Thí sinh thi IELTS ngày càng "trẻ hóa": Mặt lợi và mặt hại

Khánh Hoài

(Dân trí) - Mặt trái của chứng chỉ ngoại ngữ đang dần lộ diện. Nhiều trường hợp nói khống điểm thi IELTS cao hơn thực tế gây xôn xao dư luận.

Nhiều trường hợp học mẹo để thi IELTS đạt điểm cao

Chứng chỉ IELTS làm nhiệm vụ đánh giá trình độ sử dụng tiếng Anh của thí sinh tại thời điểm thi, nhưng rất nhiều trường hợp đi thi chỉ "chăm chăm" vào điểm số. Nhiều thí sinh yêu cầu trung tâm ngoại ngữ và giáo viên tập trung học các "mẹo" làm bài để được điểm cao.

Thầy Lưu Thành Đạt - giáo viên lâu năm tại một trường quốc tế tại Hà Nội,  có nhiều kinh nghiệm giảng dạy IELTS chia sẻ rằng thầy đã gặp rất nhiều trường hợp như vậy. Trong những tình huống đó, thầy thường từ chối thẳng thừng và không nhận đào tạo với bất cứ giá nào.

Thầy Đạt cũng từng có gần 10 năm du học tại Mỹ, có sự so sánh và khẳng định việc trau dồi tiếng Anh hàng ngày vô cùng quan trọng. Mục đích chính là coi tiếng Anh như một công cụ khi gặp gỡ, giao tiếp, thuyết trình hay bảo vệ quan điểm của bản thân trong môi trường học thuật tại quốc tế.

Nhận xét về việc "ồ ạt" đăng ký dự thi chứng chỉ ngoại ngữ như hiện nay, thầy Đạt cho rằng một trong những lý do chính là các trường đại học nổi tiếng trong và ngoài nước đang chấp nhận sử dụng chứng chỉ IELTS như một trong những phương thức tuyển sinh.

Thí sinh thi IELTS ngày càng trẻ hóa: Mặt lợi và mặt hại - 1

Việc học IELTS hiện nay đang trở nên phổ biến với học sinh, sinh viên (Ảnh: Freepik)

Mặt tích cực là sẽ giúp các bạn học sinh có nhiều lựa chọn hơn, mở ra các cơ hội học tập ở những môi trường chất lượng hơn, thậm chí là du học. Nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại nhiều tiêu cực, kéo theo hệ lụy ảnh hưởng đến nền giáo dục.

Cùng với nhu cầu tăng mạnh đó, rất nhiều trung tâm tiếng Anh được mở ra tuyển sinh các lớp học IELTS với lời mời gọi: đạt 6.5 IELTS từ mất gốc trong vòng 3 tháng, quảng cáo gương mặt học sinh trung tâm đạt 8.0 nhưng chưa được chứng thực...

Điều này vô tình gây ra việc nhiễu loạn thông tin cho học sinh và gia đình, khi chưa có kiến thức và kỹ năng để đánh giá trình độ cũng như mục tiêu của học sinh khi đến với kỳ thi IELTS.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đã có những trường hợp làm giả điểm thi của thí sinh, thậm chí của giáo viên gây ra những hệ lụy khôn lường và gây ảnh hưởng cả cho những người giáo viên "có tâm", mong muốn truyền đạt kiến thức có giá trị với học sinh.

Trớ trêu thay, trong các trường hợp đó, đối tượng chịu hậu quả đầu tiên và lớn nhất đó chính là học sinh. Tiếp theo đó là áp lực cho phụ huynh khi phải tốn kém chi phí và hoang mang bởi phải lựa chọn những sản phẩm giáo dục mà bản thân thiếu hiểu biết.

Thí sinh thi IELTS ngày càng "trẻ hóa"

Thí sinh thi IELTS ngày càng trẻ hóa: Mặt lợi và mặt hại - 2

Bên cạnh những mặt tích cực, học IELTS hiện nay cũng lộ rõ nhiều tiêu cực (Ảnh: iStock).

Thầy Hoàng Xuân Phi - giáo viên luyện thi IELTS tại Hà Nội - có những bài chia sẻ kiến thức về IELTS trên mạng xã hội thu hút hàng nghìn lượt like và share. Thầy Phi nói: "Tôi thi IELTS cách đây đã khoảng 10 và đạt kết quả 6.5 với mục tiêu đi du học tại Anh quốc".

Nhưng ngày nay, độ tuổi thí sinh học và ôn thi IELTS đang ngày càng "trẻ hóa". Khoảng 10 năm trước, chứng chỉ tiếng Anh được biết đến chủ yếu bởi các bạn đã hoặc sắp tốt nghiệp đại học có định hướng đi du học.

"Hiện nay, rất nhiều bạn học sinh tuy còn học THCS, THPT đã có thể sử dụng thành thạo cả 4 kỹ năng ngoại ngữ trong đời sống cũng như học tập. Đó là một tín hiệu tốt, đồng thời là kết quả tích cực đến từ sự định hướng của nhà trường, sự quan tâm của các bậc phụ huynh và đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng từ phía học sinh", thầy Phi nói.

Thầy Xuân Phi thẳng thắn, vấn đề luyện thi IELTS sớm cũng có mặt lợi và mặt hại. Một mặt, định hướng IELTS sớm là cơ hội và động lực để các bạn cải thiện sớm khả năng tiếng Anh, sớm thành thạo một ngôn ngữ nữa bên cạnh tiếng mẹ đẻ. Điều đó sẽ tạo lợi thế cho các bạn trong các kỳ thi tiếp theo hay cả khi tốt nghiệp, tham gia vào thị trường lao động.

Ở chiều ngược lại, thầy Phi đã gặp nhiều trường hợp các bạn học sinh cảm thấy tự ti về bản thân khi thấy bạn bè cùng tuổi mình đã có IELTS điểm cao, trong khi mình chưa học, chưa thi lần nào.

Bên cạnh đó, có những bạn cũng muốn học IELTS nhưng vốn kiến thức cơ bản, kiến thức xã hội hay trải nghiệm sống còn ít nên cũng gặp rất nhiều khó khăn, căng thẳng trong quá trình ôn luyện những đề thi rất thử thách của IELTS, đặc biệt ở kỹ năng Reading (đọc) hay Writing (viết).

Theo thầy giáo này, chứng chỉ tiếng Anh chỉ là một công cụ giúp thể hiện năng lực ngôn ngữ cho người tuyển sinh hoặc tuyển dụng chứ không phải là một tấm vé thông hành giúp người thi có một tương lai rộng mở hơn. Để hội nhập với toàn cầu, các kỹ năng ngôn ngữ không nằm trong bài thi như giao tiếp mà tranh luận mới là chìa khóa để học sinh phát huy được hết tiềm năng ngôn ngữ của mình.