Những thay đổi mới nhất về đề thi lớp 10 ở TPHCM

Hoài Nam

(Dân trí) - Tuy vẫn giữ nguyên cấu trúc như đã công bố nhưng đề thi kỳ tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM sẽ có điều chỉnh giảm bớt các câu hỏi phân hóa, câu hỏi khó.

Giảm câu hỏi khó

Chỉ còn hơn một tuần nữa, kỳ thi lớp 10 của TPHCM sẽ chính thức diễn ra, tức ngày 2 - 3/6/2021. 

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, năm nay thành phố có gần 99.600 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong đó, có 83.324 thí sinh đăng ký tham dự kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập với chỉ tiêu gần 68.000 thí sinh.

Như vậy, có chưa đến 16.000 thí sinh rớt khỏi kỳ tuyển sinh, con số thấp hơn rất nhiều so với nhiều năm trở lại đây. 

Những thay đổi mới nhất về đề thi lớp 10 ở TPHCM - 1

Đề thi lớp 10 năm nay của TPHCM sẽ giảm số lượng câu hỏi khó, tăng câu hỏi cơ bản

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, đề thi kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay vẫn giữ nguyên cấu trúc đã công bố từ đầu năm.

Tuy nhiên, về ma trận đề, số lượng các câu hỏi phân hóa, câu hỏi khó ở cả 3 môn thi tuyển sinh sẽ được giảm bớt, các câu hỏi ở mức độ cơ bản, thông hiểu và nhận biết sẽ tăng lên. Cho dù như vậy vẫn sẽ đảm bảo mức độ phân hóa để thực hiện tốt công tác tuyển sinh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, đề thi vẫn sẽ ra theo hướng vận dụng, đưa các kiến thức sách vở vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, học sinh cần trách học vẹt, học tủ. 

Điều này đòi hỏi khi ôn tập, học sinh và giáo viên cần bám sát vào chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, học sinh nắm thật chắc các kiến thức cơ bản ở chương trình THCS, nhất là ở bậc lớp 9, ôn tập theo hướng vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề liên quan thực tiễn. 

Tăng thời gian và câu hỏi của bài thi Ngoại ngữ

Một điểm mới nhất năm nay trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của TPHCM là môn Ngoại ngữ được "nâng hạng" khi tất cả 3 môn thi Toán, Văn, Ngoại ngữ đều tính hệ số 1. 

Ngoài ra, đề thi môn Ngoại ngữ năm nay tăng thời gian làm bài lên 90 phút so với 60 phút như trước. Được biết, số lượng câu hỏi sẽ tăng lên 40 câu thay cho 36 câu như trước. 

Đối với môn Văn, ông Trần Tiến Thành, chuyên viên phụ trách môn Ngữ văn, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, đề thi sẽ có 3 phần yêu cầu gồm đọc - hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. 

Văn bản được chọn cho phần đọc - hiểu có thể là văn bản thông tin, nghị luận xã hội, khoa học... câu hỏi theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó; từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. 

Các câu hỏi có thể yêu cầu phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh hay câu hỏi nêu nội dung văn bản; câu hỏi yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới... 

Tiếp theo, đề thi sẽ yêu cầu thí sinh viết bài văn nghị luận xã hội có độ dài khoảng 500 chữ. 

Ông Thành lưu ý, khi làm bài, thí sinh cần đảm bảo cấu trúc bài nghị luận xã hội, vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm, nhất là các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận. Khi bàn luận, đừng quên rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính bản thân. 

Riêng phần bài nghị luận văn học có 2 đề, thí sinh có thể lựa chọn đề để làm bài. 

Trong đó, đề 1 sẽ là phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, truyện trong chương trình. Từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, mở rộng liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến... Đề số 2 cách hỏi sẽ mới hơn, gợi mở hơn.

Trong chỉ thị về công tác tổ chức các kỳ thi của UBND TP HCM, tất cả cán bộ, giáo viên làm công tác các kỳ thi sẽ được thực hiện xét nghiệm sáng lọc Covid-19.

Cụ thể, UBND TPHCM giao Sở Y tế TPHCM phối hợp chặt chẽ với ngành GD&ĐT sàng lọc, cung cấp và cập nhật danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi và thí sinh (lớp 9, 12) thuộc các diện F0, F1, F2.