Mạng lưới trí thức Việt tại Singapore dốc sức hỗ trợ quê hương chống dịch

Phương Dung

(Dân trí) - Đằng sau chuyến hàng 6,2 tấn trang thiết bị y tế từ Mỹ về Việt Nam vừa qua, có sự góp sức của mạng lưới tình nguyện viên trên khắp thế giới, khởi điểm là cộng đồng trí thức người Việt tại Singapore.

Chúng ta, khi sát cánh cùng nhau, thật đẹp quá!

Rạng sáng ngày 25/8, chuyến bay VN9 do Vietnam Airlines khai thác từ San Francisco (Mỹ) đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Chuyến bay vận chuyển hơn 6,2 tấn trang thiết bị, vật tư y tế hỗ trợ đồng bào trong nước phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt hơn, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử một chuyến bay do hãng hàng không Việt Nam thực hiện được cấp phép vận chuyển hàng hóa giữa hai quốc gia. 

Mạng lưới trí thức Việt tại Singapore dốc sức hỗ trợ quê hương chống dịch - 1
Ít ai biết, đằng sau kiện hàng y tế 6,2 tấn từ Mỹ bay thẳng về Việt Nam là sự góp sức của cộng đồng trí thức và kiều bào Việt khắp nơi trên thế giới (Ảnh: VNA).

Ước tính tổng giá trị của lô hàng khoảng 1 triệu USD. Ít ai biết rằng, đằng sau thành công đó, là cả một mạng lưới tình nguyện viên - kiều bào khắp nơi.

Nhóm thiện nguyện khởi đầu từ Singapore, sau đó liên kết huy động nguồn lực từ bạn bè và nhiều nhóm thiện nguyện ở nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật, Canada,... Số tiền quyên góp được tập trung thành đầu mối ở Mỹ. Tất cả mọi người đều chung một tấm lòng, cùng một mong ước được góp sức nho nhỏ cho thành phố Hồ Chí Minh, cho đất nước mau vượt qua khó khăn và mất mát.

Các bạn khắp thế giới còn lập nhóm cùng rất nhiều quỹ từ thiện đang hoạt động mạnh và hiệu quả nhất hiện nay ở Việt Nam để tập hợp và chia sẻ thông tin, thống nhất và chuyên nghiệp hóa từ khâu tìm kiếm nguồn vật dụng y tế chất lượng, giá tốt nhất đến việc phân bổ hợp lí khi trao tặng các bệnh viện đúng nhu cầu và kịp thời, không bị chồng chéo.

Thông tin từ các bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, từ khắp nơi trên thế giới..., được hàng trăm thành viên cập nhật từng phút, từng giờ.

Cùng với sự ủng hộ của kiều bào Mỹ, sự giúp đỡ nhanh chóng và hiệu quả của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tại Hà Nội, Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, 6.2 tấn trang thiết bị, vật tư y tế, ước tính tổng giá trị của lô hàng khoảng 1 triệu USD, gồm 250 máy trợ thở, 5 máy thở, 9.000 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19, 600 bộ quần áo bảo hộ y tế, 2.500 tấm chặn giọt bắn và 60.000 khẩu trang y tế đã hạ cánh an toàn ở Việt Nam.

Mạng lưới trí thức Việt tại Singapore dốc sức hỗ trợ quê hương chống dịch - 2
Một số kiện hàng trong lô hàng. Ước tính tổng giá trị của lô hàng khoảng 1 triệu USD. Toàn bộ số hàng này là kết quả đóng góp của cộng đồng người Việt tại Mỹ (Ảnh: VNA).

Những trái tim kết nối muôn phương

Đồng hành cùng nhóm thiện nguyện Hoa Táo ở Singapore, cho tới thời điểm hiện tại, Liz Nguyễn và nhóm đã mang được gần 30.000 khẩu trang N95 từ Singapore về Việt Nam. Để có được thành quả này, thực sự mọi người đã dành rất nhiều tâm sức. Giữa lúc khắp nơi trên thế giới đều đang có dịch lan tràn, việc tìm kiếm nguồn hàng đảm bảo chất lượng lẫn số lượng là không dễ dàng. Thương lượng giá cả, lo lắng từng khâu vận chuyển, xuất nhập cảnh…

Trong đó không thể không kể đến sự giúp đỡ nhiệt tình của Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh, và các sở ban ngành liên quan.

Liz Nguyễn, vốn một thành viên tích cực của cộng đồng, cùng ban quản trị, đã từng tổ chức thành công nhiều talkshow ý nghĩa nhằm cung cấp thông tin thiết thực tới các gia đình người Việt đang sinh sống tại Singapore các thông tin hữu ích về giáo dục, về các vấn đề định cư, về luật pháp của hai nước Sing - Việt. Chị Trinh, anh Phan - những thành viên năng động, hết mình vì công tác cộng đồng, đã cùng Liz và các giáo viên tình nguyện không chuyên, từ bác sĩ, kỹ sư tới các bạn đang làm mảng tài chính, giáo dục,... mở những lớp tiếng Việt cộng đồng online miễn phí, với mong muốn giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ kế thừa.

Và khi dịch bệnh ập đến, những thành viên ấy, lại "thắp lửa tình nguyện" hết mình, hết lòng, vì quê hương Việt Nam.

Một nhóm bạn Việt kiều, đã từng định cư tại Singapore, nay dù gia đình đã chuyển tới một nước khác, vẫn chung tay cùng bạn bè ở Singapore kêu gọi quyên góp, tạo Quỹ máy thở Sing-Mỹ. Ban đầu, chỉ dự định kêu gọi tầm 4 máy thở để giúp các bệnh viện đang cần. Hiện tại, nhờ sự ủng hộ nhiệt tình từ nhiều nguồn, 19 máy thở và monitors được trao đi, cùng với hàng loạt các hoạt động song song khác như tìm kiếm nguồn tài trợ sữa, nước trái cây hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Nhóm Sourcing đã tặng vài trăm thùng sữa cho bệnh viện. Nhờ sự hỗ trợ của các nhãn hàng, nên nhóm có được giá rẻ cho các quỹ từ thiện và hiện đang gom đơn chung hơn 2000 thùng.

Nhiều thành viên chia sẻ, họ đã rất cảm động, khi nhận hình ảnh những chiếc máy thở còn chưa kịp bóc lớp bảo vệ, đã được đưa vào sử dụng khẩn cấp cho các bệnh nhân đang cần cấp cứu.

Chị Dung Nguyễn (thành viên của nhóm thiện nguyện, hiện là quản lý dự án xây dựng tại Singapore), đã có hơn 10 năm sống và làm việc tại Singapore đã gác việc riêng để cùng chung tay huy động nguồn lực cho nhóm từ thiện.

Mạng lưới trí thức Việt tại Singapore dốc sức hỗ trợ quê hương chống dịch - 3

Một số nhóm thiện nguyện khác kết nối thành công với các mạnh thường quân ủng hộ theo phương thức đối ứng. Cứ mỗi một số tiền nhóm kêu gọi được, sẽ nhận được số tiền tương tự từ mạnh thường quân.

"Dù chỉ gắn bó với thành phố Hồ Chí Minh trong vài năm học Đại học, hiện tại nơi đó không có người thân, họ hàng, chỉ bạn bè thôi nhưng khi nghe tin về dịch bệnh, về các đợt giãn cách liên tiếp nhau, lòng mình lo lắng lắm, muốn được chia sẻ bớt khó khăn với mọi người", chị Dung nói.

Và khi nghe một người bạn tâm sự các điểm tiêm vắc xin, các nhân viên đi lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng đang rất cần đồ bảo hộ y tế. Dung Nguyễn đã mạnh dạn đứng ra kêu gọi bạn học cũ cùng nhau gây quỹ. Trong vòng 3 ngày, sau khi thông tin được lan ra, nhóm bạn Đại học Bách Khoa Hồ Chí Minh và Quản lý xây dựng đã góp được gần 2.000 bộ đồ bảo hộ y tế và cũng chừng đó bộ khẩu trang và 2 tấn gel giữ lạnh để bảo quản vắc xin.

Chị Dung cho biết, dịch bệnh ở quốc đảo sư tử vẫn hiện đang ở mức báo động cam. Mùa dịch, công việc của chị bị ảnh hưởng rất nhiều vì đa phần dự án xây dựng phải làm việc trực tiếp, hơn nữa nguồn nhân lực xây dựng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 do lượng công nhân xây dựng của công ty chị đa phần đến từ các nước Sri Lanka, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ (vốn là những quốc gia dịch bệnh căng thẳng)…

Tranh thủ lúc công việc bớt căng thẳng, Phương Dung cùng các bạn học ở Việt Nam liên hệ các đầu mối tiếp nhận đồ thiện nguyện Việt Nam, lấy thông tin, đầu mối hàng hóa, so sánh giá cả…và thống nhất quyết định chuyển thông tin và số tiền ủng hộ về phía đầu cầu Việt Nam mua hàng cứu trợ.

Khó khăn lớn của nhóm là vật tư y tế khan hiếm, giá cả bị đẩy lên khó kiểm soát. Nhưng cũng nhờ nhóm tập hợp mạng lưới rất rộng, đa quốc gia nên thông tin giá cả nguồn hàng đều nắm được. Để thực hiện việc hỗ trợ trang thiết bị vật tư y tế cho đồng bào Việt Nam, nhóm phải kết nối làm việc với Đại sứ quán tại Singapore, Lãnh sự quán tại San Francisco thì hàng hóa mới được xuất và nhập. Hiện, các quốc gia có luật hạn chế đầu cơ, tích trữ trang thiết bị mùa dịch nên nhóm phải nhờ đến đại diện chính phủ, đại sứ quán vào cuộc.

Những cuộc - chiến - nội - bộ, từ mặt bạn thân vì làm thiện nguyện

Chị Phương Dung tự mô tả cộng đồng thiện nguyện phía sau các chuyến hàng ủng hộ Việt Nam chân thực như sau: Đa phần thuộc thế hệ 8X, học vấn cao, cái tôi lớn, cãi nhau nhiều.

"Điều gì khiến mọi người lao tâm khổ tứ nhất khi làm thiện nguyện?", Dung đáp: "Lao tâm khổ tứ lớn nhất là làm thiện nguyện xong thì bạn bè giận dỗi nhau vì tranh cãi dữ quá. Nó không đơn giản đâu. Thực sự rất căng thẳng chứ không phải chuyện đùa".

Nhóm hoạt động không chỉ có một người, hai người mà cả một mạng lưới. Không dễ để gom mấy tấn hàng thiết bị vật tư y tế. Nó kéo dài mấy tuần, mấy tháng trước, qua nhiều công đoạn chi tiết, phức tạp. Và có nhiều câu chuyện trong đó nữa.

"Mỗi câu chuyện đều có xung đột ở mức độ khác nhau. Mình cố gắng thôi…", Phương Dung chia sẻ.

Chị kể: "Khi mình làm thiện nguyện số tiền quyên góp được sẽ gọi tên là số tiền chung và thống nhất chuyển số tiền về đâu, chuyển như thế nào, làm cái gì… Người này sẽ bảo chỗ này đang cần kíp hơn, người sẽ bảo chỗ kia phù hợp hơn… Thứ hai là về giá cả vật tư mà nhóm quyết định mua.

Mạng lưới trí thức Việt tại Singapore dốc sức hỗ trợ quê hương chống dịch - 4

Suốt quá trình từ lúc vận động tới lúc có đủ hàng số lượng cần thiết là nỗ lực rất lớn, là rất nhiều kết nối và hạ "cái tôi" xuống, đặt lợi ích chung của nhóm lên trên.

Ví dụ, có bạn nói bên Ấn Độ đang dư hàng vì đã kiểm soát được dịch và hàng có thể vận chuyển về Việt Nam cho mình (nhưng phải vận chuyển dài, thời gian chờ 1-2 tháng); có bạn cho rằng Việt Nam có hàng đó cao hơn trước nhưng có thể vận chuyển được ngay, thời gian cần kíp hơn; có bạn lại phản pháo sao phải mua ở Việt Nam cho đắt, sao không mua trên Amazon ship về và mất 2-3 tuần.

Chỉ riêng một vấn đề là đã bao nhiêu xung đột rồi. Sau đó là việc mua từ đâu, cách thức vận chuyển, đầu mối liên hệ thông qua ai, làm sao liên hệ với các tổ chức để làm sao xuất cảnh nhanh nhất, nhập cảnh nhanh nhất… 

Vì thế mà tranh luận hăng hái lắm, đến mức nhiều bạn "từ mặt" không gặp. Nếu nói tự hào, chúng mình thừa nhận cộng đồng tri thức Việt Nam khắp nơi trên thế giới khi quy tụ về sẽ tạo nên những nguồn năng lượng, nguồn lực, tài nguyên rất lớn. Nhưng không thể phủ nhận, ai cũng có cái tôi cao. Vì đơn giản, họ học nhiều, trải nghiệm nhiều, mối quan hệ nhiều, kết nối nhiều… 

Có khi nhức đầu không chỉ vì các công việc khó khăn phức tạp mà còn vì "cuộc chiến nội bộ căng thẳng". Khi hàng hóa hỗ trợ về Việt Nam cho đồng bào là thành quả đẹp  nhưng thú thực "behind the scene" (hậu trường) là những tranh luận chưa tới hồi kết. Thậm chí, trong quyên góp cũng có nhiều vấn đề nhạy cảm, làm sao quản lý được tiền thu - chi minh bạch, làm sao để phân bổ nguồn lực đã huy động hợp lý…"

Mọi người toàn giáo sư, tiến sĩ, CEO, founder, quản lý cấp cao..., vào tập thể thiện nguyện gặp xung đột dẫn đến không có tiếng nói chung, đôi khi mất bạn, hết bạn luôn".

"Khó khăn chồng chất luôn chứ không đùa. Việt Nam đang thực hiện giãn cách nghiêm ngặt. Nhất cử nhất động đều cần giấy đi đường. Hàng hóa mua không thể tự do đến tận nơi để kiểm tra chất lượng như lúc thường được. Phải chọn lọc ra những đầu mối uy tín, giá cả tốt, lại phải bảo đảm chuyển hàng đúng hẹn, đủ số lượng, và quan trọng nhất vẫn là chở được đến tận nơi mình yêu cầu.

Rồi phải nhờ bạn bè quen biết, không ngại dịch bệnh, tới các điểm ủng hộ đếm kiểm hàng và trao cho các nơi. Bạn bè nhong nhong giúp mình, mình cũng lo lắng lắm chứ. Lỡ bạn dính bệnh là mình không mặt mũi nào nhìn vợ con gia đình bạn. Có bạn vì mình nhờ nhiều quá, hai vợ chồng giận nhau luôn!"

 "Ai cũng nghĩ mình hết mình, hết mình rồi sinh… hết tình", chị Dung tâm sự, "Hết tình rồi lại đầy ngay, vì Việt Nam mà! Rồi cũng lại chung tay nhau vận động hết đợt này tới đợt khác! Căng thì căng vậy, nhưng mọi người vẫn hay động viên nhau: muốn đi xa phải đi cùng nhau, mà không cần gì xa quá chỉ cần qua dịch"…

Mai Phương, Hiền Lê và nhóm 3 người bạn 3T Bake for Love, là những cô nàng yêu bếp - yêu bánh, dùng bếp. Hiền Lê, đến từ Điện Bàn, là cô chủ nhỏ của một tiệm bánh rất xinh. Cô và các bạn bè yêu thích nấu ăn, làm bánh, thường hay tổ chức những buổi hoạt động cộng đồng chia sẻ cách làm bánh mì Việt Nam, các món bánh đón Tết cổ truyền, món ăn Việt.

Hiện, Hiền, Phương và các bạn Mai Trang, Thu Trang và Thương Ta đang tất bật chuẩn bị làm bánh Trung thu. Các nhà hảo tâm đang háo hức chờ đón hộp bánh trung thu đầy nghĩa tình của các bạn. Nhóm dành toàn bộ số tiền thu được từ các đợt bán bánh để gây quỹ.

Có bạn, dù bận rộn với nhiều dự án đang triển khai, vẫn dành thời gian, âm thầm lặn lội các hội nhóm khác nhau, với mục đích gạn lọc thông tin, cung cấp những thông tin chuẩn xác tới bạn bè, để số tiền ủng hộ từ các nhà hảo tâm và các trang thiết bị y tế được kết nối "Đúng nơi - Đúng mục đích - Đúng nhu cầu".

Mạng lưới trí thức Việt tại Singapore dốc sức hỗ trợ quê hương chống dịch - 5

Cộng đồng trí thức Việt tại Singapore và nhiều quốc gia trên thế giới, không phân biệt Bắc - Nam, không phân biệt đã định cư lâu dài hoặc chỉ đang cư trú tại Singapore theo thẻ làm việc, không suy xét trao đi nhiều hay ít, có nhận lại được gì…

Tất cả chúng tôi, với tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, đang dành hết sức mình, tối đa khả năng cho phép, hỗ trợ quê hương, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn nơi quê nhà.

Mọi trái tim chung một nhịp đập, với mong muốn duy nhất - Việt Nam ơi, mau khỏe!