Tận cùng đau đớn khi con trai thông báo "con sẽ chết lúc ... 22 tuổi"

Hoài Nam

(Dân trí) - Một nam sinh nhảy sông với hòn đá 10kg, một học sinh nhảy từ trên lầu xuống... những thông tin làm cô Hảo thắt gan ruột. Con trai cô mang căn bệnh trầm cảm, ấn định "sẽ chết ở tuổi 22".

"Họ muốn sống, còn con ngược lại"

Mỗi lần có thông tin học sinh, sinh viên tự vẫn, cô Nguyễn Ngọc Hảo ở TPHCM lại hoảng loạn tinh thần. Cô lo sợ một ngày rất gần nỗi đau đó cũng sẽ ập xuống gia đình mình.

Một em tân sinh viên nhảy sông với hòn đá 10kg trong ba lô. Mới đây, một em học sinh lớp 10 nhảy từ trên lầu xuống ngay tại trường học. Nhiều người thắc mắc các em đều học giỏi, ngoan ngoãn... sao phải tự vẫn.

Chính cô Hảo cũng từng nghĩ, các em có thiếu thốn gì đâu mà đòi chết, bất hiếu...  nhưng trên hành trình đồng hành cùng căn bệnh trầm cảm của con, cô hiểu phần nào. 

Tận cùng đau đớn khi con trai thông báo con sẽ chết lúc ... 22 tuổi - 1

Bị trầm cảm, chàng trai sinh viên năm 3 ấn định "mình sẽ tự vẫn vào năm 22 tuổi" (Ảnh minh họa).

Con trai cô Hảo, đứa trẻ chuẩn "con ngoan trò giỏi" chưa từng làm ai phải phiền lòng có dấu hiệu trầm cảm từ đầu những năm cấp ba. Nhưng đến khi em vào năm thứ nhất đại học, bệnh nặng, gia đình mới biết chuyện sau lần cháu tự tử "hụt".  

Hơn hai năm nay, cô theo con đi viện trị liệu, uống thuốc, là những tháng ngày cô sống trong căng thẳng, lo sợ. Cháu đã ấn định cả... ngày chết khi từng nói với mẹ: "Con muốn chết nhưng con sẽ cố gắng tốt nghiệp đại học. Con sẽ chết ở tuổi 22 tuổi".

"Con không muốn bố mẹ bị sốc, con muốn bố mẹ biết đây là lựa chọn của con. Con sẽ tìm cách ra đi để làm sao cho gia đình mình bớt mang điều tiếng nhất. Đó là điều duy nhất con có thể làm cho bố mẹ", trích thư con trai cô Nguyễn Ngọc Hảo, viết cho mẹ. 

Đến giờ cô đã hiểu đó không phải là lời hù dọa, giận lẫy bố mẹ mà là thông báo, đề nghị lẫn van xin. 

"Tôi động viên con tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, đến thăm các bệnh nhân ung thư để thấy giá trị của sự sống. Nhưng với cháu, việc lấy nỗi đau của mình để so với nỗi đau của người khác không mấy tác dụng. Không thể nói với con lý lẽ nhiều người còn khổ hơn, nhiều người muốn sống còn không được. Như vậy, vô tình chúng ta đã phủ nhận nỗi đau, tình trạng của con. 

Cháu nói: "Họ muốn sống, còn con ngược lại!".

Năm nay con trai chị 21 tuổi. 

"Xin mẹ cho con được chết!"

Gần 3 năm trôi qua, chị Nguyễn Ngọc Thảo (tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu), ở Tân Bình, TPHCM vẫn từng ngày vật vã với nỗi đau mất con. Con trai chị nhảy lầu tự vẫn năm lớp 12. 

Chị Thảo không thể lý giải vì sao con trầm cảm. Nhưng có thể việc vợ chồng ly hôn trước đó vài năm tác động đến cháu, cùng với việc bố mẹ không hỗ trợ kịp thời, hoặc có thể do áp lực thành tích học tập. 

Từ một học sinh giỏi, năng động, cháu trở nên khép kín, không giao lưu, tiếp xúc. Ngoài giờ học cháu chỉ ở trong nhà đóng cửa phòng. Đầu năm lớp 12, đến trường được vài tuần, cháu nghỉ học. 

Tận cùng đau đớn khi con trai thông báo con sẽ chết lúc ... 22 tuổi - 2

Vấn nạn học trò tự vẫn là lời cảnh báo về sức khỏe tinh thần của con trẻ (Ảnh minh họa).

Gần như cháu giam mình trong phòng toàn thời gian, không tắm, không rửa. Cháu than không còn sức không nhấc nổi người, khi đó chị vẫn mắng con lười biếng, yếu đuối, không nỗ lực. Nhiều người xung quanh rỉ tai cháu bị "ma ám".

Mới đây, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN cảnh báo 80% học sinh, sinh viên đã và đang có biểu hiện tổn thương sức khỏe tinh thần với nhiều dấu hiệu như khó khăn về ăn ngủ, mất tập trung, buồn chán, không hứng thú, dễ khó chịu, ít thông cảm và chu đáo hơn, thường xuyên bị đau đầu, không hiểu bài giảng…

Đến thời điểm hiện tại, nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy giai đoạn ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19, tỉ lệ lo âu, trầm cảm tăng lên đến 700%.

Có hôm, ăn cơm xong cháu ngồi thẫn thờ, mắt nhìn xa xăm, vô hồn. Cháu nói với mẹ: "Mẹ ơi, xin mẹ cho con được chết!". Chị hoảng sợ, la lối "đàn ông con trai mạnh mẽ lên nào" rồi lại ôm con khóc. 

Sau đó, chị quyết định đưa con đi viện thăm khám, lấy thuốc nhưng đã quá trễ. Ngày con nhảy từ lầu 4 xuống cũng là lần thứ 2 cháu theo mẹ đến viện lấy thuốc. Túi thuốc vẫn còn trên bàn cùng cuốn sách "Ai rồi cũng chết" của tác giả Atul Gawande đang gấp dở...

Trong lịch sử máy tính của con, cháu vào nhiều trang tìm hiểu về những cái chết không đau đớn. 

Đến nay, chị Thảo đã dũng cảm thừa nhận nỗi day dứt của mình đã không kịp hiểu về căn bệnh trầm cảm để bên con, khi cháu cần mình nhất.

Theo chị, con bị trầm cảm có biểu hiện rõ, nhưng nếu không đủ quan tâm, chia sẻ, bố mẹ không thể nhìn được, nhất là khi chúng ta chỉ tập trung vào việc kiếm đủ tiền cho con ăn học, chọn cho con ngôi trường tốt, đếm con uống bao nhiêu sữa, cao bao nhiêu, đạt mấy điểm, bao nhiêu chứng chỉ tiếng Anh. 

Trầm cảm không có vết thương, không có vết xước, không chảy máu... và trầm cảm cũng không trừ người giàu, chẳng trừ người giỏi. Không ít bạn trẻ có kết quả học tập rất tốt, thành tích cao, gia đình có điều kiện, tương lai tưởng như tươi sáng lại chọn cái chết. 

"Hãy thật sự quan tâm đến nỗi lòng, cảm xúc, buồn vui, tinh thần của trẻ", chị thốt ra từ nỗi đau của chính mình. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện trên thế giới có hơn 350 triệu người đang mắc bệnh trầm cảm. Mỗi năm có khoảng 1 triệu người tự tử (trung bình 2.900 người/ngày) và trên 70% nguyên nhân chính của tự sát là trầm cảm.

Nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) chỉ ra, khoảng 8%-29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên, khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm