Hà Nội: Nan giải xử lý học sinh đi xe máy đến trường
(Dân trí) - Dù đã có nhiều biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng học sinh đi xe máy đến trường nhưng cho đến nay Hà Nội vẫn chưa thể cải thiện được là bao. Sự vướng mắc này được các bên liên quan thừa nhận: Thiếu cơ chế và quá khó để làm triệt để!
Chưa xử lý mạnh tay
Tình trạng học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm không phải là hiếm gặp dù đang là tháng cao điểm về an toàn giao thông.
Lắc đầu, anh Ngô Nhân Vinh, Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) số 1 quận Hoàn Kiếm, tâm sự: “Mới ra quân rầm rộ vài ngày nhưng số lượng HS vi phạm giao thông bị lập biên bản và giữ phương tiên tương đối nhiều. Chỉ trong vòng buổi sáng mà chốt điểm này đã xử lý 5-6 trường hợp là HS phổ thông vi phạm”.
Cũng theo anh Vinh thì hiện nay HS liều lĩnh, thậm chí còn có thái độ thách thức lực lượng CSGT. Biểu hiện ở chỗ khi được yêu cầu dừng xe thì các đối tượng này thường rú ga lạng lách bỏ chạy. Chính vì thế, thời gian tới lực lượng CSGT sẽ nghiêm khắc xử lý các đối tượng là HS khi vi phạm Luật giao thông.
Qua quan sát của chúng tôi ở một số trường thi do đang là thời gian cao điểm nên một số HS chọn giải pháp an toàn là nhờ người nhà đưa đến trường. Tuy nhiên nhiều HS do không có sự lựa chọn nên vẫn quyết định đi học bằng xe máy. Để tránh sự kiểm tra của lực lượng CSGT thì các đối tượng này thường chọn giải pháp đi những cung đường ngõ ngách chứ không đi các đường phố chính như trước đây.
Để chấn chỉnh sự “ma mãnh” này thì những ngày cao điểm lực lượng CSGT đã phân phối lực lượng liên tục tuần tra trên các cung đường. Khi phát hiện đối tượng vi phạm thì lập tức áp sát để lập biên bản và xử lý.
Trong tháng cao điểm lực lượng CSGT tuần tra mọi nẻo đường để phát hiện xử lý những học sinh vi phạm Luật Giao thông nhưng không thể làm thường xuyên.
Một chiến sĩ CSGT đứng chốt ở đường Lý Thường Kiệt cho chia sẻ thêm, hầu hết những HS vi phạm đều có chung một kịch bản đó là nài nỉ và tỏ vẻ biết lỗi. Đôi lúc vì thương tình nên chỉ nhắc nhở sau đó cho đi, nhưng ngay sau khi được “tha” là lấp tức nhảy tót lên xe rồ máy chạy mất hút.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nay lực lượng CSGT cũng gặp khá nhiều khó khăn nếu mạnh tay xử lý HS đi xe máy bởi nhẽ cơ cấu bến bãi giữ phương tiện vi phạm còn nhiều hạn chế. Chính vì thế phần lớn khi HS vi phạm thì giải pháp nhắc nhở vẫn là lựa chọn đầu tiên.
Theo anh Lê Đức Cường, một người dân sống ở quận Hoàn Kiếm (gần khu vực Trường THPT Trần Phú và Việt Đức) thì do lực lượng CSGT trong những ngày qua xử lý nghiêm khắc nên lượng HS đi xe máy đến trường có giảm bớt. Tuy nhiên như thường lệ khi tháng cao điểm này kết thúc thì một phần lực lượng CSGT mỏng đi, kết hợp với việc thờ ơ xử lý HS vi phạm nên đâu lại vào đó.
Lời tâm sự của anh Cường càng được thể hiện rõ nét trong số vụ vi phạm được Công an Thành phố thông báo tới Sở GD-ĐT Hà Nội. Theo thống kê thì trong tháng 9/2010 có 517 vụ HS, SV vi phạm (thời điểm ký kết kế hoạch liên ngành tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các trường học và các cơ sở giáo dục năm học 2010-2011 - PV) nhưng đến tháng 10/2010 giảm xuống còn 82 vụ HS, SV vi phạm. Con số này tiếp tục giảm xuống 13 vụ ở tháng 11/2010 và chỉ còn 5 vụ ở tháng 12/2010.
Đáng nói hơn là ở chỗ, Công an thành phố Hà Nội chỉ mới thông báo số cán bộ công chức, HS, SV của một số quận huyện, thị xã, còn nhiều đơn vị quận, huyện, thị xã không có HS, SV vi phạm, phải chăng đây là những đơn vị đã chấp hành tốt Luật khi tham gia giao thông?
Phòng công tác HS, SV Sở GD-ĐT Hà Nội thừa nhận, con số thông báo vi phạm trên chưa phản ánh đúng với thực tế. Tình hình HS đi xe máy đến trường trong thời gian trở lại đây đang có xu hướng phức tạp và tăng lên đáng kể.
Nhà trường bất lực?
Theo quy định, các trường học đều cấm HS đi xe máy, vì thế, lẽ tất nhiên trong các Trường THPT ở Hà Nội đều không có bóng dáng các loại xe này. Tuy nhiên, HS lại “lách” bằng cách gửi xe tại các nhà dân, chợ gần trường. Điều này không khó để kiểm tra khi thị sát tại một số điểm gửi xe gần trường học.
Tan trường, nhiều học sinh Trường THPT Trần Phú đến bãi gửi gần Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội để lấy xe máy. (Ảnh chụp sáng 17/2)
Với trang bị áo ấm kín mít như thế này rất khó để phân biệt giữa học sinh và sinh viên trường múa.
Cũng theo thầy Lâm thì việc xử lý cũng không thể mạnh tay vì phải tuân thủ theo điều lệ trường học mà Bộ GD-ĐT ban hành. Theo quy định này thì hình thức xử lý cao nhất đối với việc HS vi phạm khi tham gia giao thông chỉ là nhắc nhở, cảnh cáo và cùng lắm là ghi vào sổ học bạ.
“Nếu HS chưa nhận thức và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, bên cạnh đó phụ huynh còn dung túng thì chắc chắn bài toán này sẽ không bao giờ có lời giải đáp”, thầy Lâm nhấn mạnh.
Đồng với quan điểm trên, hiệu trưởng của nhiều trường THPT ở Hà Nội đều cho cho rằng, những hình thức xử phạt của ngành giáo dục không đủ mạnh để giảm thiểu hiện tượng này. Một mình nhà trường không thể giải quyết triệt để được. Chính vì thế cần phải mạnh tay hơn khi xử lý giao thông những trường hợp HS đi học bằng xe máy.
Còn theo ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Công tác HS, SV- Sở GD-ĐT Hà Nội, ngành giáo dục chủ yếu làm công tác giáo dục, tuyên truyền để HS ý thức, tự giác chấp hành luật an toàn giao thông. Tuy nhiên do chưa có cơ chế chặt chẽ nên rất khó để giải quyết bài toán này.
Những học sinh vi phạm luật Giao thông thường ít để lại thông tin thật nên gây khó khăn cho cả nhà trường và công an .
Tuy nhiên trong việc nhà trường thực hiện xác minh làm rõ thân nhân, địa chỉ HS, SV vi phạm được công an thông báo lại nổi lên nhiều vấn đề vướng mắc. Chẳng hạn như việc xử lý vi phạm và cập nhật thông tin gửi tới các trường và các cơ sở giáo dục thiếu chính xác về học và tên, HS, SV hiện đang học tập tại đơn vị trường trên địa bàn quận, huyện, thị xã nào vì khi mở rộng địa giới hành chính trên địa bàn bàn Thành phố có rất nhiều trường trùng tên do đó không thể xác minh làm rõ thân nhân HS, SV vi phạm được, khi nhà trường xác minh để xử lý thì không có hoặc không đúng với thông báo của cơ quan Công an Giao thông nên tác dụng giáo dục chưa cao.
“Để giải quyết chính xác thì Phòng cảnh sát giao thông khi xử lý lỗi vi phạm đối với HS, SV cần yêu cầu người vi phạm phải có thẻ HS, SV hoặc giấy xác nhận của nhà trường. Có làm như vậy thì tác dụng giáo dục mới cao được”, ông Nhật chia sẻ.
Thí điểm mạnh tay xử lý học sinh đi xe máy ở 5 trường THPT Sở GD-ĐT Hà Nội vừa quyết định chọn 5 trường học tham gia mô hình điểm triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông và quản lý sử dụng điện thoại di động đúng mục đích trong vào ngoài nhà trường ngành giáo dục và đào tạo năm 2011. Theo đó, 5 trường sẽ tham gia thí điểm là THPT Kim Liên, THPT Quang Trung (quận Đống Đa), THPT Việt Đức, THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) và THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình). Đây là các trường từng được phản ánh có số lượng học sinh đi xe máy đi học khá đông. Chia sẻ về biện pháp mạnh tay này, ông Mai Sỹ Nhật cho biết các trường tham gia thí điểm này sẽ chủ động phối hợp với Công an các quận, Công an các phường trên địa bàn trường đóng triển khai thực hiện nghiêm túc bằng hình thức giám sát trực tiếp những đối tượng là học sinh đi xe máy đến trường. Theo đó, lực lượng công an sẽ theo dõi để “tóm gọn” những học sinh đi xe máy khi đi đưa xe vào các điểm gửi xe sau đó rà soát để biết chính xác trường đang theo học để bàn giao xử lý. Dự kiến trong tháng này, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị có quy mô lớn với sự góp mặt của các đơn vị liên quan, Ban giám hiệu, Trưởng ban Hội phụ huynh của 5 trường tham gia thí điểm. Sau khi thống nhất về nội dung và phương thức xử lý, các trường này sẽ làm việc với phụ huynh các lớp để phổ biến và triển khai. |
Nguyễn Hùng