Làm nghề giáo, phải thật sáng tạo

Hải Vân

(Dân trí) - Trước những biến động không ngừng từ xã hội và chính bản thân học sinh, ngành sư phạm trong thời đại hiện nay đã thật sự trở thành một nghề sáng tạo.

Làm nghề giáo, phải thật sáng tạo - 1

Sự thay đổi là hằng số

Bối cảnh cuộc sống hiện tại ngày càng có nhiều thách thức và vấn đề phát sinh, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Tình hình dịch bệnh cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ, đảo lộn mọi thói quen và khía cạnh của cuộc sống quen thuộc nơi trường học. Đặc biệt, học sinh mỗi thế hệ lại có cách học hỏi và tiếp thu khác nhau, đòi hỏi các thầy cô liên tục phải cập nhật và đổi mới phương pháp giảng dạy.

Đúng như PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng BTC Cuộc thi Giáo viên Sáng tạo trên Nền tảng CNTT của Bộ GD&ĐT nhận xét: "Thế giới ngày càng phức tạp. Sự phức tạp đến từ nhiều phía - nhà trường, giáo dục, chuyển đổi số vì sự tiến bộ của người học, chúng ta cũng cần thay đổi mô hình giáo dục - về hình thức và cả phương pháp."

Trong bối cảnh sự thay đổi là hằng số buộc giáo viên phải đối mặt với những biến động không ngừng, bài toán giáo dục xoay quanh sự thích nghi và phát triển dựa trên những đổi thay của xã hội. Đây chính là quan niệm của cô Lê Tuệ Minh - Tổng Hiệu trưởng trường PTSNLC Wellspring khi phát động Cuộc thi Giáo viên Sáng tạo 2020 - 2021 (WiTeach) với chủ đề: "Master the change in education - Làm chủ những biến động trong giáo dục."

Cuộc thi đã thu hút hơn 100 dự án giáo dục từ các thầy cô giáo ở Hà Nội tham dự. 

Làm nghề giáo, phải thật sáng tạo - 2

Học sinh trường PTSNLC Wellspring thuyết trình về dự án sáng tạo Giáo dục về đa dạng giới và sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Làm nghề giáo, phải thật sáng tạo

Trước những biến động không ngừng từ xã hội và chính bản thân học sinh, ngành sư phạm trong thời đại hiện nay đã thật sự trở thành một nghề sáng tạo.

Đáp lại lời phát động "Master the change in education", 100% giáo viên trường PTSNLC Wellspring và PTLC Edison đã tham dự cuộc thi với hơn 100 dự án giáo dục qua các hạng mục Tiết học kết hợp, Môi trường sáng tạo và Không gian kết nối. Trong đó, 63 dự án nổi bật đã xuất sắc được lựa chọn vào Vòng Chung kết diễn ra vào ngày 17/04/2021 vừa qua.

Một trong những dự án giành giải Nhất là dự án "Be kind to yourself" (hạng mục Không gian kết nối) do nhóm giáo viên chủ nhiệm khối 6 trường Trung học Cơ sở Wellspring lên ý tưởng và thực hiện. Xuất phát từ những khó khăn mà học sinh lớp 6 gặp phải khi chuyển từ trường Tiểu học lên Trung học Cơ sở và ở lứa tuổi dậy thì, dự án tập trung giáo dục cho học sinh về trí tuệ xúc cảm (emotional intelligence).

Từ việc đánh giá bước đầu cảm xúc của học sinh qua quan sát và trắc nghiệm Tâm lý Eysenck, nhóm cô giáo đã thiết kế các bài học với chủ đề "Tự nhận thức", "Quản lý cảm xúc", "Thấu cảm" và "Giải quyết mâu thuẫn". Làm chủ cảm xúc là cách để học sinh tăng khả năng tập trung, quản lý căng thẳng và tự chăm sóc bản thân, hợp tác tốt với mọi người cũng như chấp nhận các góp ý.

Đặc biệt, các thầy cô đã ứng dụng phương pháp Blended Learning kết hợp học online - offline theo hình thức ON + OFF + ON để tận dụng tối đa các khoảng thời gian và hạn chế khó khăn trong việc thiếu thời gian cho công tác chủ nhiệm trên lớp. Các nền tảng công nghệ như Teams, Form, Canva và Powtoon đã được tận dụng tối đa để học sinh làm khảo sát và hoàn thiện sản phẩm.

Làm nghề giáo, phải thật sáng tạo - 3

Các thầy cô đã ứng dụng phương pháp Blended Learning kết hợp học online - offline theo hình thức ON + OFF + ON để tận dụng tối đa các khoảng thời gian và hạn chế khó khăn trong công việc.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Minh, Giảng viên Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ nhiệm CLB "Sách ơi mở ra" miêu tả Cuộc thi WiTeach bằng ba từ: "Sáng tạo, tử tế và hợp tác. Tôi thấy ở giáo viên một tinh thần đổi mới không ngừng. Trong đó, có nhiều thứ tôi học hỏi được từ chính họ.

Động lực bên trong để thúc đẩy năng lực sáng tạo chính là sự tử tế. Đó là một mạch ngầm xuyên suốt, không chỉ thể hiện qua các dự án dự thi mà trong cả chiến lược của Nhà trường trong việc chú ý đến đào tạo chuyên môn và mong ước xây dựng một nền giáo dục sạch, lành, đem lại những gì tử tế nhất cho thế hệ học sinh của mình.

Mỗi cá nhân không thể tự sáng tạo hoặc sự sáng tạo của một cá nhân có ảnh hưởng rất nhỏ. Mà hợp tác mới là phương thức để chúng ta sáng tạo. Khi chúng ta tạo nên môi trường cộng đồng hợp tác, mọi người tự do chia sẻ sự sáng tạo thì đó là phương thức để thúc đẩy sự sáng tạo."

Thầy cô làm chủ sự đổi thay, học trò làm chủ kiến thức

Giành giải Nhất hạng mục Lớp học kết hợp là chuyên đề "Màu xanh thực vật" do Tổ bộ môn Hóa - Sinh khối 6 trường THCS Wellspring lên ý tưởng và thực hiện.

Ứng dụng phương pháp giảng dạy Blended Learning kết hợp công nghệ vào bài giảng truyền thống, các thầy cô đã mang đến 4 tiết học trực tuyến online và 2 tiết học trực tiếp trên lớp. Các bạn học sinh được chủ động tìm hiểu và tái hiện lại hiểu biết của mình về thực vật qua các hoạt động đa dạng như sân khấu hóa, thuyết minh, vẽ tranh… để giúp ghi nhớ nhanh và khắc sâu kiến thức.

Đồng thời, thầy cô đã đưa lớp học vượt 4 bức tường qua livestream kết nối trực tiếp với các chuyên gia đến từ Bảo tàng Tài nguyên Rừng Việt Nam để các bạn học sinh có trải nghiệm hỏi - đáp "người thực, việc thực".

Làm nghề giáo, phải thật sáng tạo - 4

Ban Giám khảo WiTeach 2020-2021 lắng nghe học sinh thuyết trình về dự án sáng tạo. 

Nhận xét về dự án với tư cách ban giám khảo, TS. Trần Bá Trình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nghiệp vụ Sư phạm Phó trưởng phòng Đào tạo, Giảng viên Khoa Vật lý Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khen ngợi: "Gắn kết được học sinh với môi trường thiên nhiên trong bối cảnh hiện nay rất là hạn chế.

Thông thường muốn dạy học gắn với thực tiễn thì luôn hướng tới chuyện phải đưa học sinh đi đâu đó. Nhưng với điều kiện công nghệ số như hiện nay thì việc này sẽ trở nên kinh tế hơn bao giờ hết, nếu mình có những phương thức kết nối các bên liên quan ngoài xã hội."

Bằng cách ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, dự án "Màu xanh thực vật" đã thành công thực hiện ý tưởng này. Sau cùng, "thầy cô làm chủ sự thay đổi, học trò làm chủ kiến thức" mới là sự đổi mới thật sự đáng trông chờ của nền giáo dục.