Sức mạnh mới cho công tác khuyến học, khuyến tài năm 2021

Quang Trường

(Dân trí) - Ngày 08/01, tại Hà Nội, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 6, khóa V được tổ chức nhằm tổng kết công tác Hội năm 2020 và bàn kế hoạch công tác năm 2021.

Cùng dự hội nghị, có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, các đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Vụ Đoàn thể Nhân dân-Ban Dân vận Trung ương, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp -Bộ Lao động & Thương binh và Xã hội, cùng đại diện các Bộ/ngành liên quan.

Về phía Hội Khuyến học, GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, các Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và đại diện Hội Khuyến học 63 tỉnh, thành.

Sức mạnh mới cho công tác khuyến học, khuyến tài năm 2021 - 1

GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội đã tổng kết công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập năm 2020.

Sức mạnh mới cho công tác khuyến học, khuyến tài năm 2021 - 2

GS.TS Phạm Tất Dong khẳng định Hội Khuyến học Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Nhà nước một cách xuất sắc.

"Chúng ta đã làm tốt việc tham mưu với Đảng và Nhà nước để xây dựng kết luận 49 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Từ kết luận 49, Nhà nước đã có Quyết định số 489 phê duyệt công tác của Hội trong nhiều năm tới. Nhờ vậy, chúng ta đã có một chương trình công tác dài hạn.

Đặc biệt, Hội đã quán triệt được tư tưởng Hồ Chí Minh về học không bao giờ cùng trong toàn bộ công tác khuyến học, khuyến tài. Xây dựng được mối liên kết với nhiều Bộ, Ban, ngành. Sự liên kết này đã tạo sức mạnh mới cho công tác khuyến học, khuyến tài.

Trong những điều kiện khó khăn về kinh tế - xã hội, nhất là khó khăn do dịch Covid - 19 gây nên, khó khăn về thiên tai ở miền Trung vừa qua, quỹ khuyến học của hội vẫn đang lớn dần. Công tác thi đua khen thưởng của hội được thực hiện liên tục. Đặc biệt là vào năm cuối, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Hội đã hoàn thành tốt công tác thi đua, khen thưởng.

Thắng lợi trong 25 năm xây dựng mô hình "xã hội học tập" phù hợp với Việt Nam đó là thực hiện mô hình làm từ cơ sở lên. Và giúp chúng ta có được mô hình "xã hội học tập" cao so với thông tư 44 đưa ra".

Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ tiếp theo, gồm: Xây dựng những thành phố học tập, khu đô thị học tập; tập trung triển khai thí điểm mô hình "Công dân học tập". Chuẩn bị công tác tổ chức và nhân sự Đại hội nhiệm kỳ VI (2021 - 2026) Hội Khuyến học Việt Nam và lễ kỉ niệm 25 năm thành lập Hội. Tiếp tục công tác kiểm tra, giám sát theo Điều lệ, Quy chế tổ chức hoạt động Hội. Ở các tỉnh, thành, Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng tộc, cộng đồng, đơn vị. Phát triển Quỹ khuyến học hỗ trợ người lớn và trẻ em học tập. Tiếp tục phát triển tổ chức hội, hội viên theo Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung báo cáo mà Hội Khuyến học Việt Nam và các đại biểu đã trình bày.

Sức mạnh mới cho công tác khuyến học, khuyến tài năm 2021 - 3

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị.

Liên quan đến kinh phí để tổ chức tập huấn, hoạt động hội, đồng chí Thứ trưởng cho biết: "Năm 2018, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 07, quy định về quản lí và sử dụng tài chính trong đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020", về nguyên tắc, kinh phí đó chỉ sử dụng trong giai đoạn này.

Giai đoạn tiếp theo 2021-2030 cần phải ban hành tiếp, dự kiến Bộ GD&ĐT sẽ đưa vào chỉ thị của thủ tướng về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đưa nội dung của Bộ Tài chính là tiếp tục trong khi chờ đề án mới giai đoạn 2021-2030 thì nghị định 07 vẫn tiếp tục triển khai. Bộ Tài chính vừa bố trí kinh phí, vừa đưa ra hướng dẫn sử dụng trong điều kiện này. Như vậy về mặt tài chính, chúng ta có cơ chế để tháo gỡ như vậy".

Sức mạnh mới cho công tác khuyến học, khuyến tài năm 2021 - 4

Hội nghị tặng hoa, tri ân 11 đồng chí nghỉ tham gia công tác Hội.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất liên quan đến cơ chế chính sách, các nút thắt và phương hướng tháo gỡ… để hoạt động hội ở các địa phương hiệu quả hơn.

Hội nghị quyết định cho nghỉ sinh hoạt và nghỉ tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, nghỉ nhiệm vụ ủy viên Ban Kiểm tra với 11 đồng chí, đồng thời bổ sung 7 đồng chí vào Ban Chấp hành khóa V.

Phát biểu tổng kết hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu vấn đề về tiêu chí "công dân học tập", ở nhiều địa phương còn khó triển khai, nhất là về kĩ năng sử dụng máy tính và ngoại ngữ, vì vậy các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để xây dựng cho phù hợp.

"Chúng ta cần tiếp tục thực hiện và nâng cao quyết định 281/QĐ-TTg và quyết định 489/QĐ-TTg. Sẽ có chương trình tập huấn về 2 quyết định này tại cả 2 miền Bắc và Nam. Trên cơ sở đó, các địa phương chủ động tập huấn. Nhân đó tập huấn về cách thống kê quỹ và hội viên để thống nhất trên toàn quốc.

Cần phải phấn đấu xây dựng, phát động phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xã hội học tập của cả nước. Sau đó đưa về từng địa phương thực hiện, giao cho cơ quan, đoàn thể có thẩm quyền chủ trì.

Tiếp tục phát triển mối liên kết, phối hợp với các tổ chức, cơ quan đã kí kết để chia sẻ trách nhiệm, nghiệp vụ và đi vào chiều sâu. Đặc biệt, làm thế nào để tăng cường cơ sở vật chất cho hội. Ngoài ra chúng ta vẫn phải không ngừng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để đưa công tác khuyến học khuyến tài lan tỏa trong toàn xã hội".