Phụ huynh “đau đầu” với tiền trường đầu năm

(Dân trí) - Đến hẹn lại lên, đầu năm học phụ huynh lại được thông báo đóng đủ thứ khoản chi phí ngoài quy định. Dù xã hội đã lên tiếng nhiều nhưng "căn bệnh" lạm thu dường nhưng vẫn chưa chấm dứt.

Trường “làng” cũng thu cả triệu đồng/tháng

Thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) ở sát TPHCM nên cũng không chịu thua kém ở các khoản thu đầu năm. Đầu tháng 9, nhiều phụ huynh học sinh của Trường tiểu học Đông An (Dĩ An) hoảng hồn khi nhà trường phát phiếu thông báo thu tiền ăn bán trú và thu tiền học buổi chiều cho con với số tiền lên đến cả triệu đồng. Trong khi tại đây phần lớn phụ huynh là công nhân, người lao động với mức sống chưa cao. Trong khoản thu được thông báo, ngoài những khoản có phần hợp lý thì có nhiều khoản rất lạ. Chẳng hạn thông báo gửi phụ huynh ghi rõ tiền ăn tháng 8+9 là 540.000 đồng đối với lớp 1, các lớp khác (từ lớp 2 đến lớp 5) là 570.000 đồng. Dù đã có khoản tiền học chiều là 150.000 đồng nhưng phụ huynh sẽ phải đóng thêm khoản tiền Quản lý trưa là 150.000 đồng. Đã thu tiền ăn nhưng trường cũng thu thêm khoản dụng cụ vệ sinh cá nhân, chất đốt là 68.000 đồng; cấp dưỡng phụ vụ là 68.000 đồng; tiền vệ sinh: 15.000đ. Như vậy, tổng tiền phụ huynh phải đóng là 991.000 đồng đối với lớp 1; còn các khối lơp còn lại sẽ phải đóng đến 1.021.000đ. Anh T., một phụ huynh cho biết “ Không rõ Bộ GD quy định hay do nhà trường tự ban hành mà lại có kiểu thu khó hiểu như vậy”. Anh T. chỉ là một trong nhiều phụ huynh rất bức xúc trước vấn đề này.

Thông báo thu tiền gây choáng cho phụ huynh trường tiểu học “làng”
Thông báo thu tiền gây choáng cho phụ huynh trường tiểu học “làng”.

Còn ở TPHCM, sau những buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm, phụ huynh cũng “kêu trời” với việc phải đóng tiền cho con. Một phụ huynh có con vào học lớp 1 Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q. Thủ Đức) cũng gửi đơn phản ánh rằng “vừa qua, khi họp phụ huynh thì cô chủ nhiệm đưa ra gợi ý đóng góp rất nhiều khoản: Sơn sửa lớp học, mua đèn, quạt, tivi… để phục vụ học hành cho các em. Mặc dù nói là tự nguyện nhưng thực sự là bắt buộc. Qua tìm hiểu tôi thấy lớp nào trong khối lớp 1 cũng đóng số tiền như vậy. Tôi không nghĩ đây là khoản tự nguyện do phụ huynh đặt ra. Thử hỏi mới ngày đầu đi họp, chưa họp chưa thống nhất thì làm sao có mức thu như vậy? và mức thu của các lớp trong cùng khối là như nhau? Có chăng đây là sự sắp đặt từ trước của nhà trường nhưng cứ núp dưới bóng phụ huynh và tự nguyện. Số tiền đóng góp gần 1 triệu đồng/học sinh sẽ đi đâu? Khi mà hiện nay bóng đèn, quạt, bàn ghế,… vẫn sử dụng tốt. Hay nhà trường sẽ bỏ toàn bộ vật chất này để làm mới?”.

“Trong lúc kinh tế khó khăn, chúng tôi phải tính từng đồng khi chi tiêu thế nhưng nhà trường bắt đóng góp sau đó không hoặc gần như không sử dụng, sau vài năm mang bán ve chai! Năm ngoái nghe chuyện lùm xùm tôi đã không muốn cho con học ở trường này nhưng vì tuyến nên tôi không còn cách nào khác”, vị phụ huynh này bức xúc.

Anh C, một phụ huynh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (Q.Tân Bình) phản ánh rằng: con anh vừa mới vào lớp 1 và học lớp tiếng Anh tăng cường, đầu năm đã phải mua 2 cuốn sách tiếng Anh hết 300.000đ, mới đây nhà trường lại yêu cầu mua thêm 3 cuốn sách nữa. Bé từ mầm non qua lớp 1 sức học còn yếu trong khi đến học kỳ 2 mới chính thức học tiếng Anh nhưng không hiểu sao nhà trường đã bắt mua sách từ bây giờ. Ngoài ra, đầu năm trường cũng thông báo đóng tạm ứng khoảng 1 triệu đồng.

Có ngăn được lạm thu?

Đa phần những phản ánh của phụ huynh về việc lạm thu đều bị các trường dửng dưng và không phản hồi. Như với Trường tiểu học Đông An (Dĩ An), chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo nhà trường nhưng phía trường cho biết lãnh đạo trường bận đi họp. Chúng tôi nhờ một giáo viên liên lạc qua điện thoại gặp ông Nguyễn Hữu Tài, hiệu trưởng trường thì ông Tài từ chối gặp và yêu cầu phải có ý kiến của phòng GD-ĐT thị xã Dĩ An. Chúng tôi gửi câu hỏi lại cho phía lãnh đạo trường nhưng đến giờ đã hơn mười ngày nhưng nhà trường vẫn lờ đi.

Thông báo thu tiền gây choáng cho phụ huynh trường tiểu học “làng”
Đầu năm ngoài lo các khoản sách vở, quần áo cho con, phụ huynh còn "đau đầu" với các khoản thu khác. (Ảnh minh họa)

Tương tự, khi xuống tìm hiểu ở Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q. Thủ Đức) thì bảo vệ trường cho biết Ban giám hiệu trường đi họp. Dù chúng tôi gửi câu hỏi lại nhưng Ban giám hiệu trường cũng không phản hồi.

May mắn hơn là ở Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (Q. Tân Bình), ông Phạm Trí Đức, phó hiệu trưởng nhà trường lắng nghe và giải đáp thắc mắc của phụ huynh.  Theo ông Đức lý giải thì việc mua hay bộ sách tiếng Anh là vì dù đến học kỳ 2 mới học chương trình chính thức nhưng giáo viên tiếng anh tăng cường cũng là giáo viên biên chế và vẫn phải lên lớp. Ở học kỳ 1, giáo viên lên lớp tổ chức cho học sinh làm quen với môn học thông qua hình thức cho các em tham gia trò chơi, hát…”. Còn về phần tiền tạm ứng thì nhà trường có tổ chức bán trú như mọi năm, phụ huynh sẽ đóng tạm ứng để nhà trường mua thức ăn, thiết bị phục vụ. Tuy nhiên, vì năm nay thành phố có quy định mới về thu, Phòng GD-ĐT quận chỉ đạo chờ thống nhất chung trong quận mới được thu. Do đó ngày 19/8 trường có thông báo thu tạm ứng nhưng ngày 20/8 chúng tôi đã thông báo ngừng thu tạm ứng.

Trước thông báo thu tiền của các trường, nhiều phụ huynh cho rằng “mặc dù không muốn đóng góp nhưng cũng không dám lên tiếng vì sợ con mình bị ảnh hưởng sau này”. Rất nhiều phụ huynh đều có cùng tâm trạng “đóng thì ấm ức mà không đóng thì sợ con mình khổ”. Có lẽ chính vì vậy mà tình trạng lạm thu dường như trở thành bài toán khó giải.
 

Để tránh tình trạng lạm thu đầu năm học, mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM đã ban hành văn bản về khung quy định các khoản thu theo thỏa thuận để các trường thực hiện. Theo đó, trên cơ sở khung thu theo quy định các khoản thỏa thuận, các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế: có tổ chức bếp nấu (hoặc hợp đồng suất ăn), nhu cầu trang bị vật dụng phục vụ bán trú cho cá nhân học sinh (hoặc dùng chung lớp, dùng chung trường)… để xây dựng dự toán chi làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể. Ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở GD-DT TPHCM cũng nhấn mạnh rằng: “Các khoản thu này phải được thống nhất với phụ huynh trước khi thực hiện và khi thu phải cấp biên lai thu tiền cho từng học sinh đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định”.

 
Lê Phương