Tân sinh viên "khóc hận" vì lỡ chọn trường mà không quan tâm ngành phù hợp

Lê Phương

(Dân trí) - Đỗ vào trường danh tiếng ở Hà Nội nhưng tân sinh viên thấy hối hận vì sau một tháng học không có chút hứng thú với ngành "lỡ" trúng tuyển.

Mới đây, Quỳnh Thi (tên nhân vật đã đổi) - tân sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân khổ sở "cầu cứu" trên một diễn đàn học tập, sau khi mới học được hơn một tháng bởi lý do: "cứng đầu không chịu nghe lời tư vấn nên vẫn quyết định chọn trường mà không chọn ngành".

Đỗ trường top, chỉ cần cái tên của trường cũng giúp đỡ rất nhiều cho Thi khi đi xin việc sau này, nhưng em lại không hứng thú với ngành Quản trị Du lịch mà mình trúng tuyển.

Tân sinh viên khóc hận vì lỡ chọn trường mà không quan tâm ngành phù hợp - 1

Nhiều tân sinh viên đại học chật vật khi mới vào học năm đầu (Ảnh minh họa: Lê Phương).

"Đến giờ em rất hối hận. Từ hôm biết mình đỗ em vẫn chưa thể có hứng thú học và cảm thấy rất nản. Em còn có ý nghĩ cứ học thử một học kì, nếu vẫn không thích được thì năm sau thi lại. Nhưng em biết việc thi lại là không dễ dàng và kèm theo rất nhiều vấn đề. Em vẫn xác định sẽ cố gắng học vì kì đầu chỉ là các môn đại cương, chưa liên quan đến chuyên ngành nên em vẫn có thể học được nhưng về tương lai em rất mông lung", nữ sinh này than thở.

Câu chuyện của Quỳnh Thi nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi, chia sẻ đồng cảm của nhiều sinh viên.

Tân sinh viên Hương Giang đồng cảnh ngộ cho biết: "Mình cũng thực sự muốn từ bỏ vì lúc đăng ký xét tuyển chỉ nghĩ chọn trường thôi, nhưng giờ học ngành mình không muốn lại khiến cho bản thân khổ sở vậy".

Đã trải qua tình cảnh tương tự, Minh Phương- một sinh viên năm 2 kể "mình đăng ký xét tuyển đại học cùng lúc 5 ngành vào một trường vì nghĩ điểm số đạt an toàn trúng tuyển nguyện vọng đầu, nhưng rốt cuộc lại trúng ngay ngành mình chọn bừa. Mình trải qua năm đầu đại học trong tình trạng mất phương hướng, không chút động lực để cố gắng nên không thể theo kịp chương trình học".

Kết quả cuối năm nhất khiến Phương không khỏi "sốc" vì thi trượt 5/9 môn học và phải học lại cả mấy tháng hè. Rút ra bài học từ bản thân, Minh Phương khuyên Thi "tránh vết xe đổ" của mình bằng cách tìm hiểu thật rõ ngành yêu thích càng sớm càng tốt để thay đổi.

Chia sẻ những lo lắng của tân sinh viên, Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh của một trường ĐH tại TPHCM khuyên, các em hãy bình tĩnh và đừng vội buông bỏ ngành mới trúng tuyển.

Các em đừng suy nghĩ nhiều, cứ học tiếp vì năm nhất vẫn còn học nhiều môn đại cương. Khi nào học những môn cơ sở hay chuyên ngành mới biết mình hợp với ngành nghề hay không. Lúc đó, nếu vẫn thấy không hợp với ngành nghề có thể chuyển sang ngành nghề khác ở trong trường bởi đa phần các ĐH giờ đây cho sinh viên được học 2 ngành.

"Nếu trường đó không có ngành các em yêu thích thì em có thể chuyển trường, lúc đó cũng chưa muộn", ông Sơn nhắn nhủ.

Ông Sơn khuyên học sinh lớp 12 chuẩn bị xét tuyển vào đại học nên sớm tìm hiểu ngành nghề sẽ theo đuổi trong tương lai và tránh chọn trường mà chỉ nên chọn ngành theo sở thích.

"Chúng tôi hay ví von rằng các em hãy chọn ngành như chọn người tình trăm năm vậy. Phải phù hợp với sở thích bản thân, phù hợp với nhu cầu nhân lực trong tương lai, phù hợp với chi phí của bản thân trong hiện tại thì mới có thể thành công. Tất nhiên để thành công vẫn cần thêm yếu tố siêng năng và một chút may mắn nữa", ông Sơn nhấn mạnh.