Tại sao "chủ nghĩa hoàn hảo" là điều độc hại với con trẻ?

Tuệ Nhi

(Dân trí) - "Chủ nghĩa hoàn hảo" xuất phát từ áp lực gia đình và xã hội - giống như việc cha mẹ coi trọng thành tích hay chỉ trích con cái khi chúng mắc lỗi.

Những đứa trẻ luôn đứng đầu trong lớp, học xuất sắc các môn Toán và Văn, có thể chơi nhạc cụ hoặc nổi bật trong lĩnh vực thể thao. Chúng luôn đúng giờ, háo hức thử những điều mới và tỏ ra dễ dàng xuất sắc trong mọi việc. Đây liệu có phải là ước mơ của mọi bậc phụ huynh?

Tuy nhiên, việc theo đuổi "chủ nghĩa hoàn hảo" cũng dẫn đến những hệ quả đáng tiếc.

Tâm lý lo âu vì ám ảnh "không hoàn hảo"

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, động lực để những người trẻ trở nên hoàn thiện về thể chất, tinh thần và sự nghiệp đã tăng lên đáng kể từ những năm 1980.

Tại sao chủ nghĩa hoàn hảo là điều độc hại với con trẻ? - 1
Áp lực đối với thanh thiếu niên ngày càng gia tăng (Ảnh: Shutterstock).

"Chủ nghĩa hoàn hảo" cũng liên quan đến các vấn đề sức khỏe cho thanh thiếu niên như chứng lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống. Nhà nghiên cứu xã hội Brene Brown gọi tình trạng này là "life paralysis" - "tê liệt cuộc sống". Chúng ta bỏ lỡ những cơ hội vì quá sợ hãi để đưa ra bất cứ điều gì có thể không hoàn hảo.

"Chủ nghĩa hoàn hảo không phải là sự hoàn thiện bản thân. Về bản chất, chủ nghĩa hoàn hảo là cố gắng để được công nhận. Hầu hết những người theo chủ nghĩa hoàn hảo đều hướng đến mục đích được khen ngợi về thành tích và hiệu suất. Theo đó, họ áp đặt niềm tin mọi thứ phải hoàn thành một cách hoàn hảo", Brown viết.

Các nhà nghiên cứu hoài nghi rằng, ngày càng có nhiều thanh thiếu niên đang phải vật lộn với chủ nghĩa hoàn hảo vì mạng xã hội phổ biến đã khiến áp lực đồng trang lứa càng hiển hiện rõ rệt.

Tracy Vaillancourt - Giáo sư ĐH Ottawa (Canada) cho rằng: "Nếu nội tâm của bạn hỗn loạn thì bạn có xu hướng muốn làm cho cuộc sống của mình trở nên hoàn hảo hơn để có thể đối phó với những điều không thể đoán trước".

Trong một bài báo gần đây, các nhà nghiên cứu đã gọi chủ nghĩa hoàn hảo là "một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng đòi hỏi những nỗ lực ngăn chặn và can thiệp bền vững". Bởi những người theo chủ nghĩa hoàn hảo chủ yếu là ở lứa tuổi vị thành niên.

Theo các nhà nghiên cứu, một số người được sinh ra đã dành cho những khuynh hướng này. Nhưng thông thường, chủ nghĩa hoàn hảo xuất phát từ áp lực gia đình và xã hội - giống như việc cha mẹ coi trọng thành tích và chỉ trích con cái khi chúng mắc lỗi.

Nadia Akhtar Sim - Nhà trị liệu tâm lý ở Los Angeles (Mỹ) giải thích rằng, áp lực này thường bắt đầu từ sự những mong muốn tốt. "Tôi làm việc với rất nhiều trẻ em nhập cư và đối với cha mẹ của chúng, chủ nghĩa hoàn hảo là một chiến lược sống còn, một chiến lược được truyền lại cho con cái của họ".

Những bậc cha mẹ này muốn bảo vệ con cái của họ khỏi những khó khăn mà họ đã từng phải chịu đựng và mong con cái có cuộc sống đầy đủ, an toàn hơn.

Các giá trị văn hóa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy "chủ nghĩa hoàn hảo". Ở Mỹ, trẻ được dạy từ khi còn nhỏ rằng khả năng phát triển phụ thuộc vào tài năng và nỗ lực của mỗi người. Điều này có thể dẫn đến một môi trường làm việc và học tập siêu cạnh tranh. Do đó, trẻ em cảm thấy mình cần phải hoàn hảo mới thấy an toàn và được kết nối với xã hội.

Nghiên cứu cho thấy, mặc dù dành nhiều tâm sức để chứng minh giá trị của mình, tuy nhiên, những đứa trẻ theo chủ nghĩa hoàn hảo có xu hướng bị cô lập xã hội và có nhiều xung đột hơn trong các mối quan hệ.

Giáo sư Vaillancourt chia sẻ: "Chúng luôn muốn mình phải là người dẫn đầu, cạnh tranh để vượt qua mọi người. Chẳng hạn, nếu bạn bè đạt điểm thi tốt hơn thì người cầu toàn sẽ cảm thấy khó chịu và khó che giấu cảm xúc của mình. Một số người còn phán xét nếu ai đó không đáp ứng được những tiêu chuẩn mà họ đặt ra.

Theo Gordon Flett, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về chủ nghĩa hoàn hảo tại Đại học York (Canada), những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường có xu hướng đối thoại nội tâm tiêu cực.

"Họ sẽ tự nhủ rằng bản thân phải làm tốt hơn, họ là kẻ thất bại và lo sợ ai đó sẽ đánh bại họ". Những suy nghĩ lo lắng, mất tập trung này có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ, kém tập trung, trì hoãn và kiệt sức.

Cha mẹ nên dạy con "hoàn hảo là điều không thể"

"Chủ nghĩa hoàn hảo" có thể đem lại những hậu quả tiêu cực. Nếu trẻ có những dấu hiệu như lo lắng, trầm cảm hoặc cô lập xã hội vì ám ảnh về sự hoàn hảo thì bạn cần tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia.

Tại sao chủ nghĩa hoàn hảo là điều độc hại với con trẻ? - 2

Những người theo đuổi "Chủ nghĩa hoàn hảo" luôn muốn bản thân phải là người dẫn đầu và xuất sắc trong mọi mặt (Ảnh: Shutterstock).

Fleet nhận định, cha mẹ cũng đóng một vai trò quan trọng. Đầu tiên, hãy nhắc đến vấn đề đó một cách cởi mở - thừa nhận sự phổ biến của "chủ nghĩa hoàn hảo" trong xã hội hoặc trong gia đình bạn. Cha mẹ có thể bắt đầu bằng những cuộc trò chuyện đơn giản như "Bố/ mẹ vừa đọc một nghiên cứu cho thấy rằng chủ nghĩa hoàn hảo đang gia tăng trong trường học và trong giới trẻ. Con có thấy điều này ở bạn bè hay ở trường học không? Hoặc con có cảm thấy áp lực không?".

Phụ huynh có thể tiếp cận dễ dàng bằng cách nói về những nhân vật của công chúng, những người có vấn đề với chủ nghĩa hoàn hảo, chẳng hạn như vận động viên quần vợt Naomi Osaka, người không ngừng đặt áp lực cho bản thân để theo đuổi sự hoàn hảo.

Hay các nhân vật hư cấu như Alex Dunphy, cô con gái thứ hai siêu thông minh trong bộ phim hài "Modern Family", cuối cùng phải đi trị liệu để đối phó với tính cầu toàn, lo lắng và kiệt sức của mình. Đó là một trong những ví dụ điển hình, bởi vì cô ấy là một người rất nhiệt tình nhưng lại không đạt được hạnh phúc.

Bên cạnh đó, hãy nói chuyện với con rằng, ngoài sự thành công thì sự hào phóng, nhân hậu hay sự kiên định cũng rất quan trọng. Bởi vì chủ nghĩa hoàn hảo xuất phát từ việc tập trung quá mức vào bản thân, nên việc khuyến khích thanh thiếu niên tình nguyện hoặc tham gia các chương trình tư vấn tâm lý cũng có thể giúp chúng xây dựng ý thức về giá trị bản thân ngoài việc theo đuổi sự hoàn hảo.

Điều quan trọng là phải chống lại suy nghĩ "tất cả hoặc không có gì". Một điểm kém không có nghĩa là con bạn sẽ không thể vào được một trường đại học tốt.

Vaillancourt cho biết: "Thành công không bao giờ là tuyến tính, những người đạt được ở cấp độ cao nhất có rất nhiều điểm bắt đầu và điểm dừng. Chúng ta cần khiến trẻ chấp nhận rằng đạt được sự hoàn hảo là điều không thể. Mọi người đều có điểm mạnh và điểm yếu - đó là mảnh ghép tạo nên mỗi chúng ta".

Theo www.latimes.com