Hà Nội:

Sẽ chấm dứt việc học sinh đi xe máy đến trường?

(Dân trí) - Xử lý triệt để việc học sinh đi xe máy đến trường và sử dụng điện thoại không đúng mục đích là hai vấn đề lớn được Sở GD-ĐT Hà Nội cùng với các đơn vị liên quan đưa ra bàn bạc và mổ xẻ nhằm thống nhất giải pháp và triển khai thí điểm.

Sáng qua 25/2, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai mô hình điểm các biện pháp đảm bảo giáo dục trật tự an toàn giao thông (ATGT) và quản lý sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) đúng mục đích trong và ngoài nhà trường- ngành GD-ĐT năm 2011.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, chương trình thí điểm sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 1/3. Vào khoảng tháng 7 sẽ tiến hành sơ kết đánh giá để điều chỉnh phù hợp. Sau đó vào đầu năm học 2011-2012 sẽ triển khai đại trà đối với tất cả các trường THPT.

Tham dự Hội nghị này ngoài sự có mặt của các Phòng, Ban Sở GD-ĐT Hà Nội, Vụ công tác HS, SV- Bộ GD-ĐT còn có sự hiển diện của Phó giám đốc công an Thành phố Hà Nội, Phòng cảnh sát giao thông, Phòng An ninh bảo vệ chính trị nội bộ (PA83), Công an các Quận, Phường có các trường THPT tham gia thí điểm. Đặc biệt có sự tham gia của lãnh đạo, trưởng Ban phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm của các trường tham gia thí điểm gồm trường THPT Trần Phú, Việt Đức (Quận Hoàn Kiếm), Phan Đình Phùng (Quận Ba Đình), Quang Trung và Kim Liên (Quận Đống Đa)…

Học sinh đi xe máy: Xử lý nhưng không thể "phá luật"!

Mạnh dạn đề suất giải pháp, phòng công tác HS, SV - Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng: Phòng cảnh sát giao thông và Phòng PA83 công an thành phố cần chỉ đạo các đội cảnh sát giao thông, đội an ninh quận làm điểm quản lý địa bàn tăng cường công tác tuần tra kiểm soát xử lý số học sinh (HS) vi phạm trật tự, an ninh ATGT, tập trung xử lý các hành vi vi phạm Luật giao thông.

Bên cạnh đó chỉ đạo cảnh sát giao thông, đội trưởng an ninh phối hợp với công an phường sở tại tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự, an ninh, ATGT tại các cổng trường; kiểm tra các điểm trông giữ xe cho HS, xác định xe mô tô, xe máy của HS chưa được phép sử dụng vi phạm điểu khiển xe đến trường để phối hợp các biện pháp xử lý. Phối hợp với các trường THPT bí mật ghi hình, quay camera chụp ảnh những HS vi phạm Luật giao thông đường bộ khi đến trường. Hàng tuần thông báo danh sách HS vi phạm Luật giao thông đường bộ bị lực lượng công an xử lý tới các nhà trường để kịp thời có biện pháp giáo dục.

Liên quan đến vấn đề giải pháp, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức Nguyễn Quốc Bình chia sẻ “ Để làm tốt việc HS không đi xe máy đến trường thì phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và chính quyền sở tại. Chỉ khi ba bên có những cam kết cụ thể, rõ ràng, trách nhiệm và triển khai quyết liệt thì mới giảm bớt được. Để làm triệt để thì rất khó bởi sẽ có những đối tượng HS vượt qua quyền kiểm soát của phụ huynh”.

“Tôi nghĩ phần lớn những HS vi phạm đều là những em chưa ngoan. Những em học giỏi và ngoan thì không bao giờ đi xe máy tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi. Việc các em HS chưa ngoan viện lý do là nhà cách xa trường chỉ là một cách bao biện mà thôi” - hiệu trưởng Bình nhấn mạnh.

Cũng theo thầy Bình, thì hiện nay cái khó đó là không thể quản lý được việc HS gửi xe máy ở ngoài nhà trường. Nhằm tìm ra sự tháo gỡ, ông Bình bộc bạch: “Bản thân nhà trường cũng đã từng đến các điểm trông giữ xe trao đổi nhưng họ không hợp tác. Chúng tôi cũng đã có văn bản tới công an và UBND phường nhưng lại phát sinh ra chuyện điểm trông gửi xe đó lại thuộc Sở giao thông công chính. Chính vì thế quay phim chụp ảnh những HS vi phạm là rất tốt nhưng chúng ta cần phải làm rõ ai quay? Giáo viên tham gia quay phim, chụp ảnh thì có vi phạm luật hay không?”.

Cảm thông với việc các trước bất lực trước việc HS gửi xe máy ở ngoài trường, ông Nguyễn Hữu Thắng - Phó trưởng công an Quận Đống Đa cho biết: “Chúng ta chỉ có thể quản lý và giám sát được đối với những điểm trông giữ xe có giấy phép. Còn đối với những điểm gửi xe tự phát thì rất khó quản lý. Chính vì thế biện phạm ghi hình là hiệu quả nhất”.

Nếu mô hình hiệu quả thì Bộ GD-ĐT sẽ phát động nhân rộng ra cả nước”- Bà Lại Thị Hoa, Vụ công tác HS, SV- Bộ GD-ĐT

Một giáo viên chủ nhiệm của trường THPT Việt Đức mạnh dạn đề xuất: “Chúng ta có thể tịch thu xe máy đối với những HS vi phạm Luật giao thông. Đây sẽ là giải pháp mạnh mẽ để giải quyết bài toán HS đi xe máy đến trường”.

Trước những boăn khoăn được nêu ra, Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng cảnh sát giao thông (CA TP Hà Nội) giải thích: “Hiện nay tất cả các trường hợp điều khiển mô tô, xe máy không có giấy phép lái xe đều bị tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên Luật lại không cho phép tịch thu xe. Về vấn đề quay phim, chụp ảnh thì đầu năm học 2010-2011 các trường thuộc địa bàn Hà Nội đã ký cam kết với tất cả các bậc phụ huynh không để cho con em mình và bản thân mình vi phạm Luật giao thông. Như vậy hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm có quyền ghi lại các hình ảnh vi phạm để làm căn cứ giáo dục tuyên truyền và xử lý”.

Thượng tá Ngọc cho biết thêm: “Hiện này một số HS của các trường không ghi nhãn vở hoặc ghi thiếu. Khi lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ở ngoài đường xử lý HS vi phạm thì các em thường viện nhiều lý do để không phải xuất trình giấy tờ tùy thân. Giải pháp mà lực lượng cảnh sát giao thông lựa chọn đó là kiểm tra vở của HS. Chính vì thế để có thể gửi thông tin chính xác những HS vi phạm thì các trường cần kiểm tra và yêu cầu các em ghi nhãn vở, nhãn sách đầy đủ”.

Nghiên cứu khá kỹ càng các giải pháp đưa ra, đại tá Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội nhấn mạnh: “HS chưa đủ 18 tuổi không được điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông đi đến trường. Nhưng theo luật thì trên 18 tuổi thì có được đi, vì thực tế, có nhiều HS trên 18 tuổi vẫn đang học cấp THPT. Do vậy, các quy định đưa ra cần căn cứ vào luật, tránh tình trạng đến khi thực thi có sự bắt bẻ vì chưa chặt chẽ”.

Đại tá Thùy cũng cho rằng, nếu có cơ chế tịch thu xe đối với những người điều khiển mô tô, xe máy lượn lạch đánh võng thì chắc chắn tình hình giao thông ở TP Hà Nội sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên chúng ta không thể thực hiện được điều này khi mà chưa có văn bản quy định.

HS sử dụng ĐTDĐ sai mục đích: Phụ huynh chịu trách nhiệm

Nhằm quản lý vấn đề sử dụng ĐTDĐ của HS, ông Mai Sỹ Nhật - Trưởng phòng Công tác HS, SV chia sẻ giải pháp: “Chúng ta cần phải có quy định HS tuyệt đối không được sử dụng ĐTDĐ trong giờ học, trong giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp, giờ sinh hoạt tập thể trong trường. Ngoài các giờ quy định trên, HS không được sử dụng ĐTDĐ vào những việc với mục đích như: gọi điện và nhắn tín cho bạn bè, người thân có nội dung xấu, ghi hình ảnh thiếu lành mạnh, phát tán trên mạng gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, bạn bè và người thân”.

Theo Thượng tá Vũ Minh Chính Phó trưởng phòng PA83 thì khi sử dụng ĐTDĐ thì cần phải nhìn thấy mặt trái nguy hại của nó, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến HS, trường học mà cả an ninh quốc gia.

“Có rất nhiều vấn đề phức tạp phát sinh từ ĐTDĐ như hẹn hò đánh nhau, quay clip phát tán trên mạng. Tuy nhiên quy định cần làm rõ những lời nói, hình ảnh nào cấm, tránh tình trạng điều cần cấm thì không cấm”- Thượng tá Chính nhấn mạnh.

Cũng theo Thượng tá Chính thì đã đến lúc chúng ta cần xem xét là có nên kiểm tra nội dung cũng như các clip trong điện thoại của HS để sớm phát hiện các hành vi vi phạm để ngăn chặn kịp thời. Tất nhiên việc kiểm tra này cần phải dân chủ. Bên cạnh đó cần có cơ chế giám sát HS chặt chẽ bởi việc vi phạm khi sử dụng ĐTDĐ rất khó phát hiện. Ngoài ra chúng ta có thông điệp là “sử dụng điện thoại đúng quy định” thì cần phải sớm ban hành quy định cụ thể để HS nắm rõ.

Đồng quan điểm với Thượng tá Chính, ông Nguyễn Hữu Thắng - Phó trưởng công an Quận Đống Đa hiến kế thêm: “Nên chăng chúng ta chỉ cho các em sử dụng những điện thoại thông thường, không có chức năng kết nối mạng và quay phim chụp ảnh”.

Thể hiện quyết tâm của mình, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Trong quá trình thực hiện thí điểm sẽ yêu cầu các bậc cha mẹ HS xem xét lại việc mua sắm ĐTDĐ trang bị cho con em mình đã thực sự cần thiết chưa. Chủ động có biện pháp quản lý, giáo dục, nhắc nhở con em mình sử dụng ĐTDĐ đúng mục đích vào những công việc hữu ích. Cha mẹ HS phải chịu trách nhiệm với nhà trường và xã hội về những việc làm thiếu ý thức, phản tác dụng giáo dục trong việc sử dụng ĐTDĐ của con em mình vào những việc làm không tốt gây ảnh hưởng xấu tới danh dự nhà trường, gia đình và xã hội”.

Nguyễn Hùng