Nhiều ngành kỹ thuật đang rất "khát" nhân lực
(Dân trí) - Một số ngành kỹ thuật truyền thống như: Kỹ thuật công trình thủy, Hệ thống thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Kỹ thuật môi trường... đang rất "khát" nhân lực, 100% sinh viên ra trường có việc làm.
Ngày hội việc làm Thủ Đô - Hanoi Job Fair 2022 là một sự kiện kết nối việc làm và định hướng nghề dành cho thanh niên, sinh viên. Sự kiện này do Trung tâm tư vấn LMF (Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) và trường Đại học Thủy lợi phối hợp tổ chức.
Tại Ngày hội việc làm, chuyên gia tuyển dụng của các doanh nghiệp lớn đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm với các bạn trẻ; trong đó, đáng quý nhất là sự định hướng, lời khuyên hữu ích và thực tế dành cho các bạn trẻ bước chân vào thị trường lao động.
Sinh viên lựa chọn ngành nghề chưa quan tâm tới "những con số biết nói"
Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, bạn trẻ không bị bó buộc bởi những công việc truyền thống như nhà giáo hay kỹ sư, mà được tiếp cận với rất nhiều các công việc mới mà các bạn có đầy đủ cơ hội để phát triển tối đa về kỹ năng cũng như hoàn thiện bản thân để trở thành công dân toàn cầu.
Tuy nhiên, khi đứng trước rất nhiều những cơ hội được mở ra trước mắt, các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp, đã tốt nghiệp và đang còn đi học sẽ mông lung không biết nên chọn nghề nghiệp nào để phù hợp với khả năng của bản thân mà vẫn đáp ứng được nhu cầu kinh tế.
GS. TS Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi - cho biết: "Việc nhà trường tổ chức ngày hội việc làm là nhằm tạo cơ hội giúp các bạn sinh viên trong trường và các trường đại học lân cận trên địa bàn Thủ đô được gặp gỡ, tiếp cận, nhận phỏng vấn trực tiếp từ phía các công ty hàng đầu, các tập đoàn đa quốc gia..., được lắng nghe ý kiến chia sẻ từ chuyên gia về kỹ năng phỏng vấn, xin việc và nhận phản hồi trực tiếp từ các nhà tuyển dụng.
Ngược lại, các doanh nghiệp cũng được tiếp cận trực tiếp hàng ngàn bạn sinh viên tất cả các khối ngành, lan tỏa hình ảnh của đơn vị mình đến với xã hội. Từ đó, nâng cao sự gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - sinh viên".
Theo bà Đặng Hương Giang - Trưởng phòng Công tác sinh viên cho hay, tỷ lệ sinh viên trường Đại học Thủy lợi có việc làm sau khi ra trường trong vòng 3 tháng là 80-85%, sau một năm là 90-95%. Bên cạnh những sinh viên đi làm sau khi tốt nghiệp đại học, có những sinh viên tiếp tục học lên bậc cao hơn ở trong nước và quốc tế.
Về phần thu nhập, sinh viên trường Đại học Thủy lợi ra trường có thu nhập khởi điểm trung bình từ 8-12 triệu đồng/tháng, có những bạn vượt trội với thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, bà Giang nhấn mạnh, một số ngành kỹ thuật truyền thống như: Kỹ thuật công trình thủy, Hệ thống thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật tài nguyên nước, Kỹ thuật thủy điện và năng lượng tái tạo... là những ngành nghề hiện nay xã hội đang rất "khát" nhân lực, sinh viên ra trường 100% có việc làm với mức thu nhập khá.
Điều đáng tiếc là hiện nay nhiều sinh viên lựa chọn ngành nghề chưa quan tâm tới "những con số biết nói" này.
Gen Z hiện nay thiếu định hướng nghề nghiệp
Ông Trần Linh Sơn - đại diện ban tổ chức Ngày hội việc làm chia sẻ: "Gen Z là một trong những thế hệ "đinh" của đất nước, các bạn ấy có đầy đủ tố chất của một nhà lãnh đạo trong tương lai. Tuy nhiên, cái các bạn còn thiếu là "định hướng nghề nghiệp" để có thể rút ngắn con đường đi đến đích. Vì vậy, các bạn cần có được sự hỗ trợ để đi đúng hướng".
Được biết đến là một người có rất nhiều trải nghiệm và đạt được nhiều kỷ lục của kỳ thi IELTS tại Việt Nam, đồng thời là một giảng viên - doanh nhân, anh Đặng Trần Tùng chia sẻ: "Giá trị cạnh tranh việc làm của các sinh viên hiện nay cao hơn thế hệ đầu 9x của chúng tôi rất nhiều.
Bởi vì các bạn có nhiều cơ hội để tiếp cận thông tin, nâng cao kỹ năng qua việc học tập với nhiều phương thức khác nhau. Ví dụ, các bạn trẻ có thể học để lấy chứng chỉ kế toán chuẩn quốc tế ở bên ngoài mà không cần phụ thuộc vào bằng cấp của nhà trường nữa. Chính vì vậy, các bạn sinh viên ngày càng dễ dàng hoàn thiện kỹ năng của bản thân hơn".
Mặt khác, anh Đặng Trần Tùng cũng đánh giá về khả năng ngoại ngữ của sinh viên hiện nay: "Tiếng Anh hiện nay đã trở thành không chỉ một lợi thế tuyển dụng mà gần như là một yêu cầu bắt buộc trong công việc và việc học bổ túc tiếng Anh tất yếu trở thành phong trào.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận ra rằng các thầy cô có cơ hội trang bị cho các bạn học viên nhiều kỹ năng và tri thức vượt xa khỏi phạm trù đơn thuần là ngôn ngữ Anh. Những hạng mức nhất định của người học tiếng Anh cũng có thể quyết định cấp bậc và cơ hội của các bạn trẻ trong công việc".
Anh Bùi Thanh Tùng - CEO một công ty công nghệ - cũng thẳng thắn chia sẻ rằng: "Đứng dưới thời đại công nghệ đang bùng nổ vô cùng mạnh mẽ như hiện nay, không chỉ công ty chúng tôi khát khao vươn mình trở thành công ty giải pháp công nghệ hàng đầu, mang tới những sản phẩm khác biệt đóng góp cho cộng đồng, mà đây là ước mơ của tất cả các công ty công nghệ tại thị trường Việt Nam.
Và để có thể hiện thực hóa ước mơ đó, rất cần những gương mặt trẻ Gen Z. Không ai khác, chính các bạn ấy sẽ là những viên kim cương lấp lánh để đưa ngành công nghệ của nước nhà lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, một viên kim cương muốn đẹp thì cần phải mài giũa sao cho khéo léo".