Lùm xùm Quy chế đào tạo tiến sĩ mới "hạ chuẩn": Người học nói gì?

(Dân trí) - Quy chế đào tạo tiến sĩ mới giúp "sốc lại tinh thần" trong đa số những người đang có ý định học Tiến sĩ. Nhiều người sẽ tự tin hơn và quyết tâm hơn để theo đuổi con đường học tập, đam mê nghiên cứu.

Quy chế đào tạo tiến sĩ mới mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành đã gây nhiều tranh cãi  gay gắt trong giới khoa học vì cho rằng đã "hạ chuẩn" tiến sĩ. Sự việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải có công văn chỉ đạo tới Bộ GD-ĐT yêu cầu: Bộ GD-ĐT nghiên cứu các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc; có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ. Đối với những ngành đặc thù thì có quy định cho phù hợp bảo đảm chất lượng.

Tuy nhiên, với góc độ Nghiên cứu sinh, họ lại có góc nhìn khác và cho rằng, Quy chế đào tạo Tiến sĩ mới đã "cởi trói" hơn cho cả nghiên cứu sinh và giáo viên hướng dẫn.

Dân trí xin giới thiệu ý kiến của Nghiên cứu sinh Cù Văn Trung về vấn đề này.

Lùm xùm Quy chế đào tạo tiến sĩ mới hạ chuẩn: Người học nói gì? - 1

Lễ trao bằng tiến sĩ. (Ảnh minh họa)

"Cởi trói" hơn cho cả nghiên cứu sinh và giáo viên hướng dẫn

Bản thân tôi là một nghiên cứu sinh chịu sự "giao thoa" giữa hai Quy chế đào tạo Tiến sĩ cũ và mới, tôi hiểu được phần nào những vấn đề tồn tại trong thực tiễn của công tác này đối với cơ quan quản lý, nhà trường và học viên.  

Như nhiều nhận định cho thấy: Quy chế đào tạo Tiến sĩ mới chưa hẳn là mới hoàn toàn. Nó cơ bản kế thừa rất nhiều những quy định của Quy chế cũ, do vậy về tính cải tiến và những ưu điểm của Quy chế cũ vẫn còn nguyên giá trị.

Bằng thực tế chứng kiến trong quá trình học tập và nghiên cứu của mình, Tôi thấy rằng Quy chế mới đã tính toán và xử lí được hai vấn đề vướng mắc trong thực tiễn một cách hợp lý và hài hòa.

Đầu tiên là về vấn đề người học, nghiên cứu sinh đã thuận lợi hơn (chứ không phải dễ dàng) nếu muốn dự thi vào cơ sở đào tạo. Nếu như Quy chế trước yêu cầu tiếng Anh IELT 5.5 hoặc TOEFL IBT 46 điểm trở lên thì nay chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 4 (B2) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Nhiều người nghĩ rằng thi chứng chỉ ngoại ngữ ở các trường Đại học của Việt Nam được phép cấp chứng chỉ này vẫn "dễ chịu" hơn các tổ chức Quốc tế (Hội đồng Anh, Cambrighe, IIG...).

Tuy nhiên, cũng không "dễ nhằn" vì Bậc 4 là tương đối khó. Cũng chính vì ngoại ngữ B2 (Bậc 4) thi trên máy tính (theo Thông tư 23/2017 của Bộ GDĐT) do các trường Đại học trong nước tổ chức mà nhiều khóa nghiên cứu sinh chúng tôi rất ít người Đạt được. Quy định thi đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc theo TT 23/2017 đã xiết chặt việc thi ngoại ngữ mà các năm trước đó rất dễ dàng thi được B2 khung Châu Âu.

Khi không thể thi được tiếng Anh Bậc 4 (Khung NLNN 6 bậc) thì một số nghiên cứu sinh sẽ phải đi đường vòng, là mất khoảng 2 năm để theo học một văn bằng 2 tiếng Anh của một trường Đại học nào đó để thay thế. Vừa qua sai phạm về đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh của một Trường Đại học tư thục ở Hà Nội mà Bộ Công an điều tra là một ví dụ cho việc nhiều nghiên cứu sinh đã "lẩn quẩn" đi khắp nơi tìm "đầu ra" để bảo vệ Luận án của mình.

Nhìn xa hơn nữa về năm 2009 chúng ta có Quy chế Đào tạo Tiến sĩ theo Thông tư số 10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tuyển sinh đầu vào về ngoại ngữ là chuẩn trình độ B1 và đầu ra là chuẩn trình độ B2 theo Khung tham chiếu Châu Âu.

 Trong khoảng thời gian từ 2008 đến 2015 trong quá trình thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020 của Chính Phủ thì có 10 đơn vị được phép cấp chứng chỉ theo khung này.

Những năm 2012 -2016 báo chí nói nhiều về các "lò đào tạo Tiến sĩ" cũng một phần vì đầu vào ngoại ngữ quá dễ và đầu ra cũng không quá khó. Ngày 13/7/2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Công văn số 2973 về việc xử lí sau Thanh tra đối với một vài Trường sai phạm trong 10 đơn vị này được cấp phép này.

Về vấn đề bài báo nghiên cứu Quy chế đào tạo Tiến sĩ mới đã "cởi trói" hơn cho cả nghiên cứu sinh và giáo viên hướng dẫn.

Như chúng ta đã biết, Tạp chí Quốc tế thì cũng có 5-7 loại, có những loại "ăn thịt" (ăn tiền) thì cũng không thiếu để Nghiên cứu sinh của ta tìm đến đăng tải (mang tính chống chế).

Quy định mới chỉ cần 3 bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí trong nước là vừa sức cho nghiên cứu sinh (Khóa của tôi Quy chế cũ yêu cầu là 2 bài 2016 -2019). Nếu các nghiên cứu sinh mà đăng bài trên Tạp chí chuyên ngành của mình thì cũng không dễ (Vì trong Ban Biên tập toàn là các chuyên gia hàng đầu). Vì vậy không thể nói Tạp chí trong nước là không uy tín, nếu nghiên cứu sinh nào muốn khẳng định năng lực của mình thì không thiếu các Tạp chí chuyên sâu của ngành để viết và đăng tải.

Việc đưa ra 3 bài viết Tạp chí trong nước ở dạng vừa vừa cũng là tạo điều kiện cho nhiều học viên trong quá trình vừa làm, vừa học tập và vừa "luyện" nghiên cứu.

Khi "lên trình" thì họ sẽ tìm các Tạp chí nặng cân hơn, đây là một nhu cầu bản năng trong tư duy của con người. Về việc này tôi đánh giá  Quy chế mới phản ánh đúng thực tế khách quan về trình độ của nghiên cứu sinh ở nước ta.

"Sốc lại tinh thần" trong đa số những người đang có ý định học Tiến sĩ

Thứ hai là về các cơ sở đào tạo, nhìn chung so với Quy chế trước thì các nhà trường sẽ tuyển sinh được học viên hơn. Những cũng không quá đông vì quy định đầu vào cũng chỉ mở hơn ở vấn đề ngoại ngữ (Bậc 4) như đã nêu trên, và đầu ra là không vướng bài báo quốc tế.

Đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm là một số Trường vẫn có thể ban hành quy định đào tạo cao hơn Quy chế này để giữ gìn và khẳng định "bản sắc" của đơn vị đào tạo mình. Nghĩa là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo ra khung Pháp lý cơ bản và vẫn trao quyền tự chủ cho các Trường Đại học. Đây cũng là sự phù hợp với tiến trình phát triển của nền giáo dục hội nhập, cơ quan nhà nước như một người điều chỉnh, đưa pháp lý, tạo cơ chế.

Việc còn lại là các đơn vị đào tạo phải tự nâng mình lên, tự cạnh tranh. Nếu đơn vị nào đào tạo ra "Tiến sĩ rởm, Tiến sĩ Giấy" thì sớm muộn cũng sẽ bị đào thải.

Phải khẳng định rằng, Quy chế này chỉ nới một vài điểm rất nhỏ, mang tính thứ yếu. Còn toàn bộ quá trình của người học vẫn rất vất vả, qua nhiều vòng chấm Hội đồng (6 -7 vòng).

Theo quan sát của tôi thì Quy chế mới ban hành là quá trình xem xét, tổng kết sau nhiều năm thực hiện quy chế cũ. Có những vướng mắc mang tính kĩ thuật, cản trở không đáng có và cần điều chỉnh cho hơp lý. Còn về các nguyên tắc cứng như quá trình đào tạo, thời gian đào tạo, đề tài nghiên cứu thì không có gì là thả lỏng.

Phải khẳng định rằng bậc học Tiến sĩ là rất vất vả, đó là quá trình nghiên cứu sinh vừa phải công tác, vừa phải nghiên cứu. Họ phải dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu vấn đề nghiên cứu, đồng hành cùng giáo viên hướng dẫn 3-4 năm (nhiều NCS 5-6 năm). Chuẩn bị tài chính dư dả để học tập vì nhiều khoản chi rất tốn kém như: học phí, tài liệu in ấn, đi lại lưu trú (nhiều người ở tỉnh), chấm Hội đồng….

Nhìn chung, theo đánh giá của tôi thì Quy chế này xét về góc độ xã hội và tâm lí thì nó hợp lý, hiệu quả. Với góc nhìn như một chính sách thì nó tạo động lực cho các nhà trường trong việc tuyển sinh, sử dụng đội ngũ giáo sư hướng dẫn, đưa những "tinh túy" (thành quả của các nghiên cứu ở nhà trường) và những "tinh hoa" (đội ngũ PGS. GS) vào thực hiện ở bậc học này (Giáo sư được hướng dẫn thêm 2 học viên, GPS tăng thêm 1 học viên).

Còn về góc độ tâm lý nó giúp "sốc lại tinh thần" trong đa số những người đang có ý định học Tiến sĩ. Nhiều người sẽ tự tin hơn và quyết tâm hơn để theo đuổi con đường học tập, đam mê nghiên cứu. So với quy chế trước thì cả người học, người thầy và cơ sở đào tạo mất đi nhiều năng lượng vì một số trở ngại như đã nêu.

Đây là một bước cải tiến về xóa bỏ rào cản, vướng mặc ở khâu kĩ thuật nhưng cũng không "cải lùi" về chất lượng, thời gian và quy trình đào tạo. Dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng xét về hai đối tượng chịu sự điều chỉnh lớn nhất là nhà trường và người học thì theo Quy chế mới này là đang "đúng và trúng" trong thời gian tới.

Nghiên cứu sinh Cù Văn Trung

Mọi ý kiến góp ý về giáo dục, độc giả gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm