Làm thế nào để có "Nhân tài thật"?

(Dân trí) - Việc phát hiện "Nhân tài thật" là cần thiết, bởi có nhân tài phục vụ thì đất nước mới phát triển được.

Ngày 6/5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu "Học thật, thi thật, nhân tài thật" với toàn ngành Giáo dục. Trong đó, "nhân tài thật" là mục tiêu sau cùng mà Thủ tướng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện được.

Làm thế nào để có Nhân tài thật? - 1

"Nhân tài" bay xa đến vùng đất hứa

Việc phát hiện "nhân tài thật" là cần thiết, bởi có nhân tài phục vụ thì đất nước mới phát triển được. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, cơ hội việc làm, đặc biệt là việc làm có mức lương cao chưa nhiều nên du học sinh khi ra trường còn đắn đo với việc quay trở lại đất nước mình để làm việc.

Hà Hải Dương nhận được học bổng của 12 trường đại học Mỹ trong đó có trường đại học Georgetown cấp học bổng toàn phần, em chia sẻ: "Em nghĩ việc chảy máu chất xám là một điều dễ hiểu. Mỹ và các nước phương Tây là một vùng đất hứa, là cơ hội dành cho các nhà khởi nghiệp tương lai. Du học Mỹ mở đường cho những cơ hội việc làm lớn với thu nhập cao. Hơn nữa, học tập 4 năm trong môi trường giáo dục khai phóng cũng khiến học sinh có tư duy mở hơn".

Có 1 sự thật là những người giỏi thì được giữ lại và được hậu đãi. Hàng vạn du học sinh đi học nước ngoài thì đa số chọn ở lại phục vụ cho nước giàu có. Vì thế đã hình thành nên "chảy máu chất xám".

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ: "Chúng ta vẫn chưa có giải pháp nào để có thể phát hiện ra nhân tài, kéo nhân tài hoặc sử dụng nhân tài. Vì chưa có một cơ chế rõ ràng nên những người có trí tuệ thường có suy nghĩ phục vụ ở những đất nước cho họ lương cao, với đời sống sung sướng hơn, vậy nên họ chọn ở lại".

Để "Nhân tài thật" quay trở về phát triển đất nước

Để đạt được mục tiêu "nhân tài thật" thì cần rất nhiều yếu tố, đặc biệt là bảo vệ, bảo tồn chất xám, sử dụng nhân tài và cả đãi ngộ nhân tài. "Nhân tài thật" trước tiên phải có một môi trường phát triển tốt và dùng cái "tài thật" ấy để phục vụ đất nước.

TS. Lê Viết Khuyến (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học Việt Nam) cho rằng: "Cái này thuộc về chính sách. Nếu nước mình có chính sách đãi ngộ tốt thì sẽ thu hút được người tài".

Cũng đồng quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh: "Cần có một chính sách rõ ràng, chế độ đãi ngộ tốt với những người tài giỏi và có trí tuệ thực sự. Cùng với đó là chăm lo cho họ về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện cho họ được phát triển".

Để giải quyết vấn đề "chảy máu chất xám" quả thực cần thời gian. Việt Nam cũng là một đất nước giàu tài nguyên và cả thời cơ để nắm bắt. Trên thực tế, có những tập đoàn lớn đang tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm cho những du học sinh và nghiên cứu sinh, để những "nhân tài thật" ấy có cơ hội xây dựng, phát triển đất nước.

Hải Dương chia sẻ thêm: "Đối với cá nhân em, em cảm thấy nhìn một cách bao quát thì chính việc quay trở lại quê hương mới tạo nhiều điều kiện cho em phát triển. Thị trường lao động Mỹ tuy dồi dào nhưng cũng rất khốc liệt, tiếng nói của những người ngoại quốc chưa có nhiều. Trở về Việt Nam, em mong muốn tham gia chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp và giải quyết các vấn đề sức khỏe".

Mai Hoa

Mọi ý kiến góp ý về giáo dục, độc giả gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!