Quyền lực của tự chủ đại học

Quang Trường Nguyễn Liên

(Dân trí) - Sự chuyển hóa quyền lực có giá trị quan trọng là giải phóng năng lực, khả năng nội tại của trường đại học, những năng lực sáng tạo của từng cá nhân.

Phát biểu tại Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh như vậy khi nói về quyền tự chủ. 

Nảy sinh nhiều phức tạp, chồng chéo

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, việc đẩy mạnh tự chủ đại học thời gian qua mang lại kết quả tích cực cho các trường. Trong năm qua, chúng tôi đã đi thăm nhiều trường đại học thuộc các nhóm ngành khác nhau và thấy rằng với các trường dân sự nói chung, cơ chế tự chủ đại học mang lại khá nhiều điều kiện để phát triển nhanh hơn.

Tuy nhiên, theo ông, vấn đề tự chủ đại học cũng khiến các trường gặp một số khó khăn như: một số ngành vẫn do cơ quan quản lý Nhà nước quyết định; quy định về liên kết đào tạo, các trình độ giáo dục đại học chưa thực sự chặt chẽ dẫn đến bất cập trong quản lý chất lượng; việc thực hiện chức năng giải trình, nhất là giải trình hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hiệu quả quản lý sử dụng tài chính chưa được quan tâm đúng mức,…

Quyền lực của tự chủ đại học - 1
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Bên cạnh đó, nhiều nơi hiểu sai, để cho hội đồng trường cũng tham gia chỉ đạo các vấn đề cụ thể, làm chồng lấn sang vai của hệ thống hành chính. Một số trường tư thục không có hệ thống Đảng, Ban giám hiệu trả lương mời hiệu trưởng về lãnh đạo hành chính, nên hội đồng trường đó đôi khi vận hành theo cơ chế doanh nghiệp, cơ chế hội đồng quản trị.

Một khó khăn khác là vấn đề tài chính của nhiều cơ sở đại học còn thiếu bền vững, chủ yếu dựa vào nguồn thu học phí, nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế.

Cơ chế phân bổ nguồn lực chưa dựa trên yếu tố chất lượng đầu ra, quản lý sử dụng tài chính bị ràng buộc bởi nhiều quy định phức tạp, chồng chéo. Mức chi cho con người chưa mang tính cạnh tranh để thu hút, giữ chân người giỏi.

Các trường quy định mức thu học phí dựa trên chất lượng đầu vào, tuy nhiên việc đánh giá quản lý, kiểm soát chất lượng còn khó khăn, trách nhiệm giải trình chất lượng chưa được coi trọng.

"Dù còn có vướng mắc trong triển khai nhưng nhìn chung việc tự chủ đại học thời gian qua đã tạo ra nhiều tích cực. Việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tự chủ đại học là đúng đắn, cần phải triển khai mạnh mẽ, kiên quyết trong thời gian tới", ông Vinh nhấn mạnh.

Để thực hiện tốt vấn đề tự chủ đại học, theo ông Vinh, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nội hàm khái niệm tự chủ đại học, tạo sự đồng bộ trong triển khai. Hoàn thiện hành lang pháp lý, rà soát đầy đủ các vấn đề vướng mắc, chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật; nghiên cứu, phân tích đầy đủ các nội dung vướng mắc để đề xuất giải pháp giải quyết toàn diện.

Phải tiếp tục khẳng định, làm rõ vai trò quản lý Nhà nước đối với các trường đại học. Trong vấn đề quản lý Nhà nước, nên đặt quản lý chất lượng làm số một, số hai là vấn đề phát triển các trung tâm đào tạo mũi nhọn, các lĩnh vực đặc thù như đầu tư cho khoa học cơ bản, phục vụ lực lượng vũ trang, các ngành đặc biệt như Sư phạm, Khoa học sức khỏe, Khí tượng,…

Về tổ chức bộ máy nhân sự, phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, làm rõ hơn các mối quan hệ, phân công, phối hợp, phân vai nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành nhà trường, giữa các thiết chế quyền lực trong nhà trường.

"Mặc dù nhiều trường đảm đương kinh phí chi thường xuyên, tuy nhiên, nếu đầu tư cho hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế mà không có sự đầu tư của Nhà nước thì rất khó khăn. Nên chăng, ngoài việc chúng ta bố trí ngân sách chi thường xuyên cho các trường thì cần có các chương trình, đề án đầu tư có mục tiêu để phát triển giáo dục đại học", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói.

Ông cũng đề xuất, cần nghiên cứu thay đổi phương án phân bổ kinh phí đầu tư của Nhà nước theo yêu cầu chất lượng đầu ra. Hiện nay, nguồn tài trợ hợp tác với các doanh nghiệp bên ngoài của chúng ta chưa được nhiều, có thể do điều kiện, nhưng cũng có thể do cơ chế hành lang pháp lý chưa rõ ràng nên các trường chưa dám làm.

Phân định rõ chức năng, quyền hạn của các tổ chức Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu

Tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, để đảm bảo thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo nhà trường, cần có sự thống nhất, đồng lòng trong Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu trong các chủ trương lớn, các chiến lược phát triển của trường trong 5, 10 năm làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch phát triển hàng năm, từ đó mọi tổ chức, cá nhân đều phải chấp hành và cùng thực hiện chiến lược, kế hoạch đó.

Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu, không có sự so sánh tổ chức nào, hoặc ai quan trọng hơn ai, tất cả vì sự phát triển trường. Mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu thể hiện qua văn bản thống nhất giữa các bên dựa trên cơ sở pháp lý đã có. Tôn trọng chức trách và nhiệm vụ lẫn nhau.

Nhận thức đúng về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của từng tổ chức và từng thành viên trong tổ chức, với mục tiêu tối thượng "thực hiện thành công chiến lược phát triển của trường đã được thông qua". Khi có những vấn đề phát sinh cần gặp gỡ trao đổi, thống nhất giải pháp trước giữa Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng và Hiệu trưởng.

Nếu có những vấn đề chưa thống nhất sẽ được tiếp tục thảo luận trong tập thể lãnh đạo. Quy định trong giao ban hàng tuần, giao ban hàng tháng của Ban Giám hiệu, luôn có sự hiện diện của Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng để nắm thông tin và cần thiết có ý kiến chỉ đạo.

TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT cho rằng, chưa có một nền giáo dục đại học nào thành công theo mô hình "tự túc". Dù đầu tư từ nguồn nào, thì một trong các yếu tố để đảm bảo chất lượng là chi phí đào tạo/sinh viên (định mức kinh tế kỹ thuật) phải đủ lớn.

Hiện nay mức chi phí trung bình đào tạo đại học ở Việt Nam dưới 1000 đô la Mỹ/năm/sinh viên, chỉ bằng 1/20 chi phí của Australia. Trong các năm tới, Việt Nam cần phải nâng chi phí đào tạo lên, từ nhiều nguồn, chắc phải lên gấp 5 con số này trong 10 năm tới (tương đương với Thailand, và bằng 5-10% Mỹ, Australia hiện nay) để có điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ở mức tối thiểu.

Tự chủ đại học cần phải góp phần giải quyết vấn đề này. Do ngân sách hạn chế, Việt Nam chỉ thể tăng chi phí đào tạo/sinh viên theo 3 cách: (i) thực hiện lộ trình tự chủ gắn với lộ trình tăng học phí trường công như hiện nay, (ii) tăng tỷ trọng sinh viên trường tư song song với giảm tỷ trọng sinh viên trường công để tối ưu việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học, (iii) tín dụng, vay cho hiện tại.

Cách (i) không thể tăng học phí quá nhiều, cho nên sẽ đến lúc phải dùng đến cách (ii), giới hạn sinh viên trường công từ khoảng 85% hiện nay xuống còn khoảng 65% là tạm ổn (chẳng hạn mỗi năm giảm 5% chỉ tiêu trường công), cũng để tỷ lệ sinh viên trường công trường tư tương xứng với các nước khác trong khu vực. Cách (iii) cần có giải pháp và cách đi phù hợp, vì liên quan đến cả tín dụng đầu tư và tín dụng sinh viên".

Quyền lực của tự chủ đại học - 2
Ông Nguyễn Đắc Vinh và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại chủ trì Hội nghị.

Cần hiểu đúng bản chất của tự chủ đại học

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhắc lại lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam "tự chủ đại học là con đường một chiều còn rất dài" và nhấn mạnh, trên con đường rất dài ấy, chúng ta đã đi được một chặng đường quan trọng; chặng phía trước đã trở nên rõ ràng, không phải là chặng đường mờ mịt. Sự kiện Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022 có thể xem là điểm bắt đầu cho một chặng đường mới của quá trình tự chủ đại học.

Bộ trưởng chia sẻ, thời gian tới, tự chủ đại học sẽ đi vào chiều sâu, hoàn thiện, chất lượng với đầy đủ sự phù hợp và tinh tế. Những điều chúng ta đang làm là đúng, đem lại nhiều giá trị. "Tôi muốn nhấn mạnh sự đúng đắn của con đường mà chúng ta đang đi", Bộ trưởng nói và bày tỏ hy vọng một ngày nào đó, chúng ta không phải bàn đến vấn đề tự chủ đại học nữa, mà đó là điều đương nhiên.

Một số ý kiến cho rằng cần bàn giao quyền tự chủ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, cách nói này có phần chưa chính xác. Theo đó, cần hiểu đúng bản chất của tự chủ đại học. Quyền quản lý Nhà nước không giao cho một cơ sở đào tạo, mà là công nhận quyền tự chủ của trường đại học. Quyền tự chủ như một thuộc tính của đại học, là yếu tố tất yếu cần có và phải có trong sự phát triển của giáo dục bậc cao.

Theo Bộ trưởng, đây không phải trao tự chủ mà là sự chuyển hóa quyền lực. Nói "tự chủ đại học" là khẳng định, công nhận cho một loại quyền mới, khác về chất với quyền quản lý Nhà nước. Quyền lực ấy là tự thân của đại học; lấy quyền lực của chuyên môn, tiếng nói của khoa học làm "linh hồn" của quyền tự chủ đại học.

Đó là "giá đỡ" của sự đổi mới và sự sáng tạo. "Sự thay đổi cần hiểu đúng bản chất của nó. Không trao chuyển, mà là sự thừa nhận và khẳng định", Bộ trưởng nhắc lại.

Bộ trưởng nhấn mạnh, một trong những thành tựu của thực hiện tự chủ đại học thời gian vừa qua là làm cho các cơ sở giáo dục đại học trở thành một thực thể "trưởng thành".

Bộ trưởng so sánh, điều này giống như một cá nhân bắt đầu tự ý thức về mình, tự kiểm soát được hành vi của bản thân, có trách nhiệm với xã hội, tự chịu trách nhiệm trước xã hội, biết phải làm gì và đã có đầy đủ năng lực, hành vi. Tất nhiên, tất cả đều phù hợp với quy định pháp luật.

Đó là giá trị rất quan trọng của tự chủ đại học, sẽ mở đường cho những điều kì diệu khác - trung tâm của trí tuệ, sáng tạo.

Quyền lực của tự chủ đại học - 3
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận Hội nghị.

Bên cạnh đó, sự chuyển hóa quyền lực có giá trị quan trọng là giải phóng năng lực, khả năng nội tại của trường đại học, những năng lực sáng tạo của từng cá nhân. Sự khai phóng từ bên trong sẽ đem lại giá trị to lớn; làm cho các trường đại học bước vào sự trưởng thành, giải phóng năng lực, tiềm năng. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể thấy được cái gì cần làm, cần khai thông.

Từ các kết quả của tự chủ đại học đem lại, Bộ trưởng nhận thấy có điểm chung là làm thay đổi được chất lượng đội ngũ, tức con người. Chúng ta cần cương quyết, tiếp tục mở đường, loại bỏ những rào cản để tự chủ đại học được tiến hành.

Theo Bộ trưởng, kiểm định là công cụ quản lý Nhà nước về tự chủ. Nếu một trong hai hệ thống "lệch pha" nhau là tự chủ có vấn đề. Bộ sẽ rà soát lại các văn bản quy định để tháo gỡ các khó khăn, kiến nghị các cơ quan khác để cùng nghe, cùng thấu hiểu.

Sắp tới, Bộ sẽ ban hành nhóm thông tư về kiểm định. Vụ Giáo dục Đại học dự kiến sẽ ban hành sổ tay tự chủ đại học. Ngoài ra, phải tổ chức tập huấn về tự chủ đại học, tăng cường phổ biến pháp luật trong tự chủ đại học.

Bộ trưởng nhìn nhận, giáo dục đại học cần đổi mới rất nhiều chứ không phải mỗi tự chủ đại học. Trách nhiệm của Bộ sẽ phải điều tiết, thể hiện đúng vai trò quản lý Nhà nước để giải quyết các khó khăn. "Thời gian tới, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn tự chủ tốt hơn, các hiệu trưởng sẽ bớt băn khoăn và các trường sẽ đạt được nhiều kết quả mới", Bộ trưởng cho hay.