Tân sinh viên lao đao "sập bẫy" thuê nhà trọ vì "treo đầu dê, bán thịt chó"

Văn Hiền

(Dân trí) - Ráo riết chạy đua với thời gian để tìm phòng trọ, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của các bạn trẻ tân sinh viên lần đầu xa nhà, nhiều chủ phòng trọ đã tung ra các chiêu trò giá rẻ khiến các em lao đao.

Tân sinh viên lao đao sập bẫy thuê nhà trọ vì treo đầu dê, bán thịt chó - 1

Được quay trở lại trường học, các tân sinh viên "nháo nhác" lên Hà Nội tìm phòng trọ (Ảnh: Văn Hiền).

Hàng loạt trường đại học ở địa bàn Hà Nội đã thông báo lịch đi học trở lại cho sinh viên từ ngày 14/2.  Sinh viên "ồ ạt" đổ lên trường, phòng ký túc xá thì có hạn, nhiều tân sinh viên phải đổ đi tìm phòng trọ bên ngoài. Lợi dụng tình trạng này, nhiều chủ phòng trọ đã đăng quảng cáo "trên trời" khiến nhiều tân sinh viên lao đao.

"Treo đầu dê, bán thịt chó"

Tin vào lời quảng cáo trên "hội nhóm cho thuê nhà trọ", Nguyễn Duy Hoàng (sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội) đã bị đối tượng "cò" lừa mất số tiền cọc 1,5 triệu đồng vì phá "hợp đồng thuê nhà" dù mới chân ướt, chân ráo lên Hà Nội.

Hoàng chia sẻ: "Em thấy bài đăng với giá cho thuê chỉ từ 1,5 triệu đồng cho đến 2 triệu, giờ giấc tự do, lối đi riêng, wifi, gần trạm xe buýt, giữ xe miễn phí…

Khi ngỏ ý xem hình ảnh của phòng, đối tượng gửi hình ảnh rất đẹp và yêu cầu đặt cọc ngay. Do sợ mất phòng giá tốt nên em đã nhanh chóng đặt cọc.

Đến ngày nhận phòng, thật sự em đã phải "bỏ của chạy lấy người" vì phòng trọ thực chất chỉ bằng một phần so với phòng trọ mẫu đã được xem; thậm chí còn xập xệ, cũ nát nên không muốn thuê phòng nữa".

Cũng tin vào những tờ rơi dán ngay cổng trường học mà Ngô Khánh Linh (sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) và bạn cùng quê đã bị chủ nhà đòi 200 nghìn tiền công cho xem nhà sau những lời hăm dọa vì không thuê nhà.

Tân sinh viên lao đao sập bẫy thuê nhà trọ vì treo đầu dê, bán thịt chó - 2
Những tờ rơi cho thuê nhà trọ cứ chi chít dán chồng lên nhau với lời chào vô cùng hấp dẫn về giá cả và tiện nghi. (Ảnh: Văn Hiền)

"Chúng em bắt xe khách từ Bắc Giang ra Hà Nội để tìm nhà trọ vì cuối tháng đã nhập học, khi đọc được thông tin trên tờ rơi có phòng trọ cho thuê ở gần trường giá rẻ, đầy đủ tiện nghi nên em đã gọi điện cho số điện thoại ghi trên tờ rơi này để đến xem nhà.

Một người phụ nữ đã nhận là chủ nhà và dẫn bọn em đến khu nhà trọ. Đập vào mắt em là tình trạng xập xệ, ẩm thấp, chật chội của căn phòng này do lâu ngày không có người ở.

Chưa nói đến việc nhà trọ đang xuống cấp và rất cũ, chợ dân sinh cũng không có và đặc biệt là ở sâu trong ngõ và cả dãy phải dùng chung nhà tắm, nhà vệ sinh", Linh kể.

Tân sinh viên lao đao sập bẫy thuê nhà trọ vì treo đầu dê, bán thịt chó - 3
Tại khu Trần Quốc Vượng (Cầu Giấy, Hà Nội) những tờ rơi quảng cáo phòng trọ giá rẻ được dán khắp các cột điện, đầu ngõ, cổng trường, bến xe bus… (Ảnh: Văn Hiền)

Sau khi quyết định không thuê, Linh và cô bạn đã bị bà chủ dùng những lời lẽ thậm tệ và hăm dọa yêu cầu trả 200 nghìn tiền công cho xem nhà. Để tránh gây thêm phiền phức, Linh đành ngậm ngùi đưa cho xong chuyện.

"Bút sa, gà chết", cần cẩn trọng

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư Hà Nội về các quy định pháp lý liên quan đến đặt cọc, Điều 328 BLDS 2015 quy định: "đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Để có căn cứ lấy lại số tiền này, thỏa thuận đặt cọc phải được lập thành văn bản rõ ràng".

Tân sinh viên lao đao sập bẫy thuê nhà trọ vì treo đầu dê, bán thịt chó - 4
Một bạn tân sinh viên đã phải "bóc phốt" chủ nhà khi bị đòi phí xem nhà. (Ảnh: Chụp màn hình)

Tuy vậy, theo luật sư Hòa, với hợp đồng đặt cọc cùng các điều khoản mập mờ như "bằng giấy thỏa thuận giữ chỗ này bên cho thuê sẽ giữ phòng cho bên thuê khi có phòng trống", chủ nhà trọ sẽ tự quyết định muốn giao phòng nào cho người thuê vào thời điểm nào cũng được, bất chấp việc người thuê đã đặt cọc giữ phòng.

Nếu đến ngày hẹn bên thuê nói chưa có phòng trống, sinh viên vẫn phải đợi, nếu không chấp nhận sẽ mất luôn tiền đặt cọc. Với thủ đoạn này, không ít chủ nhà trọ đã ngang nhiệm chiếm đoạt tiền của các tân sinh viên.

Tân sinh viên lao đao sập bẫy thuê nhà trọ vì treo đầu dê, bán thịt chó - 5
Đã có rất nhiều bài chia sẻ cảnh báo về chủ nhà trọ trên các hội nhóm, tân sinh viên cần xem và đưa vào danh sách đen. (Ảnh: Chụp màn hình)

Anh Minh Phúc, môi giới bất động sản phòng trọ tại Hà Nội cho rằng: "Khi đã chọn được phòng trọ, các bạn sinh viên cần đàm phán với chủ nhà về mức giá thuê, tiền đặt cọc, tiền điện, nước và các loại phí dịch vụ khác như Internet, truyền hình cáp, vệ sinh trước khi ký hợp đồng thuê nhà.

Sau khi thống nhất giá cả với chủ nhà hai bên sẽ làm hợp đồng thuê nhà. Điều quan trọng nhất trước khi đặt bút ký hợp đồng thuê nhà là bên thuê cần đọc kỹ nội dung, các điều khoản quan trọng về giá thuê; thời hạn, phương thức thanh toán đồng thời yêu cầu chủ nhà cam kết trong thời gian từ 6 tháng-1 năm không tăng tiền nhà. Bên cạnh đó cần kiểm tra kỹ môi trường sống tại khu trọ, vấn đề an ninh, an toàn".

Anh Phúc cũng lưu ý rằng: "Cần xem xét thật kỹ đồ đạc trước khi quyết định thuê phòng, nếu có hỏng hóc cần báo ngay cho chủ nhà trọ, tiến hành chốt số điện ngay từ ngày đầu tiên chuyển đến, tránh phải trả thêm lượng điện đã sử dụng của người ở trước đó.

Ngoài ra, các tân sinh viên cần tham khảo danh sách những "nhà trọ đen" được sinh viên đăng trên các diễn đàn để tránh xa. Bởi đó là những nhà trọ có chủ nhà khó tính, hay soi mói, thường tăng giá nhà vô tội vạ, thu tiền điện nước và các phí dịch vụ khác với giá cắt cổ…".

Để tránh "tiền mất, tật mang", tân sinh viên nên ở ký túc xá hoặc nhờ người quen, Đoàn thanh niên hỗ trợ tìm phòng trọ. Trường hợp tự đi thuê phòng, sinh viên cần tìm hiểu kỹ thông tin trên mạng; đồng thời tham khảo ý kiến người dân xung quanh khu vực nhà trọ, không đặt cọc khi thấy có dấu hiệu lừa đảo. Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của hai bên.

Khi ký hợp đồng thuê nhà, bên thuê cần kiểm tra ký các điều khoản, đặc biệt là về giá cả, thời gian thuê, xem xét cẩn thận các thiết bị có trong phòng và tình trạng của chúng…