Nhà giáo tiêu biểu trải lòng về những kỹ năng nghề thiết thực nhất
(Dân trí) - "Trong quá trình người bệnh nằm viện, chúng ta cần có sự trao đổi, tìm được tiếng nói chung giữa bác sĩ, điều dưỡng và người bệnh về kế hoạch điều trị, chăm sóc hiệu quả nhất", thầy Doanh chia sẻ.
Thạc sĩ Đỗ Văn Doanh, hiện là giảng viên với 10 năm kinh nghiệm tham gia giảng dạy tại khoa Điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh.
Thầy Doanh nhiều lần đạt được các bằng khen từ các cấp khác nhau như Bằng khen của Bộ Lao động Thương binh Xã hội (Năm 2020, 2021); Bằng khen của Trung ương Đoàn (Năm 2020, 2021); được công nhận là tài năng trẻ cấp tỉnh Quảng Ninh (Năm 2021)…
Ngày 4/10, thầy Đỗ Văn Doanh được tôn vinh là một trong những nhà giáo tiêu biểu nhân Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam.
Với nhiều năm kinh nghiệm gắn bó với khoa Điều dưỡng của mình cùng nhiều lần đạt giải thưởng, bằng khen trong nhiều năm, thầy Doanh có nhiều góc nhìn khác nhau về ngành Điều dưỡng cũng như công việc giảng dạy của mình.
Những kỹ năng quan trọng của nghề điều dưỡng viên
Giảng dạy về điều dưỡng khác gì với giảng dạy bác sĩ? Chia sẻ về sự khác biệt này, thầy Doanh nói rằng đó chính là quy trình chăm sóc người bệnh. Đây là điểm mấu chốt dẫn tới sự khác biệt về nghề.
"Người điều dưỡng là người tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất từ khi nhập viện tới lúc ra viện, thậm chí là liên hệ sau khi xuất viện.
Khi nằm viện, người bệnh có hơn 70% thời gian là tiếp xúc với điều dưỡng. Điều dưỡng không chỉ là người chăm sóc bệnh nhân trong các mặt từ dùng thuốc, ăn, ngủ, vệ sinh… mà còn là người thầy, người bạn của bệnh nhân. Chính vì vậy người điều dưỡng có quy trình đào tạo đặc thù rất riêng so với bác sĩ hay dược sĩ", bà giáo tiêu biểu cho hay.
Bằng những kinh nghiệm của mình, thầy Doanh cho rằng để trở thành một điều dưỡng cần có nhiều tiêu chí, phẩm chất đặc biệt.
"Trong những phẩm chất cần có của điều dưỡng viên, sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó thôi là chưa đủ. Một điều dưỡng viên còn rất cần sự trách nhiệm, lòng nhân ái để có thể quan tâm, chia sẻ, chăm sóc người bệnh được tốt nhất.
Bên cạnh đó, bản thân các bạn cũng cần một sức khỏe thật tốt, có thói quen tập thể dục, thể thao và có cho mình những hoạt động giải trí phù hợp để giải tỏa stress trong quá trình làm việc", thầy Doanh chia sẻ.
Chia sẻ thêm về những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết nhất mà một điều dưỡng cần phải có, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện nhiều trường hợp các nhân viên y tế bị hành hung bởi các đối tượng manh động, thầy Doanh cho rằng điều dưỡng cũng như sinh viên điều dưỡng cần phải trang bị nhiều kỹ năng khác nhau.
"Về chuyên môn, điều dưỡng phải có kiến thức chuyên môn và kỹ năng tay nghề vững vàng. Tuy nhiên thế là chưa đủ, trang bị kiến thức về pháp luật, thực hiện công việc đúng quy trình, nội quy, quy chế của cơ quan và đạo đức nghề nghiệp cũng là những điều mà điều dưỡng luôn phải hướng đến và tuân theo", thầy Doanh chia sẻ về những kiến thức điều dưỡng cần trang bị.
Bên cạnh chú trọng đầu tư vào các tri thức cả về chuyên môn lẫn kiến thức xã hội, kỹ năng xử lý tình huống cũng là một trong những kỹ năng quan trọng trong thực tiễn hành nghề.
"Chúng ta cần hạn chế xung đột nhất có thể. Đặc biệt, điều dưỡng cũng phải giữ thái độ hòa nhã, ân cần tránh to tiếng, quát nạt hoặc các việc làm gây khó khăn cho người bệnh.
Đứng trước một tình huống có khả năng xảy ra bạo lực, điều đầu tiên cần làm là phải giữ bình tĩnh và tìm cách thông báo cho đồng nghiệp, cấp trên để được hỗ trợ. Trường hợp cần thiết, điều dưỡng cũng phải biết chạy để bảo vệ an toàn cho bản thân.
Trong quá trình người bệnh nằm viện, chúng ta cũng cần có sự trao đổi, thống nhất, tìm được tiếng nói chung giữa bác sĩ, điều dưỡng và người bệnh về kế hoạch điều trị, chăm sóc hiệu quả nhất", thầy Doanh chia sẻ.
Những vất vả chỉ người trong cuộc mới hiểu
Về nghề điều dưỡng, thầy cũng cho rằng nghề này trước giờ vốn không phải là nghề dễ dàng, luôn ẩn chưa nhiều khó khăn, vất vả. Thầy Doanh chia sẻ 4 khó khăn dễ thấy nhất trong công việc của một điều dưỡng.
Trước hết, khối lượng công việc tương đối lớn là điều dễ thấy ở nghề điều dưỡng: "Ngoài công việc chăm sóc trực tiếp người bệnh như dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng, vận động, vệ sinh... cho người bệnh, người điều dưỡng còn phải thực hiện các công việc khác như tư vấn, hoàn thiện hồ sơ bệnh án, báo cáo hay tham gia hỗ trợ các hoạt động chung của đơn vị".
Khó khăn thứ hai người điều dưỡng hay gặp phải còn nằm ở áp lực công việc lớn do công việc liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người.
"Khi làm việc, họ phải luôn giữ vững tinh thần nên thường xuyên chịu áp lực, căng thẳng và mệt mỏi. Thậm chí, nhiều trường hợp còn bị bạo hành cả về thể chất và tinh thần. Bên cạnh đó, nghề điều dưỡng vẫn chưa nhận được nhiều sự thông cảm, thấu hiểu cũng như thừa nhận đúng vị trí, vai trò của nghề từ xã hội. Chính vì vậy gần đây một số cán bộ y tế, trong đó có điều dưỡng, đã nghỉ việc do chịu quá nhiều áp lực", thầy Doanh nhận xét.
Bên cạnh đó, nghề điều dưỡng cũng thường xuyên phải đối mặt với những rủi ro trong quá trình làm việc: "Người điều dưỡng là một trong những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm các bệnh tương đối cao vì trực tiếp và thường xuyên tiếp xúc với người bệnh, trong đó có những bệnh truyền nhiễm mà không biết trước để phòng tránh".
Bên cạnh những khó khăn kể trên, thầy Doanh cũng cho rằng việc các điều dưỡng chưa được hưởng chính sách ưu đãi phù hợp cũng là một khó khăn của nghề: "Thu nhập của nghề điều dưỡng còn chưa cao, thậm chí còn thấp hơn rất nhiều ngành nghề khác".
Thầy Doanh mong mỏi trong tương lai, nghề nghiệp này sẽ có được đãi ngộ xứng đáng, để các học trò của thầy tiếp tục vững chãi lòng yêu nghề.