Làm gì để giải quyết bất cập trong bổ nhiệm hiệu trưởng đại học?

Hoàng Chung

(Dân trí) - "Đơn vị nào có trách nhiệm bổ nhiệm hiệu trưởng?" - vấn đề này cần được quy định rõ để giải quyết những điểm chưa rõ ràng, tránh những lùm xùm trong bổ nhiệm lãnh đạo trường đại học.

Thời gian qua, việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường đại học tại một số cơ sở giáo dục đã có những lùm xùm kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của nhà trường. Điển hình như tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng , Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Cùng với đó, tình trạng "khuyết" hiệu trưởng một thời gian dài đang xảy ra ở không ít cơ sở giáo dục đại học khiến dư luận băn khoăn về vấn đề quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Để bổ sung những điểm chưa quy định cụ thể trong công tác bổ nhiệm hiệu trưởng, thành phần tập thể lãnh đạo, hội đồng trường… Bộ GD&ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99 ngày 30/12/2019 (gọi tắt là Nghị định 99) của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (ĐH).

Đơn vị nào bổ nhiệm hiệu trưởng?

Trao đổi với Dân trí, TS Nguyễn Viết Lộc - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT, thành viên ban soạn thảo, dự thảo sửa đổi, bổ sung 4 điều của Nghị định 99 - cho biết các quy định pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm đối với hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH công lập là hội đồng trường hay cơ quan quản lý trực tiếp.

Do đó, để tháo gỡ vướng mắc, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện vai trò của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ.

Làm gì để giải quyết bất cập trong bổ nhiệm hiệu trưởng đại học? - 1

Việc sửa đổi Nghị định 99 được kỳ vọng sẽ giải quyết những khó khăn, những điểm mờ trong bổ nhiệm hiệu trưởng trường đại học (Ảnh minh họa).

Đối với trường ĐH mới thành lập, cơ quan quản lý trực tiếp giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường để tham gia hội đồng trường lâm thời và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng cho đến khi có quyết định công nhận hiệu trưởng chính thức theo đề xuất của hội đồng trường.

Đối với các trường ĐH đã khuyết hiệu trưởng quá 06 tháng mà chưa gửi tờ trình đề nghị công nhận hiệu trưởng tới cơ quan quản lý trực tiếp.

Hội đồng trường thực hiện hoặc ủy quyền hiệu trưởng thực hiện các trình tự, thủ tục đánh giá, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với phó hiệu trưởng theo quy định của pháp luật, trình hội đồng trường xem xét, quyết định.

Cùng với đó, dự thảo Nghị định quy định thành phần tập thể lãnh đạo gồm: Ban thường vụ Đảng ủy hoặc cấp ủy (nơi không có ban thường vụ Đảng ủy), chủ tịch hội đồng trường hoặc quyền chủ tịch hội đồng trường, phó chủ tịch hội đồng trường (nếu có), hiệu trưởng hoặc quyền hiệu trưởng (nếu chưa có hiệu trưởng), các phó hiệu trưởng và người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ.

Tập thể lãnh đạo do chủ tịch hội đồng trường hoặc hiệu trưởng (trong thời gian chưa có chủ tịch hội đồng trường) chủ trì; làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, trường hợp tập thể lãnh đạo là số chẵn, có kết quả biểu quyết hoặc bỏ phiếu 50/50 thì quyết định theo ý kiến của bên có người chủ trì.

Tháo gỡ khó khăn, tốn kém

Ông Viết Lộc cho biết thêm, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH quy định thành viên ngoài trường ĐH chiếm tỷ lệ tối thiểu là 30% tổng số thành viên của hội đồng trường, bao gồm đại diện của cơ quan quản lý trực tiếp.

Do đó, để bảo đảm phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH, dự thảo Nghị định quy định số lượng người đại diện cơ quan quản lý trực tiếp cử không quá 50% tổng số thành viên ngoài trường ĐH.

Song song đó, theo báo cáo của các cơ sở giáo dục ĐH, việc quy định phải triệu tập trên 50% tổng số viên chức, người lao động của trường ĐH để tham dự hội nghị đại biểu bầu và bầu thay thế một thành viên hội đồng trường gặp nhiều khó khăn, tốn kém.

Ông Lộc nêu thực tế như ĐH Đà Nẵng phản ánh, theo quy định, muốn tổ chức hội nghị đại biểu, ĐH này phải huy động tới 2.000 viên chức, người lao động. Vì thế, dự thảo Nghị định điều chỉnh giảm từ 50% xuống 20%.

Dự thảo Nghị định cũng sẽ bổ sung các quy định cụ thể về thủ tục thành lập, công nhận hội đồng ĐH, chủ tịch hội đồng ĐH, giám đốc ĐH của trường ĐH được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển thành ĐH.

Trả lời báo chí về những bất cập trong bổ nhiệm lãnh đạo trường ĐH trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định những hạn chế chỉ xảy ra ở một số ít trường. Nguyên nhân do công tác bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ của các cơ sở có vấn đề, tình trạng mất đoàn kết nội bộ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định lần này đã có quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng trong từng tình huống sẽ hạn chế được những bất cập nảy sinh từ nội tại của các trường.