Tiền Giang:

Nữ sinh nghèo và nỗi lo giấc mơ giảng đường sắp vụt tắt

(Dân trí) - Hiền lành, chăm học... là nhận xét của thầy cô Trường THPT Lưu Tấn Phát (huyện Cai Lậy) về nữ sinh nghèo Lê Thị Lành. Thi đỗ ngành Quản lý đất đai Trường ĐH Cần Thơ, Lành đang lo không biết có theo học được không?

Ăn sáng bằng khoai mì

Sau khi bài viết được đăng trên báo điện tử Dân trí, đông đảo độc giả gửi bình luận ngỏ ý muốn động viên em Lê Thị Lành (địa chỉ: ấp Mỹ Lương, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Chúng tôi xin đăng số điện thoại của em Lành để độc giá có thể chia sẻ với em. Số điện thoại: 0167 400 3821

Ở cái xóm nhỏ này, ai cũng biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình Lành. Nhà chỉ có hơn một công đất vườn tạp nhưng chưa có thu nhập gì vì đang trong giai đoạn cải tạo. Cha em là ông Lê Sơn, bộ đội phục viên. Sau khi xuất ngũ, ông Sơn mang căn bệnh sốt rét, sức khỏe suy yếu, đau bệnh liên miên nên không lao động nặng được. Nhưng khi nào khỏe, ông vẫn gắng đi làm thuê, kiếm ít tiền trang trải chi phí cho cả nhà. Còn bà Đào Thị Hạnh - mẹ em Lành ở nhà cạo hột điều, lột nhãn sấy và ai thuê gì làm đấy, bởi thế dù hai ông bà cố gắng nhưng cuộc sống của gia đình vẫn cứ rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau…

Có đến thăm nhà của Lành, chúng tôi mới cảm nhận được hết sự khó khăn và và nghị lực vượt khó của cô học trò nghèo. Căn nhà nhỏ tuềnh toàng, trống trước hở sau chẳng có gì đáng giá ngoài cái bàn nhỏ vừa là chỗ tiếp khách và là nơi học bài của chị em Lành. Căn nhà này chỉ có cái nóc lợp bằng tôn là lành lặn. Những tấm tôn này là tôn cũ do một ngôi chùa gần nhà khi xây dựng mới cho lại và ba Lành đã dùng lợp lại mái nhà lá dột nát.

Khi chúng tôi đến nhà, thấy Lành đang ngồi cần mẫn cạo vỏ hạt điều. Lành cho biết mỗi kg hạt điều, em được trả tiền công là 5.000 đồng. Mỗi ngày, cả em và mẹ cạo được khoảng 3kg, kiếm được 15.000 đồng. Công việc này tuy không nặng nhọc nhưng cần phải có thời gian, sự tỉ mỉ khéo léo, nếu không dễ bị dao cắt đứt tay. Nhìn đôi bàn tay đen nhẻm vì mủ hạt điều và những ngón tay quấn băng keo cá nhân của Lành để đỡ đau khi bị dao nhọn cắt phải, chúng tôi không khỏi chạnh lòng và càng khâm phục ý chí vượt khó của em.

Nữ sinh nghèo và nỗi lo giấc mơ giảng đường sắp vụt tắt
Nhìn căn nhà rách bươm của gia đình em Lành, chúng tôi thấu hiểu sự khó khăn của em lúc này là thế nào.

Thấu hiểu được hoàn cảnh của gia đình, thương cha mẹ vất vả, Lành rất chăm chỉ học tập. Hàng ngày, ngoài thời gian học trên lớp, Lành phụ mẹ lột nhãn sấy, cạo vỏ hột điều lấy chút tiền công mong đỡ đần cho ba mẹ trong gánh nặng mưu sinh. Đến khi rảnh, lại thay mẹ xắt chuối cây, băm nhuyễn trộn cám làm thức ăn cho gà, vịt và dọn dẹp nhà cửa… Tối đến, Lành mới có thời gian ngồi vào bàn học bài và chỉ bảo em trai học. Những khi tổ hợp cần hàng gấp, em phải thức đến 11 giờ đêm để cạo hạt điều kịp giao hàng cho chủ… Buổi sáng, em dậy sớm, phụ giúp mẹ việc nhà rồi mới vội vã đạp xe đến trường.

Bà Hạnh - mẹ của Lành tâm sự: “Năm cháu Lành học cuối cấp, bài vở nhiều nhưng thấy tôi vất vả, cực nhọc, ba thường hay bị bệnh, nên tối đến Lành đành gác lại việc học để giúp tôi. Đến khuya, cháu nó mới ngồi vào bàn học bài. Lo cho con thức khuya sinh bệnh nên khuyên nó ngủ sớm, nhưng nó vẫn cắm cúi học. Nhà nghèo, nên tụi tui đâu có tiền mà mua đồ tẩm bổ, nên tôi nấu khoai mì, hay ly sữa đậu nành cho con ăn để có sức khỏe mà thôi.
 
Bà Hạnh kể: “Mỗi ngày đến trường trong cặp của Lành vỏn vẹn chỉ có 10.000 đồng để trả tiền gửi xe và phòng khi xe đạp bị hư thì sửa, không có tiền ăn sáng. Hủ tiếu, phở là những món xa xỉ đối với Lành. Bữa sáng của em là chén cơm nguội, hay củ khoai mì ăn vội nhưng thường thì Lành phải nhịn ăn sáng để đến trường.

Có bữa, thấy con đi học về mặt mày xanh lét vì đói và mệt, vợ chồng tôi như đứt từng đoạn ruột… Bữa nào ở trường học 2 buổi, đâu có tiền đâu mà vào căng tin trường mà ăn cơm, nó cũng đạp xe về nhà ăn cơm rồi mới trở ra học tiếp…".

Những nỗ lực của Lành đã được đền bù xứng đáng khi 12 năm học vừa qua, em luôn được xếp loại học sinh giỏi toàn diện. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Lành đạt được 51 điểm. Trong kì thi đại học qua, em thi 2 khối thi A và B. Kết quả, em đỗ khối A, ngành Quản lý đất đai Trường ĐH Cần Thơ với 21 điểm.

Em trai xin nghỉ đi làm công nhân để lo cho chị đi học

Cầm giấy báo trúng tuyển ĐH của Lành, ba mẹ em rưng rưng nước mắt vì nỗi mừng vui. Nhưng lòng lại canh cánh một nỗi niềm lo lắng, trăn trở khôn nguôi khi nghĩ đến tương lai sắp tới… Nhà nghèo, để có một khoản tiền lớn để đóng học phí, tiền sách vở, tiền thuê nhà trọ, tiền ăn và hàng trăm thứ khác để cho Lành được bước chân vào giảng đường đại học thật vất vả.

Lành tâm sự: “Biết hoàn cảnh của gia đình nên khi làm hồ sơ đăng kí thi đại học, em không dám đăng kí vào các trường ở Sài Gòn vì em nghe nói chi phí sinh hoạt ở trên đó rất đắt đỏ, nên em chỉ đăng kí ở Cần Thơ. Nay đã có kết quả rồi nhưng khi thấy ba mẹ quá lo lắng, em buồn lắm! Biết mình có đủ điều kiện để tiếp tục việc học không? Thấy thế, đứa em trai của em xin ba mẹ cho nó nghỉ học, đi làm phụ hồ kiếm tiền nuôi chị đi học. Em ấy bảo Chị hai học giỏi, đậu đại học rồi nếu chị nghỉ học ở nhà, rồi mai mốt đi lấy chồng, nhà nghèo lại tiếp tục khổ nữa. Con là con trai, mai mốt chị hai học ra trường, có việc làm rồi thì con đăng kí học bổ túc sau… Nghe em trai nói thế, em buồn và khóc nhiều lắm… Cứ suy nghĩ mãi chẳng nhẽ mình ích kỉ chỉ nghĩ đến bản thân mình?".

Nữ sinh nghèo và nỗi lo giấc mơ giảng đường sắp vụt tắt
Hàng ngày, ngoài thời gian học trên lớp, Lành phụ mẹ lột nhãn sấy, cạo vỏ hột điều... lấy chút tiền công mong đỡ đần cho ba mẹ trong gánh nặng mưu sinh.

Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Lành cho biết: "Điều cần nhất để học tốt là phải có kiến thức căn bản. Những kiến thức này đã được thầy cô cung cấp, chỉ dẫn rất tận tình. Học bài học nào cũng cần xoáy vào trọng tâm và thường xuyên giải bài tập thì kiến thức mới được khắc sâu". Theo Lành, thời gian quan trọng nhất để tiếp thu kiến thức là các giờ học trên lớp, lúc ấy thầy cô truyền đạt nội dung trọng tâm, hướng dẫn phương pháp học. Nếu tập trung thì mình nắm bắt ngay được. Có gì chưa tỏ nên mạnh dạn nhờ thầy cô giải đáp lại. Sau đó thì về xem bài lại, áp dụng và giải bài tập thì kết quả sẽ cao hơn.

Không chỉ học giỏi, Lành còn là một lớp trưởng nhiệt tình năng nổ, có trách niệm, được bạn bè yêu mến. Nhắc đến Lành, thầy Nguyễn Thanh Tân - giáo viên chủ nhiệm em 3 năm THPT cho biết: “Lành là một học sinh chăm chỉ, cần cù. Gia cảnh gặp khó khăn nhưng em vẫn nỗ lực vượt khó để học tốt và đậu đại học. Chỉ mong em có đủ điều kiện để bước vào giảng đường đại học, thực hiện ước mơ của mình…”.

Lê Thị Lành, cái tên cũng giống như tính cách của con người em: siêng năng, hiền lành, chân thật. Ước mơ của em cũng thật giản dị: Sống ở nông thôn,  em thấy bà con nông dân ở đây chủ yếu sống dựa việc làm vườn và làm ruộng. Đất đai có nhưng chưa biết cách quản lí hay canh tác có hiệu quả nên cuộc sống vẫn cứ nghèo khó. Em đăng kí thi vào ngành Quản lí đất đai với mong muốn có điều kiện học tập để có thể nghiên cứu, tìm ra con đường để giúp bà con mình sử dụng đất đai có hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới và để em cũng có công việc ổn định để giúp gia đình… Nhưng ước mơ đó của Lành có trở thành hiện thực khi mà hiện tại đường đến giảng đường của em còn lắm chông chênh và thử thách?

Diệu Hiếu - Nguyễn Hành

Dòng sự kiện: Tân sinh viên khó khăn