Ra trường lương hơn 3 triệu đồng/tháng, giáo viên sống sao được với nghề?

Nhật Hồng

(Dân trí) - Số giáo viên mới đi làm chỉ có mức lương là hơn 3 triệu đồng/ tháng trong khi đó Nghị quyết số 29 đã khẳng định lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính.

Ngày 25/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về: "Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19".

Phiên giải trình do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dưới sự chủ trì của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà trực tiếp giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Ra trường lương hơn 3 triệu đồng/tháng, giáo viên sống sao được với nghề? - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên giải trình (Ảnh: moet.gov).

Thiếu 94.714 giáo viên

Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Tính đến tháng 5/2021, cả nước có 1.190.443 giáo viên, trong đó giáo viên công lập 1.108.391, ngoài công lập: 82.052; biên chế 1.059.729, hợp đồng trong các trường công lập 48.662. Trong tổng số hơn 1 triệu giáo viên mầm non, phổ thông, tỷ lệ giáo viên ngoài công lập chiếm 6,9% tổng số giáo viên của cả nước.

Theo thống kê, cho đến thời điểm năm 2021, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các chính sách tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ nhà giáo các cấp học (trong đó có cấp học mầm non, phổ thông) có hơn 200 văn bản. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về đội ngũ nhà giáo được đề cập tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, một số nội dung chưa thống nhất, dẫn tới khó khăn cho đội ngũ nhà giáo trong việc tra cứu và áp dụng văn bản pháp luật và thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục thừa 10.178 giáo viên (trong đó thừa 5.175 giáo viên tiểu học, 4.688 giáo viên THCS, 315  giáo viên THPT), thiếu 94.714 giáo viên (trong đó: thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên THCS, 11.133 giáo viên THPT).

Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán.., thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật....

Trong bối cảnh số học sinh huy động ra lớp ngày càng tăng, yêu cầu về đảm bảo chất lượng giáo dục ngày càng cao, trong khi biên chế giáo viên không tăng đã gây ra áp lực không nhỏ đối với ngành Giáo dục. Bộ GDĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung số biên chế trên theo lộ trình đến năm 2025, trước mắt năm học 2021-2022 trình bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.

Hiện nay, Bộ GDĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ chỉnh sửa định mức giáo viên/lớp được quy định tại Thông tư liên tịch số 06, Thông tư số 16 cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền.

Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông, Bộ GDĐT đề nghị Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội có ý kiến với Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GDĐT giao bổ sung số biên chế giáo viên còn thiếu cho ngành Giáo dục theo lộ trình (94.714 biên chế trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2026).

Mặc dù các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp như: dồn dịch trường, lớp; bố trí, sắp xếp, điều chuyển giáo viên..., nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn không thể khắc phục, nhất là trong bối cảnh các địa phương vừa phải giải quyết bài toán thiếu giáo viên lại vừa phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế.  Do đó, Bộ GDĐT đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có ý kiến với Chính phủ để có phương án tinh giản biên chế phù hợp đối với ngành Giáo dục; không tinh giản biên chế đối với cấp học mầm non, tiểu học vì chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức nhưng vẫn yêu cầu giảm 10% biên chế dẫn đến thiếu nhiều giáo viên đứng lớp.

Giáo viên mới đi làm chỉ có mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức đặt ra đối với Bộ GD-ĐT liên quan đến vấn đề giải quyết biên chế giáo viên, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, với số liệu được đưa ra (thừa 10.178 giáo viên, thiếu 94.714 giáo viên) trong trường hợp sắp xếp được lực lượng giáo viên thừa sẽ vẫn thiếu 84.000 biên chế giáo viên.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm rõ giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để bài toán thiếu giáo viên trong khi vẫn phải thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Trung ương về giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước (tinh giảm biên chế).

Quan tâm đến vấn đề chính sách đối với giáo viên đặc biệt là giáo viên mầm non, đại biểu Dương Minh Ánh nêu vấn đề: Theo số liệu báo cáo từ địa phương khoảng 50% số lượng giáo viên phổ thông có mức thu nhập khoảng từ 5 -6 triệu đồng/tháng, mức lương của giáo viên phổ thông vùng đồng bằng với 30 năm công tác khoảng từ 9 -11 triệu đồng/tháng; Hệ số lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học theo Thông tư mới nhất của Bộ GD-ĐT là 2,1;...  

Như vậy, số giáo viên mới đi làm chỉ có mức lương là hơn 3 triệu đồng/tháng trong khi đó Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành trung ương đã khẳng định lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

 "Đề nghị Bộ trưởng cho biết, với chính sách tiền lương của đội ngũ nhà giáo hiện nay liệu có thể là động lực để nhà giáo yên tâm sống được với nghề và thu hút nhà giáo giỏi đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản giáo dục hay không?; Cử tri ngành giáo dục băn khoăn khi thay đổi chính sách tiền lương theo Nghị định 204 của Chính phủ thì giáo viên không còn phụ cấp thâm niên và phụ cấp đứng lớp.

Như vậy lương của nhà giáo có được nâng lên đảm bảo như Nghị quyết 29 đã nêu hay không? Và lộ trình cải cách tiền lương nói chung cũng như lộ trình cải cách tiền lương đối với giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông bao giờ sẽ được thực hiện?,...", đại biểu Dương Minh Ánh đặt câu hỏi.

Ra trường lương hơn 3 triệu đồng/tháng, giáo viên sống sao được với nghề? - 2

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: quochoi).

Cần tập trung vào việc điều chỉnh phụ cấp

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ quan điểm đồng tình với ý kiến của đại biểu Dương Minh Ánh. Theo Bộ trưởng, về mặt bằng của lương viên chức sự nghiệp giáo dục so với mặt bằng của tất cả viên chức khác là cao, nhưng do yếu tố hoạt động nghề nghiệp và đặc thù của ngành, rõ ràng mức lương hiện nay vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Nghị định về chính sách tiền lương được ban hành từ lâu, đến nay đã không còn phù hợp, Nghị quyết 27/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương đã mở ra về cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, hiện nay do tác động của đại dịch Covid-19, vì vậy tạm lùi thời gian thực hiện cải cách chính sách tiền lương đến thời điểm hợp lý.

Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề chế độ tiền lương đặc biệt là phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên của nhà giáo thực chất còn khó khăn, chưa đáp ứng đặc thù của nghề giáo. Do đó, đề nghị Bộ GD-ĐT sớm phối hợp với Bộ Nội vụ để nghiên cứu đề xuất và giải quyết, trước mắt khi chưa thực hiện được cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27NQ-TW, cần tập trung vào việc điều chỉnh phụ cấp, lựa chọn đối tượng ưu tiên trước và tịnh tiến theo hướng từng bước để khi thực hiện Nghị quyết 27/NQ-TW không có khoảng cách quá xa,...

Giải quyết thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT không làm nổi

Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến vấn đề thừa/thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là vấn đề lớn, liên quan đến tổng thể các giải pháp làm thế nào đảm bảo lâu dài và bền vững việc sắp xếp phù hợp giáo viên. Bộ GD-ĐT cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị cụ thể tuy nhiên để thực thi các giải pháp này không chỉ phụ thuộc vào nội bộ ngành giáo dục mà còn liên quan đến các chính sách của quốc gia, địa phương.

Trên cơ sở phân tích rõ nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng thừa/thiếu giáo viên như hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, về mặt giải pháp,  Bộ phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và thống nhất với Bộ Nội vụ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung biên chế giáo viên mầm non, phổ thông; Chỉnh sửa định mức giáo viên/lớp được quy định tại Thông tư liên tịch số 06, Thông tư số 16 cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền.

Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học; Đẩy mạnh là xã hội hóa, tăng cường tự chủ ở các cơ sở giáo dục công lập mà có điều kiện xã hội hóa,...

Ra trường lương hơn 3 triệu đồng/tháng, giáo viên sống sao được với nghề? - 3

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: quochoi).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Thiếu giáo viên không phải vấn đề mới và thiếu thì vẫn phải bù đắp, yêu cầu ở đâu có học sinh ở đó phải có giáo viên đứng lớp cũng là phương châm của Bộ Chính trị. Nên năm học này Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT đã phối hợp đề xuất bổ sung 27.850 biên chế cho viên chức giáo dục, ưu tiên đầu tiên cho khối mầm non và khu vực đô thị.

Về lâu dài, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: Cần sớm ban hành chiến lược phát triển giáo dục mầm non, phổ thông; tập trung rà soát lại quy mô, mạng lưới trường lớp mầm non, phổ thông trong cả nước để tính toán, sắp xếp lại cho phù hợp theo hướng tinh gọn các đầu mối. Đồng thời, tập trung rà soát lại các quy định hiện hành liên quan đến định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp. Tập trung hoàn thiện quy định pháp luật về tự chủ và xã hội hóa giáo dục.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đã đến lúc cần tiến hành tổng kết, đánh giá các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế; tiếp tục rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy, quản lý, biên chế, trong đó có biên chế của ngành giáo dục.

Trong báo cáo của Bộ Nội vụ tại phiên giải trình, để giải quyết việc thừa - thiếu giáo viên, Bộ này đề nghị các địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế; rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý.

Đồng thời, chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao; tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục công lập có nguồn thu theo quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ để giảm dần số lượng viên chức giáo dục hưởng lương từ ngân sách nhà nước và tăng số lượng viên chức giáo dục hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng.

Ngoài vấn đề thừa - thiếu giáo viên, một số nội dung khác như chính sách lương, thu nhập của giáo viên để tạo động lực cho nhà giáo; chính sách luân chuyển giáo viên; chính sách thu hút học sinh giỏi vào sư phạm, đặt hàng sư phạm; chính sách tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên… cũng được nhiều đại biểu đặt ra và được Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ giải trình.