Người trẻ ôm đồm deadline để chứng tỏ năng lực
(Dân trí) - Các bạn trẻ thường nói vui rằng hiện tại là thời đại "đắm chìm trong deadline". Nhiều người trẻ đang "làm bạn với deadline" mỗi ngày.
Hai kiểu deadline của giới trẻ
Deadline là thuật ngữ để chỉ mốc thời gian quy định, để hoàn thành công việc được giao. Thuật ngữ này hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội và những câu chuyện hàng ngày của giới trẻ.
Đặc trưng của các bạn trẻ là năng động và đa nhiệm, cuộc sống của họ luôn xoay quanh trường học, câu lạc bộ và các công việc làm thêm, điều đó đòi hỏi các bạn phải có khả năng quản lý và sắp xếp thời gian của mình sao cho hợp lý để giải quyết các deadline một cách hiệu quả.
Phan Hà Lê (18 tuổi, trường Đại học Ngoại Thương) cho biết, khoảng cuối năm ngoái, bạn đã tham gia quá nhiều hoạt động và còn đi làm thêm nên nhiều khi bị quá tải. Hiện giờ bạn đã tiết chế những công việc của mình lại để có thể dành nhiều thời gian cho bản thân hơn cũng như đảm bảo chất lượng công việc của mình được hoàn thành sao cho chỉn chu nhất.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ bây giờ không chỉ đơn giản coi deadline là những điều bắt buộc nữa.
Đối với nhiều bạn trẻ, có hai kiểu deadline: deadline "muốn làm" và deadline "phải làm".
Nguyễn Tuấn Kiệt (18 tuổi, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết: "Ngoài những deadline từ trường học, mình còn phải chạy deadline từ những hoạt động ngoại khóa mà mình tự nguyện làm. Mình vẫn đang cảm thấy khá có "thiện cảm" với các deadline hiện giờ. Dĩ nhiên, việc chạy nhiều deadline cùng lúc cũng khiến mình gặp nhiều áp lực về mặt thời gian, bởi mình luôn yêu cầu rất cao về sự chỉn chu đối với mọi thứ mà mình làm".
Dương Quang Anh (18 tuổi, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng chia sẻ: "Đối với những deadline mình tự nguyện nhận từ dự án, mình cảm thấy khá vui vẻ khi được làm và cũng sắp xếp thời gian giải quyết những deadline một cách hợp lý. Còn những deadline bắt buộc, ví dụ như ở trên trường thì mình cảm thấy khá áp lực, đôi khi mình còn để dồn lại những công việc đó đến ngày cuối cùng mới bắt tay vào làm".
Trên podcast "Những câu chuyện làm ngành - Chẳng ai chết vì deadline" của kênh Meomeotalks, tác giả cho biết, phần lớn các bạn trẻ phải chạy deadline là do tính chất công việc, đặc biệt là những công việc liên quan tới truyền thông. Mặt khác, quan niệm về các bạn trẻ ngày nay khác hoàn toàn so với quan niệm về công việc của các thế hệ trước.
Với các bạn, công việc không chỉ là công cụ để kiếm sống, mà các bạn lựa chọn công việc vì đam mê, vì các bạn nhận thức được đó là công việc dành cho riêng mình, là lẽ sống của mình. Điều đó khiến các bạn sẵn sàng chạy rất nhiều deadline được đặt ra dù chúng chiếm phần lớn thời gian trong ngày của các bạn. Ngoài ra, một lý do khác nữa, là tâm lý mình là một người không thể thay thế trong công việc của các bạn trẻ. Với tâm lý này, các bạn ôm đồm công việc vào mình vì sợ công việc sẽ không được hoàn thành như là mình mong muốn.
Có phải càng nhiều deadline càng chứng tỏ bản thân "giỏi"?
Hệ quả của việc có quá nhiều deadline thường là các bạn trẻ khó có thể sắp xếp thời gian biểu hợp lý, dẫn đến tình trạng phải giải quyết nhiều công việc cùng một lúc, hay người ta còn đặt ra một thuật ngữ là "multitasking".
Khá nhiều người nghĩ rằng multitasking khiến họ trở nên năng suất, "đa di năng" hơn bình thường. Tuy nhiên, cách làm việc này không thực sự đem lại hiệu quả cao.
Theo một bài viết trên tạp chí Forbes, việc multitasking có thể giảm hiệu suất của công việc và gây hại cho não bộ, bởi não bộ con người chỉ có thể tập trung được vào một việc duy nhất, nên làm nhiều thứ cùng một lúc sẽ khiến não bộ của bạn sẽ không điều tiết đủ để xử lý vấn đề. Nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên làm nhiều việc cùng lúc sẽ không thể tư duy một cách logic và sàng lọc thông tin được tiếp nhận. Họ cũng phản ứng chậm hơn khi làm từ việc này sang việc khác, thậm chí chỉ số IQ cũng giảm sút rất nhiều.
Bày tỏ quan điểm của mình về chủ đề này, Tuấn Kiệt cho biết: "Mình nghĩ rằng ôm đồm nhiều việc không phải là thứ quyết định một người giỏi hay không, mà thuộc về cách giải quyết, chất lượng của mỗi công việc ra sao. Khi ôm đồm nhiều việc nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng của mỗi việc một cách tốt nhất thì tức là người đó không chỉ giỏi về cả chuyên môn mà còn giỏi ở việc sắp xếp và quản lý công việc, thời gian".
Đối với Quang Anh, nếu ôm đồm công việc mà vẫn có thể hoàn thành đúng hạn, chất lượng công việc ổn thì người đó giỏi, còn nếu không thì cách làm việc của người đó là không khoa học, tự mình hại mình.
GenZ và những tips "sống chung" với deadline
Theo kinh nghiệm của Hà Lê, bạn thường theo dõi các deadline của mình và bắt tay vào làm việc trước thời hạn từ 1 đến 2 ngày để nếu sản phẩm chưa được duyệt, bạn sẽ có thời gian sửa. Như vậy cũng tránh được tình trạng chậm trễ deadline.
Bạn Tuấn Kiệt cho biết thêm: "Mình có thói quen sắp xếp thời gian biểu cho những deadline và thường phân ra làm hai thời điểm. Vì mình học vào các buổi sáng, nên mình thường dành buổi chiều để xử lí những bài tập mà thầy cô giao cũng như để ôn lại kiến thức ngay sau buổi học. Sau đó, khoảng thời gian buổi tối đến khuya mình sẽ hoàn thành deadline của những hoạt động ngoại khóa. Hoặc cũng có lúc mình sắp xếp theo tính chất của công việc: cái nào cần trước, cái nào cần sau. Việc có kế hoạch như vậy cũng giúp mình tránh tình trạng bị dồn deadline và đảm bảo được tiến độ cũng như chất lượng của công việc".
Có thể thấy, với sự năng động, nhiệt huyết của các bạn trẻ, deadline là một công cụ hữu ích để quản lý và theo dõi tiến độ công việc một cách sát sao. Tuy nhiên, deadline chỉ thực sự phát huy tác dụng khi chúng ta biết sắp xếp thời gian một cách hợp lý nhất. Nếu không, các bạn trẻ sẽ tự hủy hoại sức khỏe của bản thân và đồng thời cũng không đảm bảo được chất lượng công việc mà mình được giao phó.