Ông chủ gara ôtô và đôi mắt khiếm thị

(Dân trí) - Từ một người bình thường trở thành khiếm thị, những tưởng tất cả đã chấm hết, nhưng anh Trần Quảng Thanh đã vươn lên, trở thành một thợ sửa ôtô có tiếng trong thị xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Chẳng những tạo được việc làm cho bản thân, anh Thanh còn đào tạo nghề cho khá nhiều người.

Tai nạn nghề nghiệp

 

Anh Thanh sinh năm 1974, trông anh trẻ hơn rất nhiều so với tuổi. Tiếp chuyện chúng tôi, anh ngậm ngùi kể lại quãng đời quá khứ đầy biến động của mình. Bố anh, ông Trần Văn Thân nguyên là giáo viên trường Cao đẳng Giao thông. Ông Thân là bậc thầy cao tay được nhiều người biết đến trong nghề sửa chữa ôtô. Vì thế, anh Thanh theo nghề bố, sửa chữa ôtô từ khi mới 15-16 tuổi.

 

Giọng anh Thanh trầm xuống: “Tôi bị tai nạn mắt vào tháng 2 năm 1998. Trong lúc tiện một chi tiết máy, mạt sắt đã bay vào mắt trái”. Mới đầu, chỉ là đau mắt như những người bình thường. Sau thấy mắt càng đau hơn, anh biết không ổn. Thị lực ngày càng giảm. Anh Thanh được chuyển xuống Viện Mắt trung ương ở Hà Nội. Tại đây, bác sĩ  đã mổ cho anh tới 4-5 lần, điều trị liên tục trong thời gian 6 tháng. Người ta nói, anh bị nhãn viên giao cảm. “Nhanh lắm- anh Thanh nói- tối nay còn đi được xe máy, sáng mai mở mắt ra đã không còn thấy đường. Vết đau từ mắt trái lây sang mắt phải”. Cuối cùng, để đảm bảo sức khỏe, bác sĩ viện Mắt Trung ương đã phải khoét đi cả 2 mắt. Anh Thanh trở nên mù lòa, tàn tật từ đó.

 

Mẹ anh- bà Nguyễn Thị Phúc- rưng rưng nước mắt: “Lúc ấy nó chỉ muốn chết, khổ lắm anh ạ. Tôi suốt ngày phải khuyên can và trông nom nó, chỉ sợ nó tự tử thì tôi cũng chẳng thiết sống nữa”.

 

Nhưng rồi nhờ thời gian, tất cả cũng dần nguôi ngoai. Từ khi bị mù, anh Thanh trở thành đối tượng đặc biệt đáng chú ý của những người thân và bạn bè thân hữu. Xung quanh anh luôn có những lời lẽ ân cần, sự chăm sóc chu đáo của người thân. “Tôi gượng dậy được là vì thế - anh Thanh nói- đến khi mù tôi mới thấm thía được hết tình cảm, tình yêu thương giữa người với người. Tôi được sống trong vòng tay của gia đình, bạn bè. Họ càng quan tâm, tôi thấy mình càng phải sống”.

 

Ông chủ gara ôtô và đôi mắt khiếm thị - 1
 

Hạnh phúc đã trở lại với gia đình anh Thanh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gara ôtô của anh Thanh ở số nhà 15, phường Hội Hợp, thị xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Tại gara, lúc cao điểm có đến 10 thợ, thu nhập bình quân của mỗi người tối thiểu là 1.000.000đ/tháng.

Sửa ôtô với biệt tài nghe tiếng máy

 

Sau hai năm sống trong cảnh mù loà tăm tối, anh Thanh trở nên hoạt bát, vui vẻ hơn. Anh bắt đầu quay lại nghề sửa ôtô. Nghề sửa chữa ôtô rất phức tạp, đòi hỏi người thợ không những phải khoẻ mạnh mà phải nhạy bén, sáng dạ. Nghề này đối với người sáng mắt làm đã khó, huống chi người mù như anh.

 

Nhưng nhờ may mắn có được nền tảng sửa chữa xe từ trước, nên anh đã sớm bắt tay ngay được vào công việc. Từ khi mất đi đôi mắt, tất cả chỉ còn trông chờ vào đôi tai. Bệnh ôtô rất phức tạp. Một bệnh có thể từ rất nhiều nguyên nhân. Người thợ phải tìm ra được tận gốc nguyên nhân. Lúc đầu, việc sửa chữa không hề đơn giản. Tất cả đều phải hình dung bằng trí óc. “Tôi có nhìn được nữa đâu. Mọi thứ đều phán đoán bằng đôi tai cũng như kinh nghiệm. Nếu xe hỏng, tiếng kêu khác thường. Dựa vào tiếng máy mà mình phán đoán. Chẳng hạn như khi nổ máy, tiếng rú, tiếng réo của xe hỏng chắc chắn sẽ khác. Từ đó, tôi phán đoán được xe đang trục trặc ở hộp số, cầu xe, côn xe... Nghe thì có vẻ vô lý, nhưng nếu khách không để ý, sẽ không biết tôi mù vì tôi thao tác rất nhuần nhuyễn trên những chiếc máy”. Và sự thật là anh sửa xe rất có tiếng ở thị xã Vĩnh Yên. Nhiều người từ Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Bãi Bằng đã trở thành khách quen của anh…

 

Từ tháng 3/2002 anh vào Hội khiếm thị của thị xã. Đến đầu năm 2003 anh được bầu làm Phó chủ tịch Hội. Tại đây, anh được sinh hoạt trong cộng đồng những người đồng cảnh ngộ. Nhịp sống đã trở lại bình thường. Anh lấy vợ, sinh con. Chúng tôi ngồi, nhìn anh đùa giỡn với đứa bé, bỗng thấy xúc động khôn tả.

 

Án Văn Long