Số phận của những luận án tiến sĩ "lạ", gây tranh cãi năm 2022
(Dân trí) - Luận án tiến sĩ về áo ngực và hai luận án tiến sĩ về cầu lông gây tranh cãi trong năm 2022. Có nghiên cứu sinh bảo vệ thành công, cũng có luận án bị hội đồng thẩm định đánh giá chưa đạt.
Luận án tiến sĩ với đề tài về áo ngực gây xôn xao
Luận án có tên "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực"; thuộc ngành Công nghệ dệt, may; được website Bộ phận Đào tạo sau đại học, Phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội đăng tải vào ngày 19/8/2022.
Tác giả luận án là nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung, người hướng dẫn khoa học gồm PGS.TS Nguyễn Nhật Trinh và PGS.TS Nguyễn Thị Lệ.
Sau khi được đăng tải, mạng xã hội có rất nhiều ý kiến trái chiều về luận án này. Một số ý kiến cho rằng, đề tài nói trên của nghiên cứu sinh có phần chưa phù hợp, "hơi gượng" so với tầm một luận án tiến sĩ; thậm chí khẳng định đề tài luận án "vô bổ", không có giá trị.
Một số ý kiến khác lại cho rằng đề tài nghiên cứu của luận án rất thiết thực và hữu ích trong ngành dệt may, phù hợp với công việc của nghiên cứu sinh.
Sau gần 2 tháng gây xôn xao trên mạng xã hội, đến ngày 12/10, luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung đã được bảo vệ thành công trước Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp trường, họp tại ĐH Bách khoa Hà Nội.
Trên cơ sở kết quả bỏ phiếu đánh giá, có 7/7 thành viên Hội đồng bỏ phiếu tán thành, trong đó có 3 phiếu xếp loại xuất sắc.
Được biết, trước đó, nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung đã công bố 8 bài báo thể hiện kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có một bài báo trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Web of science, 3 bài báo quốc tế thuộc danh mục Scopus, 4 bài báo trên các tạp chí trong nước. Đây đều là các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín.
Theo thành viên của Hội đồng đánh giá, áo ngực là sản phẩm đặc thù của ngành dệt may, nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa thực tiễn, áp dụng được cho nữ sinh ở miền Bắc Việt Nam, mà có thể áp dụng cho tất cả đối tượng sử dụng sản phẩm này. Kết quả nghiên cứu từ luận án cũng là cơ sở khoa học để phát triển rất nhiều nghiên cứu khác có ý nghĩa ứng dụng.
Luận án tiến sĩ "phát triển cầu lông cho công chức, viên chức Sơn La"
Vào tháng 5/2022, luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh được bàn luận rất nhiều trên các diễn đàn.
Đây là luận án ngành Giáo dục học, được hoàn thành tại Viện Khoa học Thể dục thể thao. Nhiều người cho rằng đề tài nghiên cứu nói trên không xứng tầm với một luận án tiến sĩ.
Tại phần "Những đóng góp mới của luận án", theo nghiên cứu sinh, luận án đã đánh giá thực trạng phong trào cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La, cho thấy còn tồn tại những bất cập như: Sự nhận thức chưa đầy đủ của công chức, viên chức về ý nghĩa của việc tập luyện cầu lông; Thiếu cộng tác viên cầu lông; Công tác xã hội hóa môn cầu lông chưa hiệu quả; Thể lực của đội ngũ công chức, viên chức còn hạn chế.
Đồng thời, qua phân tích SWOT đã xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc phát triển phong trào cầu lông của đội ngũ công chức, viên chức Sơn La. Luận án cũng đã lựa chọn được 6 giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức Sơn La.
Trao đổi với Dân trí, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT chia sẻ đã đọc nội dung của luận án nói trên và cho rằng "chưa xứng tầm là một luận án tiến sĩ".
"Đề tài này khi đọc toàn bộ cũng không hiểu vấn đề hiện nay là gì, không có tính chất khoa học nào cả, nội dung hầu như không có gì. Chất khoa học là từ việc nghiên cứu thực tiễn, nghiên cứu tổng quan về môn cầu lông mà rút ra được nghiên cứu của mình là gì thì luận án này không có", TS Vinh cho hay.
Ngoài ra, trong luận án cũng có khá nhiều nội dung chép từ giáo trình kỹ thuật cầu lông, không có tác dụng, ý nghĩa đóng góp khi đề tài là về giải pháp phát triển. Tài liệu nước ngoài đưa vào trong luận án rất ngắn, chỉ nói về vai trò của thể chất, rèn luyện chứ không đề cập đến môn cầu lông. Phần nội dung nghiên cứu tài liệu đường lối của Đảng cũng chỉ nói về thể dục thể thao nói chung thay vì nói tới riêng môn cầu lông
Đến tối 6/10, theo thông tin từ một đại diện Bộ GD&ĐT, ngay trước khi luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh xôn xao trên mạng xã hội vào tháng 5/2022, Bộ đã nhận được thông tin phản ánh những băn khoăn về đề tài này.
Bộ đã mời 3 chuyên gia thẩm định, kết quả là có 2/3 chuyên gia yêu cầu nghiên cứu sinh sửa lại nhiều nội dung của luận án, chuyên gia còn lại đánh giá luận án không đạt yêu cầu, nghiên cứu sinh cần làm lại và bảo vệ lại.
Thêm một luận án "tiến sĩ cầu lông" gây xôn xao
Đến tháng 11/2022, các diễn đàn lại được dịp ồn ào về một luận án tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục học. Luận án có tên là "Nghiên cứu lựa chọn biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Câu lạc bộ Cầu lông Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2", của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hồng, được công bố trên chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GD&ĐT ngày 7/11.
Luận án được thực hiện trong khóa đào tạo không tập trung tại Viện Khoa học Thể dục thể thao. Hai cán bộ hướng dẫn là PGS.TS Bùi Ngọc và PGS.TS Lê Ngọc Trung.
Tại bản tóm tắt luận án, nghiên cứu sinh cho biết mục đích nghiên cứu là "tiến hành phân tích và tổng hợp tài liệu, rút ra những cơ sở khoa học liên quan đến vấn đề nâng cao hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ cầu lông. Đồng thời, tiến hành điều tra thực trạng phong trào thể dục thể thao, phong trào tập luyện cầu lông và hiệu quả hoạt động câu lạc bộ cầu lông của cán bộ viên chức và sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.
Từ đó, tiến hành lựa chọn, ứng dụng và đánh giá các biện pháp đáp ứng nhu cầu tập luyện của hội viên trong câu lạc bộ cầu lông. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần tăng cường thể lực, duy trì sức khỏe, phát triển số lượng hội viên và thúc đẩy phong trào tập luyện môn cầu lông của cán bộ viên chức và sinh viên trong Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2".
Trên một số diễn đàn, nhiều người bày tỏ thắc mắc về sự xứng tầm của đề tài trên cho một luận án tiến sĩ.
"Đề tài không có tính thực tiễn, không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, chỉ xứng tầm một bài tiểu luận", một người nêu ý kiến. "Phạm vi nghiên cứu còn không rộng bằng đề án tốt nghiệp đại học của mình", một người khác bày tỏ quan điểm.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT nhận định, đề tài luận án tiến sĩ "Nghiên cứu lựa chọn biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Câu lạc bộ Cầu lông Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2" của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hồng trước hết chưa phù hợp với ngành đào tạo là Giáo dục học.
TS Vinh phân tích, giáo dục học thể chất hay sư phạm thể thao có đặc trưng là học trong thực hành. Ngành này đề cập đến cả cách thức học tập của trẻ em và thanh thiếu niên cũng như kiến thức và kỹ năng sư phạm mà giáo viên, huấn luyện viên cần hỗ trợ để họ học tập một cách hiệu quả. Sư phạm thể thao là nghiên cứu về nơi mà thể thao và giáo dục kết hợp với nhau.
"Đề tài nghiên cứu về "biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động câu lạc bộ cầu lông" không phải ngành Giáo dục học. Việc lựa chọn đề tài sai với ngành đào tạo đã đủ để bác bỏ luận án", ông nói.
Bên cạnh đó, TS Vinh cũng cho rằng luận án nói trên không có ý nghĩa khoa học, không thấy tính cấp thiết của đề tài. Thậm chí, những "biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ" vốn có thể tìm ra mà không cần tới việc nghiên cứu trong vài năm.