Lao động làm được việc quan trọng hơn có bằng cấp cao

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Khi tuyển dụng, các doanh nghiệp đều đánh giá ứng viên dựa trên kỹ năng làm việc hơn là xem xét bằng cấp. Lao động có khả năng học hỏi kỹ năng mới trong quá trình làm việc sẽ dễ thành công hơn.

Tuyển dụng dựa vào kỹ năng

Theo báo cáo Hướng dẫn lương 2022 của Adecco Việt Nam, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã khiến năm 2021 trở thành một năm đầy thách thức đối với nhiều doanh nghiệp, đồng thời cũng định hình lại tương lai việc làm tại Việt Nam.

Những công việc làm online tại nhà, hoặc kết hợp làm tại nhà và tại công ty ngày càng phổ biến. Sự biến đổi đó đòi hỏi người lao động phải học thêm nhiều kỹ năng mới để thích ứng, đảm bảo hiệu quả khi chuyển đổi hình thức làm việc. Những người học hỏi tốt kỹ năng mới sẽ dễ dàng duy trì được hiệu suất công việc của mình.

Với nhân viên hiện hữu, hầu hết các doanh nghiệp không yêu cầu họ nâng cao trình độ bằng cách bổ sung bằng cấp cao hơn mà là bổ sung những kỹ năng mới cần thiết cho công việc. Xu hướng đầu tư cho hoạt động đào tạo lại kỹ năng cho người lao động ngày càng phổ biến ở các doanh nghiệp Việt Nam và hơn 96% nhân sự sẵn sàng tham gia các hoạt động này.

Lao động làm được việc quan trọng hơn có bằng cấp cao - 1

Kỹ năng làm việc mới là yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp khảo sát khi tuyển dụng (Ảnh minh họa: Hutech).

Với việc tuyển dụng mới, các công ty đều ưu tiên thuê những người có kỹ năng tốt, làm được việc, có kinh nghiệm thực tế với công việc họ cần tuyển dụng và bổ sung những kỹ năng mềm.

Theo các chuyên gia của Adecco Việt Nam, đại dịch đã thúc đẩy sự thay đổi trong quy trình tuyển dụng. Các ứng viên dần quen với việc tìm việc, ứng tuyển và phỏng vấn trực tuyến. Các nhà tuyển dụng cũng triển khai rộng rãi hơn hình thức tuyển dụng trực tuyến.

Những bài đánh giá trực tuyến của các nhà tuyển dụng cũng chủ yếu nhắm vào các kỹ năng làm việc, trình độ chuyên môn và đánh giá tâm lý.

Trau dồi kỹ năng từng ngày

Ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM - cho rằng, nhu cầu nhân lực của thị trường trong tương lai là "lao động tri thức". Tri thức ở đây không phải là bằng cấp, mà là kỹ năng làm việc, khả năng linh hoạt tiếp thu kiến thức mới, tự đào tạo bản thân để thích nghi với sự thay đổi...

Theo ông Tuấn, với doanh nghiệp thì lao động làm được việc quan trọng hơn có bằng cấp cao. Thị trường lao động biến động liên tục, chỉ những lao động giỏi tay nghề, có kỹ năng làm việc tốt mới dễ dàng thay đổi, học hỏi cái mới thì mới có năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Còn những lao động có kiến thức sách vở nhưng kỹ năng thấp sẽ dần bị đào thải.

Bà Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy - Giám đốc điều hành khu vực Bắc ASEAN, Human Dynamic Group - cũng đánh giá kỹ năng làm việc mới là điểm mấu chốt mà doanh nghiệp quyết định tuyển dụng nhân sự hay không. Do đó, bà đánh giá cao hệ đào tạo trung cấp, cao đẳng khi chú trọng vào dạy kỹ năng với thời lượng thực hành cao (chiếm đến 70% thời lượng đào tạo).

Theo bà, chỉ có thực hành, làm việc trong môi trường thực tế thì sinh viên mới dễ làm quen với công việc, dễ học được kỹ năng làm việc mà doanh nghiệp cần. Do đó, bà Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy đề nghị các trường nên đưa học viên đến nhà máy, cơ sở kinh doanh càng sớm càng tốt, càng nhiều càng hay.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, năng lực học hỏi kỹ năng làm việc là rất quan trọng. Bởi trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, công nghệ thay đổi nhanh chóng, các công ty phải điều chỉnh theo những thay đổi này liên tục. Khi đó, lao động có năng lực học hỏi kỹ năng mới sẽ có hiệu suất làm việc tốt hơn.

Theo Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM, thị trường luôn cần nguồn nhân lực đa dạng cấp bậc nghề như: đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp... Tuy nhiên, cấp bậc nghề không quá quan trọng mà kỹ năng nghề, thái độ làm việc, kỹ năng mềm mới quyết định sự thành công của mỗi người.