong những mặt trái không thể thiếu trong đời sống sinh viên. Việc cho sinh viên vay tiền với lãi suất cắt cổ đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng thực sự nhức nhối và bùng phát trong những năm gần đây khi dịch Covid-19 xuất hiện; chúng đã len lỏi vào từng trường học, từng ngõ ngách của xóm trọ theo kiểu "ở đâu có sinh viên, ở đó có cho vay".

Bất kể bạn là sinh viên trường nào, việc vay từ vài triệu đến vài trăm triệu và dĩ nhiên đổi lại là những lãi suất vay luôn nằm ở mức cao, ổn định nhất so với tất cả các loại hình tín dụng ở nước ta hiện nay.

Chỉ cần lên Google, gõ cụm từ "Tài chính sinh viên", sau 0,67 giây cho chúng ta đến 253.000.000 kết quả liên quan được đính kèm cả địa chỉ hướng dẫn trên Google Map. Đây là một hình thức tín dụng trên danh nghĩa hoạt động chui, nhưng giờ lại công khai và ngang nhiên.

Tín dụng đen sinh viên mùa dịch: Học càng giỏi lãi suất càng thấp - 1

Kết quả trả về khi tìm kiếm "Tài chính sinh viên" trên Google.

 "Cho vay trả góp", "thủ tục nhanh gọn", "giải ngân trong ngày"... những tờ rơi hay những quảng cáo cứ nhan nhản trên mạng xã hội hay những bức tường trong từng con ngõ. Thậm chí có lời quảng cáo của một nơi cho sinh viên vay lãi là "học càng giỏi lãi suất càng thấp", "uy tín là tất cả"...

Đặc biệt là ở những trường đại học, nơi có nhiều sinh viên - họ là những miếng mồi  béo bở của những kẻ cho vay tín dụng đen sinh viên. 

Tín dụng đen sinh viên mùa dịch: Học càng giỏi lãi suất càng thấp - 2

Quảng cáo trên mạng của một cửa hàng tài chính sinh viên tại Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội: "Học càng giỏi lãi suất càng thấp".

N.V. H. là sinh viên năm 3 của một trường Đại học ở Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội buồn rầu cho hay: "Em vay của một cửa hàng tài chính ở Mỹ Đình, Hà Nội với lãi suất 5 nghìn đồng/triệu/ngày.

Khi đến vay em phải đưa thẻ sinh viên, mã sinh viên, mật khẩu cổng thông tin để xác thực em là sinh viên của trường. Sau khi xác thực đúng là sinh viên, họ yêu cầu em đi mua một chiếc điện thoại 11promax 256G tại một cửa hàng điện thoại tại Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội).

Sau khi đến cửa hàng làm thủ tục trả góp, họ đưa em 70% số tiền của chiếc máy để trả góp. Khi hoàn tất thủ tục trả góp, chúng thu lại chiếc điện thoại đó và cho em vay số tiền 5 triệu đồng với lãi suất 5 nghìn/ triệu/ngày và phải trả góp số tiền còn lại của chiếc điện thoại trên.

Sau khi cầm tiền về nhà em mới biết mình đã bị lừa và số tiền em phải thanh toán cho chúng là 24.840, thực chất số tiền em vay chỉ có 5 triệu đồng mà thôi. Mỗi tháng em phải trả ngân hàng với số tiền 1.570.000 nghìn đồng".

Tín dụng đen sinh viên mùa dịch: Học càng giỏi lãi suất càng thấp - 3

Bảng thanh toán số nợ trả góp hàng tháng từ việc bị lừa tín dụng sinh viên của H.

Theo như tìm hiểu của chúng tôi, với lãi suất 5 nghìn đồng/ triệu/ ngày tương đương với 15%/ tháng và 180%/ năm, lãi suất này gấp khoảng 20  lần so với lãi suất ngân hàng tính tại thời điểm tháng 5 năm 2021 (tức khoảng 9%/ năm). Trong khi đó, chiếu theo quy  định hiện hành của pháp luật Việt Nam xét về lãi suất cho vay, các cá nhân (tổ chức) cho vay vốn với mức lãi suất kể trên đều vi phạm Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó quy định lãi suất không được vượt quá 20%/ năm của khoản tiền vay. Tất cả những trường hợp lãi suất cao hơn mức này đều vi phạm pháp luật.

Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định : Cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định của Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, có thể bị phạt tiền cao nhất đến 1 tỷ đồng, phạt tù cao nhất đến 5 năm.

Có thể thấy rằng, dù đã có luật pháp quy định nhưng các tín dụng đen cho sinh viên vẫn ngang nhiên hoạt động và điều này khiến nhiều bạn sinh viên rơi vào tình thế "dở khóc dở cười" với đống nợ trên trời rơi xuống.

Trả nợ bỏ lỡ chuyện học hành

Đã không ít sinh viên phải bỏ học vì vài phút "vung tiền qua trán", dẫn đến nợ xấu và không có khả năng chi trả. Một phần nhỏ thì "báo nhà" (được gia đình trả nợ) để có thể thoát khỏi cảnh nhắc lãi mỗi ngày. Nhưng đa số sinh viên đã vướng vào tín dụng đen đều suy nghĩ bỏ học để có thể đi làm kiếm tiền trả nợ.

Nguyễn Minh Anh (sinh viên năm 3 tại Hà Nội) cho biết: "Em vay số tiền 10 triệu đồng, nhưng phải khai báo cả gia đình, photo sổ hộ khẩu, cho thông tin số điện thoại họ hàng và bạn bè. Sau khi hoàn tất thủ tục giấy tờ, em "ngớ người" vì số tiền nhận được là 9.550.000 VNĐ.

Chủ vay đã lên tiếng cho hay: "15 ngày đầu lãi là 3 nghìn đồng cắt trước em nhé. Có trả đủ cả lãi lẫn gốc thì vẫn mất 15 ngày. Từ ngày 16 thì cứ nhớ 15 ngày đóng lãi cho anh một lần, bên anh sẽ gọi và nhắc em đóng nợ".

Có tháng do không có khả năng chi trả, máy của em có đến hàng chục cuộc gọi nhỡ từ các số khác nhau, khi nhấc máy thì đầu dây bên kia đã cất tiếng "Tao sẽ đến tận trường học của mày để gặp giáo viên, hoặc cho người về tận nhà mày để đòi nợ. Như thế khoản nợ không còn ở 10 triệu đồng mà còn có cả chi phí thu hồi nợ lúc đấy lên hàng chục, hoặc vài trăm tùy thái độ của mày". Cứ thế em đã phải bảo lưu kết quả học tập một năm để đi làm trả số nợ trên".

Cùng chung hoàn cảnh với Minh Anh, T. là sinh viên năm 2 của một trường Cao đẳng ở Hà Nội chia sẻ: "Giờ em khổ quá, trước vì tính hay mua hàng hiệu bố mẹ trợ cấp tiền lại không đủ, em tìm đến tín dụng đen. Đầu tiên em vay 5 triệu đồng, nhưng ngựa quen đường cũ em vay thêm ngày càng nhiều số tiền đã lên đến con số 40 triệu gốc chưa kể lãi mẹ đẻ lãi con. Và cuối cùng em phải nhờ tới sự trợ giúp của gia đình, đây là sai lầm lớn nhất của cuộc đời em, nhìn các bạn cùng khóa sắp tốt nghiệp mà em thấy buồn quá".

Hiện nay, tại một số trường đại học, cao đẳng cũng có chương trình hỗ trợ sinh viên vay vốn chỉ với lãi suất 0,5%- 0,9%/ tháng (tương đương 6,9%/ năm). Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay này là điều không hề dễ dàng gì.

Dù hệ quả thì đã thấy, nhưng để sinh viên tránh xa tín dụng đen thì không chỉ chính những sinh viên phải rèn cho mình một lối sống lành mạnh. Đồng thời các cơ quan chức năng, nhà trường, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, song song với các công cụ pháp luật, giúp lành mạnh hóa hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mà sinh viên là những đối tượng khách hàng rất dễ bị dụ dỗ và sa ngã.

Văn Hiền

Mọi ý kiến góp ý về giáo dục, độc giả gửi về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!