Tiến trình quốc tế hóa giáo dục ngoại ngữ tại Việt Nam

Trường Thịnh

(Dân trí) - Quốc tế hóa giáo dục, nhất là với đào tạo ngoại ngữ, hiện đang là xu hướng diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Tiến trình này sẽ ra sao với sự tham gia của các trường đại học nước ngoài?

Hiện nay, giáo dục ngoại ngữ, nhất là công cuộc đào tạo ngoại ngữ cho thế hệ trẻ, đang nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo công chúng. Những năm gần đây, các tổ chức giáo dục nước ngoài đã xuất hiện ngày một nhiều và mang các chương trình tiêu chuẩn quốc tế đến với Việt Nam. Và tương lai của giáo dục ngoại ngữ sẽ càng rộng mở hơn, phát triển nhanh hơn khi có sự tham gia của những trường đại học nổi tiếng trên thế giới.

Tiến trình quốc tế hóa giáo dục ngoại ngữ tại Việt Nam - 1

Quốc tế hóa giáo dục ngoại ngữ hiện được rất nhiều các bên quan tâm và mong muốn thúc đẩy.

Trong năm 2021, một số trường Đại học danh tiếng như Đại học DePaul (Hoa Kỳ), Đại học Aberystwyth (Vương Quốc Anh), Đại học Flinders (Úc), Đại học Newcastle (Úc) cùng các đại diện, nhà tài trợ Việt Nam triển khai dự án "Tiến trình quốc tế hóa giáo dục". Đúng như tên gọi, dự án sẽ thúc đẩy quá trình "quốc tế hóa" trong giáo dục ngoại ngữ với những sáng kiến, giải pháp từ những chuyên gia hàng đầu, trong đó nhấn mạnh một số điểm sau:

Thứ nhất: Thu hẹp sự chênh lệch trình độ ngoại ngữ trong cùng một thế hệ.

Thứ hai: Blended-learning - học trực tiếp kết hợp học online trong thời kỳ "bình thường mới".

Thứ ba: Kiểm soát và đánh giá lại chất lượng giáo viên.

Với vấn đề đầu tiên, các chuyên gia nhận định: Giáo dục ngoại ngữ đã nhận được sự đầu tư lớn trong khoảng 10 năm trở lại đây với sự vào cuộc của cả hệ thống giáo dục. Các cấp bậc từ mầm non đến sau đại học đều được chú trọng kỹ năng tiếng Anh và ngày càng nhiều học sinh, sinh viên có nền tảng ngôn ngữ tương đương học sinh, sinh viên Bản xứ. Tuy nhiên, phần đông người học chưa được tiếp cận với các chương trình đào tạo tiếng Anh chất lượng cao, học 5 đến 10 năm vẫn chưa thể làm chủ ngôn ngữ này. Điều đó phản ánh sự chênh lệch trình độ đang ngày một lớn giữa cùng một thế hệ cũng như những bất cập còn tồn đọng trong việc triển khai đồng bộ các mô hình học tập tiêu chuẩn cao. Muốn giải quyết vấn đề này, chúng ta cần nhân rộng hơn nữa các mô hình đào tạo chuẩn quốc tế, kết hợp với truyền thông và các hình thức hỗ trợ, tài trợ học bổng để các thế hệ trẻ dễ dàng tiếp cận, dần xóa đi sự mất cân bằng kể trên.

Tiến trình quốc tế hóa giáo dục ngoại ngữ tại Việt Nam - 2
Bà Maggie Migliozzi - chuyên gia giáo dục người Mỹ phát biểu tại chương trình.

Nêu quan điểm ở vấn đề thứ hai, theo bà Maggie Migliozzi, chuyên gia giáo dục Mỹ đã có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy tại Việt Nam, ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong hơn một năm vừa qua đã kéo theo sự chuyển dịch lớn trong hình thức và phương pháp học. Học sinh, sinh viên dần quen với học online, đồng nghĩa với vai trò của công nghệ ngày một trở nên quan trọng. Ngoài ra, hình thức học tập trung đã không còn chiếm ưu thế trong mùa dịch, thay thế bằng các mô hình học nhỏ gọn hơn, ít tập trung hơn như học 1-1, 1-2 hay 1-5 (áp dụng cả với học trực tiếp và học online). Học online đã thể hiện phần nào sự tiện lợi, an toàn trong giai đoạn này nhưng về lâu dài, học truyền thống và học online vẫn là hai hình thức chủ đạo luôn được quan tâm, luôn cần được cải tiến chất lượng. Các hình thức này sẽ bổ trợ lẫn nhau, thay thế lẫn nhau nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu và mục đích của người học.

Việc đánh giá chất lượng giáo viên cũng có một vài điểm mới rất đáng lưu ý. Để kiểm soát chất lượng dạy và học, các chương trình chất lượng quốc tế thường triển khai theo mô hình 3 vòng lặp: Hội đồng chuyên môn - giảng viên - quản lý lớp. Trong đó:

Không ít giảng viên Việt đã có trình độ cao với chứng chỉ IELTS 7.5, 8.0+, VSTEP C1 và TOEIC 900 trở lên đồng thời đáp ứng được phương pháp học chuyên biệt của từng học viên. Các giảng viên cũng cần thể hiện vai trò người dẫn dắt, truyền cảm hứng cho học viên để học tiếng Anh không chỉ vì mục tiêu điểm số mà thực sự làm chủ và sử dụng được ngôn ngữ ở trình độ cao.

Tiến trình quốc tế hóa giáo dục ngoại ngữ tại Việt Nam - 3
Ông Nguyễn Tiến Nam - CEO Học viện SunUni chia sẻ trong sự kiện.

Theo đánh giá của các trường đại học, chất lượng giáo viên nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập. Đơn cử như tình trạng giáo viên không bằng cấp, thiếu kỹ năng sư phạm, đến Việt Nam theo dạng định cư hay du lịch vẫn được đứng lớp giảng dạy hàng ngày. Điều đó dẫn đến hàng loạt những lỗi sai mang tính hệ thống trong việc truyền đạt kiến thức, ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập.

Hội đồng chuyên môn thông thường sẽ đứng đầu về quản lý chất lượng của một trường học hay một tổ chức giáo dục có gắn với ngoại ngữ. Các thành viên hầu hết là những chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực giáo dục, có chuyên môn tốt cũng như am hiểu về các xu hướng giáo dục. Vậy nhưng ở nhiều tổ chức, hội đồng chuyên môn chưa thể hiện hết chức năng, vai trò hoặc không theo kịp những biến động của thời kỳ mới. 

Học viện SunUni là đơn vị chính tiếp nhận các nguồn tài trợ, đồng thời nỗ lực đưa các chương trình học tập chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế đến với đông đảo người học phổ thông như kỳ vọng của các trường đại học nước ngoài khi đặt chân vào Việt Nam. Ngoài ra, các bên sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để giải quyết triệt để những tồn đọng kể trên nhằm giúp các thế hệ trẻ nhanh chóng biến ngoại ngữ thành thế mạnh; số lượng học sinh, sinh viên thành thạo tiếng Anh chiếm tỷ lệ lớn và sử dụng được ngôn ngữ này vào các ngành nghề có hàm lượng chất xám cao.