Những sinh viên trường nghề tỏa sáng từ trong nước ra thế giới năm 2022

Quang Trường

(Dân trí) - Năm 2022, hệ thống giáo dục nghề nghiệp chứng kiến và vinh danh nhiều sinh viên trường nghề xuất sắc, tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, thủ công…

Gần 3 năm luyện tập để giành huy chương Bạc kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới

Tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới phiên bản đặc biệt năm 2022, bạn Nguyễn Xuân Thái (23 tuổi) thi nghề Tiện CNC là một trong hai thí sinh xuất sắc giành huy chương Bạc.

Nguyễn Xuân Thái là thí sinh được đào tạo bởi một công ty chế xuất, chuyên cung cấp linh kiện ô tô trên toàn thế giới.

Công ty này có truyền thống tham gia các kỳ thi kỹ năng nghề thế giới. Một lần, công ty đến trường tuyển dụng sinh viên ưu tú tham gia chương trình đào tạo thi tay nghề thế giới năm 2022. Thái đã vượt qua 5 vòng loại với hàng trăm ứng viên từ nhiều trường đại học để được lựa chọn. Cậu sinh viên năm 3 khi đó được hưởng mọi chế độ như một nhân viên chính thức để luyện tập cho kỳ thi tay nghề thế giới.

Ban đầu, kỳ thi dự kiến được tổ chức vào năm 2021 nhưng bị lùi một năm do dịch bệnh. Cậu đã phải bảo lưu một năm kết quả học đại học để tiếp tục ôn tập cho kỳ thi.

Những sinh viên trường nghề tỏa sáng từ trong nước ra thế giới năm 2022 - 1
Nguyễn Xuân Thái trong lúc làm bài thi (Ảnh: NVCC).

Suốt 6 tháng trước khi thi, Thái tự tin vì đã được thực hành trên chiếc máy gần như tương đồng với model máy sử dụng trong kỳ thi. Tuy nhiên, sự cố máy hỏng đã xảy ra vào bài thi thứ 2 của Thái. Cậu phải dùng máy dự phòng mà chưa từng được thử trước nên không nắm được các thông số cần thiết.

"Vì vậy, kết quả bài thi thứ 2 không được như mong muốn, nhưng em đã gạt nó ra khỏi suy nghĩ. Em tập trung hết sức để làm tốt nhất bài thi cuối cùng. May mắn là em đã làm tốt và kết quả là tấm huy chương Bạc quý giá", Thái chia sẻ.

Thái cho biết, phương pháp học của cậu là nắm bắt tối đa kiến thức mà thầy cô truyền đạt. Cậu thường xuyên học thêm kiến thức trên mạng, xem nhiều video về máy móc và kỹ thuật.

Thái cho rằng, yêu cầu khó nhất của môn Tiện CNC là phải đọc được bản vẽ, thiết lập công đoạn gia công phù hợp, lựa chọn dụng cụ, chế độ cắt hợp lý để gia công đạt độ chính xác cao nhất.

Ngoài ra, Tiện CNC còn đòi hỏi thí sinh phải có sự tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ nhất, có tư duy hình học, sắp xếp thứ tự công đoạn hợp lý nhằm giảm thời gian gia công mà vẫn đảm bảo độ chính xác.

Ứng dụng bản đồ của sinh viên trường nghề gọi vốn được hơn 2 tỷ đồng

Khi vào bệnh viện, mở bản đồ lên, người dùng sẽ được ứng dụng chỉ đường đến từng khoa, phòng. Ứng dụng của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Viễn Đông được doanh nghiệp đầu tư 2 tỷ đồng để phát triển.

Dự án "Ứng dụng định vị sơ đồ vị trí, có hiển thị bản đồ tương tác (DefiMaps)" do 5 sinh viên năm 3, Trường Cao đẳng Viễn Đông thực hiện. Đó là các em Trần Minh Tân (trưởng nhóm), Phạm Ngọc Thông, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Nhật Tiến và Phạm Hoàng Nhã Thy.

Những sinh viên trường nghề tỏa sáng từ trong nước ra thế giới năm 2022 - 2
DefiMaps đạt giải Nhì cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite năm 2022 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) tổ chức (Ảnh: Tùng Nguyên).

Chia sẻ về DefiMaps, Trần Minh Tân (sinh viên năm 3 khoa Công nghệ thông tin Trường Cao đẳng Viễn Đông) cho biết, ứng dụng này tương tự như Google Maps nhưng chức năng chủ yếu là định vị người dùng tại các địa điểm công cộng.

Ví dụ như đến bệnh viện Chợ Rẫy, mở ứng dụng DefiMaps lên, người dùng có thể xác định mình đang đứng ở vị trí nào của bệnh viện. Ứng dụng cung cấp sơ đồ khuôn viên bệnh viện, sơ đồ nhiều lớp các tầng nhà bệnh viện có những khoa, phòng nào. Thậm chí, người dùng có thể tìm kiếm vị trí cụ thể như phòng siêu âm, ứng dụng sẽ hướng dẫn người dùng đi như thế nào để đến địa điểm trên.

DefiMaps có độ chính xác còn cao hơn Google Maps. Vì Google Maps định vị sai số từ 20-30m, nhưng DefiMaps sai số chỉ 5-6m. Thậm chí, nếu các địa điểm công cộng có lắp đặt thiết bị kích sóng thì DefiMaps định vị chỉ có sai số 1-2m.

Thấy được tiềm năng thương mại hóa của DefiMaps, hiện đã có một doanh nghiệp đầu tư 2 tỷ đồng, một cá nhân đầu tư 200 triệu đồng để góp vốn phát triển ứng dụng, đưa ứng dụng vào cuộc sống và khai thác thương mại.

Theo Phạm Ngọc Thông, khi có đầu tư, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành các bước đăng ký bản quyền, phát triển tính năng, xây dựng cơ sở để thương mại hóa. Đầu tiên, dự án sẽ thành lập các nhóm làm việc như đội kỹ thuật gia công tính năng ứng dụng, thiết lập hệ thống lưu trữ, xây dựng nền tảng dữ liệu, quảng bá ứng dụng, đội thương mại…

Nữ sinh miền Tây phải lòng môn nghệ thuật "báu vật đất phương Nam"

Mai Thị Tú Hảo - sinh viên giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu năm 2022 là một trong số ít Gen Z theo đuổi đờn ca tài tử, loại hình nghệ thuật được coi là "báu vật đất phương Nam".

Tháng 8 vừa qua, Tú Hảo đã tốt nghiệp lớp Diễn viên Sân khấu Kịch hát - Khoa Sân khấu, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, nhận bằng Giỏi. Đặc biệt, cô còn là chủ nhân của tấm Huy chương Vàng (HCV) Festival Đờn ca tài tử cấp Quốc gia năm 2022.

Tú Hảo quê ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Cô gái sinh năm 2000 cho biết, ở quê ai cũng biết hát, dùng đờn ca tài tử và cải lương để sinh hoạt vào cuối tuần. Tuy nhiên, ngoài Tú Hảo, lớp trẻ quê hương không để tâm đến các loại hình nghệ thuật này.

Những sinh viên trường nghề tỏa sáng từ trong nước ra thế giới năm 2022 - 3
Tú Hảo trong một vở diễn (Ảnh: NVCC).

Năm lên 7 tuổi, Tú Hảo đã được ông nội là một nhạc công truyền nghề và tình yêu với đờn ca tài tử. Năm 11 tuổi, Tú Hảo đã giành giải Nhất cuộc thi Đờn ca tài tử 6 tỉnh thành khu vực phía Nam. Sau cuộc thi, cô bé đã được Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Vĩnh Long nhận làm cộng tác viên, đưa đi giao lưu khắp các tỉnh.

Tốt nghiệp THPT, Tú Hảo quyết định chọn ngành Sư phạm Âm nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. Mục tiêu của cô khi ấy không phải dạy ở một trường đại học, cao đẳng danh giá mà là về địa phương dạy. Hảo muốn truyền tình yêu âm nhạc đến các em nhỏ ở quê vốn ít được tiếp xúc với âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, sau đó, nữ sinh rẽ sang chuyên ngành Diễn viên Sân khấu Kịch hát vì nhớ sân khấu.

Khi là sinh viên năm 2, Tú Hảo đã được làm diễn viên chính thức tại Trung tâm VHNT tỉnh Vĩnh Long.

Những thành tích nổi bật của Tú Hảo:

- HCV Festival Đờn ca tài tử cấp Quốc gia năm 2022 do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL tổ chức.

- Giải Nhất tiết mục tại Liên hoan Văn nghệ quần chúng "60 năm sáng mãi trang sử vàng" lực lượng Cảnh sát nhân dân năm 2022.

- Giải Nhất tại Hội thi Tuyên truyền giới thiệu sách do BCH Đoàn TNCSHCM Khối Cơ quan dân chính Đảng TP Cần Thơ tổ chức.

- Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cấp Thành phố năm 2021.

- HCV Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử.

Nam sinh dân tộc Sán Chỉ theo đuổi đam mê thiết kế và gia công đồ gỗ

Hoàng Văn Quyết, 23 tuổi, sinh ra trong gia đình dân tộc Sán Chỉ, sống tại tỉnh Lạng Sơn. Ngay từ những năm cấp ba, Quyết đã mong muốn trở thành thợ thủ công làm đồ gỗ. Một mình một hướng đi đặc biệt so với các bạn bè cùng trang lứa.

Vì vậy, bên cạnh việc học chương trình phổ thông, Quyết học thêm lớp đào tạo chế biến gỗ nhằm tích lũy kinh nghiệm và mong sớm có việc làm ngay từ khi 15 tuổi.

Những sinh viên trường nghề tỏa sáng từ trong nước ra thế giới năm 2022 - 4
Hoàng Văn Quyết được vinh danh là một trong 100 học sinh - sinh viên giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu năm 2022 (Ảnh: NVCC).

Hiện tại, chàng trai dân tộc Sán Chỉ đang theo học khoa Chế biến gỗ tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc.

Quyết cho biết, bên cạnh đam mê với nghề, em còn muốn tận dụng lợi thế của quê hương là địa hình đồi núi có nhiều rừng cây và gỗ là nguyên liệu có sẵn. Nam sinh quyết tâm học lên cao đẳng để nâng cao tay nghề với mong muốn có việc làm tốt trong tương lai.

Với quyết định này, Quyết bị bố phản đối vì gia cảnh khó khăn nhưng được sự động viên của mẹ, nam sinh cố gắng tiếp tục học lên cao.

Vừa học vừa phải làm thêm cộng với việc chăm sóc bố mẹ già vất vả nhưng Quyết luôn giữ thành tích học tập trên lớp vô cùng xuất sắc.

Nam sinh từng nhận danh hiệu sinh viên 5 tốt cấp trường năm học 2020-2021 với kết quả học tập đạt loại giỏi và điểm rèn luyện xuất sắc; Giấy khen của Đoàn trường; Bằng khen sinh viên tiêu biểu trong cuộc vận động "Sinh viên Việt Nam - Những câu chuyện đẹp" năm học 2021-2022.

Vì là ngành đặc thù, chuyên về thực hành nên Quyết luôn chú ý xem thầy cô thực hành và tự luyện tập thêm. Thời gian rảnh em cũng hay vào các trang mạng xã hội xem video hướng dẫn những kỹ năng mới.

Nam sinh cũng vừa có sáng kiến cải tiến năm 2022 "Thiết kế và gia công bàn phụ đa năng dùng cho một số máy chế biến gỗ". Ý tưởng của nhóm Hoàng Văn Quyết được ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao, áp dụng được vào thực tế, có tính sáng tạo.

Nữ sinh người H'mông là sinh viên trường nghề xuất sắc toàn quốc

Em Lù Thị Ti (sinh năm 2002) - sinh viên lớp Bảo vệ thực vật K19 Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông là một trong 100 học sinh - sinh viên giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu năm 2022, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vinh danh.

Cô Quách Thị Lựu - Giảng viên khoa Nông lâm nghiệp, chủ nhiệm lớp của Ti cho rằng, danh hiệu trên là phần thưởng xứng đáng cho thành tích và nỗ lực học tập của em trong điều kiện rất khó khăn.

Những sinh viên trường nghề tỏa sáng từ trong nước ra thế giới năm 2022 - 5
Quyết tâm thoát nghèo, Ti cố gắng học tập để có nghề, dễ kiếm tiền hơn (Ảnh: NVCC).

Ti sinh ra trong một gia đình người H'mông nghèo, đông con, cha mẹ đều không biết chữ ở xã vùng xa của tỉnh. Mấy năm nay, sau khi bị sét đánh sượt bên người, mẹ Ti bất ổn tâm lý, thường xuyên hoảng sợ, bệnh nặng nên không thể lao động, cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn.

Trong tình cảnh đó, Ti vẫn cố gắng theo học chương trình Trung cấp hệ 9+ tại Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông. Em xin ở ký túc xá, tiền ăn thì dùng tiền trợ cấp học phí của nhà nước và học bổng dành cho học sinh giỏi để trang trải.

Theo cô Lựu, 3 năm học vừa qua, Ti đều đạt điểm học tập trên 8.0 và rất tích cực tham gia các phong trào của khoa, của nhà trường. Ti thực tập tốt nghiệp tại một công ty thuộc Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đắk Nông và được đánh giá cao, khi tốt nghiệp sẽ được công ty nhận vào làm việc nếu em có nhu cầu.

Còn việc học liên thông lên cao đẳng, Ti cho biết em rất thích nhưng chưa tính tới vì gia đình khó khăn, em dự định sẽ đi làm vài năm có tiền rồi mới học tiếp. Dù còn rất khó khăn nhưng cô gái trẻ tự tin sẽ "sống" được khi có nghề trong tay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm