Làm thế nào để chọn được "nhân tài thật" trong xét giáo sư, phó giáo sư?

(Dân trí) - Vừa qua, xét chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) ở một vài Hội đồng cơ sở vẫn xảy ra "điều tiếng" khiến dư luận băn khoăn. Vậy giải quyết những hạn chế này, cần giải pháp gì?

Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu thực hiện "3 thật: Học thật, thi thật, nhân tài thật".

Cơ chế Hội đồng giáo sư (GS) Nhà nước được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng là một trong các kênh để ngành Giáo dục thực hiện chỉ đạo này của Thủ tướng.

Cho đến nay, Việt Nam đã  xét công nhận được 1.718 GS, 11.511 phó giáo sư (PGS) các lĩnh vực.

Các thành tựu của giáo dục đào tạo Việt Nam có sự đóng góp xứng đáng của các thế hệ trí thức, các GS, PGS. Vậy thời gian tới, cơ chế Hội đồng GS Nhà nước cần có những cải tiến, thay đổi nào để việc phong hàm, công nhận, bổ nhiệm GS, PGS đạt kết quả thực chất.

 Phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với Trung tướng, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học quản lý và Quản trị An ninh phi truyền thống, Khoa Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, nguyên Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học An ninh.

Làm thế nào để chọn được nhân tài thật trong xét giáo sư, phó giáo sư? - 1

Trung tướng, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm.

Cần lựa chọn người lãnh đạo Hội đồng GS Nhà nước và Hội đồng GS các cấp

Phóng viên: Thưa Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm, có quan điểm cho rằng, Hội đồng GS hiện nay chính là các "tòa công lý" để xét các chức danh GS, PGS ở nước ta. Quan điểm của Trung tướng về ý kiến này như thế nào?

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: Quan điểm này chính là sự gửi gắm kỳ vọng mong các hội đồng GS, từ cấp Nhà nước tới cấp ngành, cơ sở sẽ xét các chức danh một cách công minh, khách quan nhất. Hiện để xét các chức danh GS, PGS có 3 cấp hội đồng: Hội đồng GS cơ sở của các cơ sở giáo dục đại học; hội đồng GS ngành, liên ngành và Hội đồng GS Nhà nước.

Các Hội đồng GS ở nước ta được thành lập từ các thành viên là các giảng viên, nhà khoa học, cán bộ quản lý ở trung ương và địa phương. Để các "tòa công lý" này hoạt động hiệu quả, ít sai sót, khâu quan trọng đầu tiên là phải có đội ngũ "quan tòa" có tâm, có tầm, có trình độ chuyên môn cao, là những nhà khoa học đầu đàn trong các lĩnh vực khoa học.

Phóng viên: Thực tế xét chức danh GS, PGS ở một vài Hội đồng cơ sở vẫn xảy ra "điều tiếng" khiến dư luận băn khoăn. Theo Trung tướng, giải quyết những hạn chế này, cần giải pháp gì?

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: Để nâng tầm các hội đồng GS cơ sở và đảm bảo tính khách quan, chọn lọc tốt ở khâu đầu tiên của quá trình xét các chức danh GS, PGS và cũng để tranh thủ nguồn chất xám ở các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu khác, theo tôi cần quy định cơ sở giáo dục đại học không được vượt quá 1/2 thành viên là biên chế cơ hữu của mình.

1/2 thành viên nằm ngoài biên chế cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học, kể cả chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng. Với thành phần này, việc xét các chức danh GS, PGS sẽ khách quan hơn, công tâm hơn khi mà 100% thành viên hội đồng GS cơ sở đều là người của cơ sở giáo dục đại học hoặc đối với các nhà trường mới chưa có nhiều khoa học giỏi, đầu ngành. Có các "quan tòa" tốt thì các "phiên tòa" sẽ công tâm và chất lượng tốt hơn.

Đối với Hội đồng GS ngành, liên ngành, theo cơ cấu hiện nay Hội đồng GS Nhà nước có 28 thành viên kiêm Chủ tịch 28 hội đồng GS ngành, liên ngành.

Phần lớn các thành viên hội đồng GS ngành, liên ngành hiện nay đều là các GS có nhiều kinh nghiệm khoa học và cuộc sống như GS.TS Bành Tiến Long 72 tuổi, Chủ tịch Hội đồng GS liên ngành Cơ khí - Động lực, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và đào tạo; GS.TS Đào Trí Úc 73 tuổi, Chủ tịch Hội đồng GS ngành Luật học, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật;  GS.TSKH Trần Văn Sung 73 tuổi, Chủ tịch Hội đồng GS liên ngành Hóa học - Thực phẩm, nguyên Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; GS.TS Đặng Vạn Phước 74 tuổi, Chủ tịch Hội đồng GS ngành Y học, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy…. Với tuổi đời từng trải, nhiều kinh nghiệm, uy tín khoa học cao, các nhà khoa học tham gia các Hội đồng GS ngành, liên ngành đã phát huy tác dụng tốt.

Đối với Hội đồng GS Nhà nước, nhân sự lãnh đạo Hội đồng GS Nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023 do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tại Quyết định số 1814/QĐ-TTg ngày 24/12/2018. Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Có 3 Phó Chủ tịch Hội đồng kiêm nhiệm gồm Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ và GS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, giảng viên cao cấp Đại học Y Hà Nội.

Cho đến nay Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch đều kiêm chức, còn thiếu chức danh Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng GS chuyên trách. Để công tác xét các chức danh GS, PGS đi vào quy củ, bài bản, Chính phủ cần sớm kiện toàn các chức danh tại Hội đồng GS Nhà nước.

Theo tôi, công tác hội đồng GS là một công tác quan trọng của Nhà nước, của ngành Giáo dục. Cơ chế Hội đồng GS Nhà nước là một cơ chế mở, kết hợp giữa quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo và cơ chế sử dụng trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao trong khoa học, giáo dục và đào tạo.

Vì vậy cần lựa chọn các nhà khoa học, nhà giáo đã có kinh nghiệm quản lý cơ sở giáo dục đại học, có kinh nghiệm tổ chức hội đồng GS các cấp để tham gia lãnh đạo Hội đồng GS Nhà nước và Hội đồng GS các cấp.

Nâng cao tính thực tiễn trong xét duyệt, bổ nhiệm chức danh GS, PGS 

Phóng viên: Việc xây dựng, phát triển đội ngũ GS, PGS cả về số lượng lẫn chất lượng trở thành một đòi hỏi khách quan, cấp bách của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Là một nhà khoa học từng nhiều năm giữ chức Chủ tịch Hội đồng GS ngành Khoa học An ninh, Trung tướng có chia sẻ gì để chúng ta có thêm nhiều những GS, PGS "vừa hồng, vừa chuyên"?

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: GS, PGS là các chức danh gắn liền với hoạt động giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. Phần lớn các GS, PGS dành cả cuộc đời cho ngành giáo dục và cũng chỉ công tác tại các cơ sở giáo dục. "Thầy giáo già, con hát trẻ". Tổng kết này của cha ông ta đã cho thấy thầy cô giáo càng có nhiều kinh nghiệm càng phát huy tốt khả năng dạy học, truyền bá kiến thức của mình.

Nhưng cuộc sống hiện đại đã cho thấy cần phải có những suy nghĩ, tư duy mới trong đào tạo thầy giáo, trong đó có đào tạo, phát triển đội ngũ GS, PGS ở Việt Nam và thế giới.

Nếu thầy giáo chưa làm lãnh đạo, quản lý ở địa phương và các bộ, ngành thì khó có thể dạy tốt cho học viên các lớp quản lý, lãnh đạo ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia, dạy cách thức quản lý, quản trị cơ quan, đơn vị, địa phương và càng khó để dạy các học viên lãnh đạo này cách phát triển kinh tế - xã hội ở bộ, ngành, địa phương, cách làm giàu vươn lên.

 Nếu thầy giáo dạy kinh tế mà chưa bao giờ làm kinh doanh, sản xuất, không biết cách làm giàu cho bản thân và gia đình thì khó có thể dạy các thế hệ sinh viên chuyên ngành kinh tế cách làm giàu cho bản thân, cho đất nước.

Nếu thầy giáo chưa bao giờ đi điều tra tội phạm, chưa làm thực tiễn công tác công an thì không thể dạy sinh viên công an giỏi nghề điều tra tội phạm, giỏi nghề công an. Nếu thầy giáo các trường quân sự chưa bao giờ làm thực tiễn quân sự thì khó có thể giảng dạy sinh viên các trường quân sự giỏi nghề quân sự...

Phóng viên: Như vậy quan điểm của Trung tướng là cần đề cao tính thực tiễn trong quá trình xét duyệt, bổ nhiệm chức danh GS, PGS; cần quan tâm đúng mức đến các giảng viên kiêm chức là những nhà khoa học đã và đang làm quản lý, lăn lộn với thực tiễn…

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: Đúng là như vậy! Chúng ta thử nhìn vào ngành Y, gần 100% các thầy cô giáo các trường y đều kiêm chức trong các bệnh viện. Và nhiều cán bộ quản lý của ngành y đều kiêm chức giảng dạy ở các nhà trường đào tạo cán bộ y tế từ trung ương đến địa phương.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến "cây đại thụ" ngành sản khoa Việt Nam khi làm Thứ trưởng Bộ Y tế, ông cũng kiêm chức Chủ nhiệm Bộ môn sản của Trường Đại học Y khoa Hà Nội. GS.TS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng GS ngành Y học hiện nay, khi giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, ông kiêm nhiệm làm Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trong những năm gần đây, Đại học Quốc gia Hà Nội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của thầy Nguyễn Kim Sơn đã đi đầu trong đổi mới giáo dục đào tạo Việt Nam, nhất là trong tuyển chọn, sử dụng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của các trường, khoa trực thuộc để mở các chuyên ngành đào tạo, phát triển các lĩnh vực khoa học mới.

Nhà trường đã mời hoặc áp dụng chế độ kiêm chức, thuê khoán nhiều cán bộ quản lý, nhiều chuyên gia giỏi của các ngành vào làm việc chuyên trách và bán chuyên trách tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Để xây dựng và phát triển Khoa Y dược trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà trường đã mời GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E kiêm Chủ nhiệm Khoa Y dược, mời Giám đốc Bệnh viện Việt Đức và Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai làm Phó Chủ nhiệm Khoa Y được.

Mới đây khi Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội đã mời và bổ nhiệm GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược.

Nhiều cán bộ Y tế đang công tác tại các Bệnh viện và cơ quan của ngành Y tế được Đại học Quốc gia Hà Nội mời làm lãnh đạo các Khoa, Phòng, tổ bộ môn của Trường Đại học Y dược.

Đại học Quốc gia Hà Nội còn mời PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; mời Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học quản lý và Quản trị an ninh phi truyền thống, Khoa Quản trị và Kinh doanh; mời các GS.TS Đào Trí Úc, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, PGS.TS Chu Hồng Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Giáo dục và đào tạo và nhiều nhà khoa học luật học hàng đầu Việt Nam về làm việc tại Khoa Luật, mời nhiều nhà khoa học, chức sắc Phật giáo tham gia hoạt động của Viện Trần Nhân Tông...

Chính vì vậy nên Đại học Quốc gia Hà Nội đã mở được nhiều chương trình đào tạo liên ngành rất cần cho xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là sự đột phá, là tư duy mới trong đào tạo, sử dụng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở giáo dục đại học nói chung, đội ngũ GS, PGS Việt Nam nói riêng.

Làm thế nào để chọn được nhân tài thật trong xét giáo sư, phó giáo sư? - 2

Trong xét chức danh GS, PGS không câu nệ quá vào "bài báo quốc tế".

Phóng viên: Đối với ngành Công an, Quân đội thì chủ trương đề cao thực tiễn được thực hiện ra sao, thưa Trung tướng?

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: Đối với ngành Công an, từ cách đây 10 năm, Bộ trưởng Bộ Công an, Giáo sư Trần Đại Quang và hiện nay Bộ trưởng Bộ Công an, Giáo sư Tô Lâm đã đưa nhiều cán bộ giảng dạy của các trường công an đi luân chuyển thực tế làm giám đốc, phó giám đốc công an tỉnh, cục trưởng, cục phó, lãnh đạo phòng, cấp huyện ở công an các đơn vị, địa phương.

Nhiều lãnh đạo, chỉ huy công an các đơn vị, địa phương đã được xét chức danh GS, PGS Khoa học An ninh. Thiếu tướng GS.TS Trần Minh Hưởng là một ví dụ điển hình của việc này. Ông đang là Trưởng khoa của Học viện Cảnh sát nhân dân, ông được Bộ Công an bổ nhiệm và luân chuyển làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên và ông đã đảm nhận chức danh này hơn 4 năm.

Năm 2015, khi làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên ông được công nhận và bổ nhiệm chức danh GS Khoa học An ninh. Sau đó ông được điều động về làm Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân và nay làm Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an.

Các nhà trường Bộ Công an còn huy động khá đông các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp, kể cả lãnh đạo Bộ Công an vào tham gia công tác đào tạo cán bộ Công an. Và thực tế cho thấy chất lượng đào tạo của ngành Công an hiện nay tốt hơn trước đây rất nhiều.

Ở Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương và lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng rất quan tâm tới việc luân chuyển, đưa các cán bộ giảng dạy các nhà trường quân sự đi thực tế tại các quân, binh chủng, các đơn vị, địa phương thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời các nhà trường quân sự cũng rất chú trọng mời các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân sự có uy tín, có khả năng sư phạm tham gia vào quá trình đào tạo tại các nhà trường Quân đội.

Thượng tướng PGS.TS Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng hiện nay là một sỹ quan cao cấp của Quân đội trưởng thành từ thầy giáo. Đang là Trưởng Khoa của Học viện Biên phòng, ông được cấp trên điều động luân chuyển làm Phó Tham mưu trưởng, rồi Phó chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai.

Sau đó ông quay về làm Phó Giám đốc Học viện Biên phòng. Một thời gian sau cấp trên lại điều động luân chuyển ông làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế,…

Từ thực tiễn của ngành Y, Công an, Quân đội, Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy cần có tư duy mới để phát triển đội ngũ giảng viên và đào tạo giảng viên (giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm chức) ở nước ta.

Thiếu đội ngũ giảng viên kiêm chức hoặc nếu chỉ để giảng viên cả đời công tác ở trong nhà trường thì khó mà có những kết quả tốt về giáo dục và đào tạo. Vì thế trong việc phát triển đội ngũ giảng viên, trong đó có xét và bổ nhiệm chức danh GS, PGS, cần thiết phải dành những vị trí xứng đáng cho các giảng viên kiêm chức là lãnh đạo các cấp, lãnh đạo các doanh nghiệp, lãnh đạo, chỉ huy công an, quân đội để có một đội ngũ giảng viên, GS,PGS Việt Nam vững về chính trị, giỏi kỹ năng sư phạm, giỏi nghiên cứu khoa học và đặc biệt giỏi thực tiễn.

Đồng thời trong xét chức danh GS, PGS không câu nệ quá vào "bài báo quốc tế" mà ngoài đạt các chuẩn chung theo quy định cần chú trọng đặc biệt đến sự đóng góp của nhà khoa học cho sự phát triển của lĩnh vực khoa học mà GS, PGS nghiên cứu, cho cơ quan, đơn vị mình, cho đất nước.

Biện pháp "hậu kiểm" là quan trọng

Phóng viên: Để tránh các sai sót, khiếu kiện trong xét, bổ nhiệm các chức danh GS, PGS, Hội đồng GS các cấp cần ưu tiên các giải pháp nào để thực hiện ngay trong thời gian tới, thưa Trung tướng?

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: Giải pháp thì có nhiều nhưng tôi cho rằng biện pháp "hậu kiểm" là quan trọng và có thể thực hiện ngay được. Theo tôi Hội đồng GS các cấp cần phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (một số Trường đại học trực thuộc doanh nghiệp như Đại học FPT, Đại học Dầu khí, Đại học Điện lực...), nhà trường để "hậu kiểm".

Kinh nghiệm của Hội đồng GS ngành Khoa học An ninh và Hội đồng GS ngành Khoa học Quân sự là sau khi xét ở cấp Hội đồng ngành, danh sách các ứng viên GS, PGS đạt số phiếu tín nhiệm được báo cáo tới Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng xem xét, cho ý kiến.

Vì vậy trong hơn 10 năm qua, việc xét duyệt, bổ nhiệm các chức danh GS, PGS ngành Khoa học An ninh và Khoa học Quân sự đạt kết quả tốt, rất ít có đơn thư kiện cáo.

 Kinh nghiệm này cần được nghiên cứu, áp dụng trong các Hội đồng GS cơ sở, ngành, liên ngành khác. Đối với các hội đồng ngành, liên ngành liên quan tới nhiều bộ, ngành, cơ quan, đơn vị thì lấy ý kiến của thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp nơi ứng viên GS,PGS công tác, làm việc.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!