Kỳ vọng của phụ huynh vào sĩ tử mùa thi: Áp lực hay động lực?

Thùy Linh

(Dân trí) - "Sự chênh lệch giữa kỳ vọng của bố mẹ với năng lực thật sự của em khá lớn. Tuy nhiên, nếu thích ngành học đó, sẽ là động lực để em phấn đấu và ngược lại", sĩ tử sinh năm 2003 chia sẻ.

"Hy vọng con mình học ở những trường top đầu"

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sắp diễn ra trong sự hồi hộp của nhiều thí sinh và phụ huynh. Đây cũng sẽ là thử thách đầu đời của các sĩ tử khi phải đưa ra sự lựa chọn phù hợp về ngành nghề tương lai.

Đứng trước sự kỳ vọng của bố mẹ, Đào Hải Yến (thí sinh xét tuyển vào Đại học Thương Mại) mạnh dạn bày tỏ: "Bố mẹ cũng đặt khá nhiều hy vọng vào em trong kì thi này nhưng họ không đặt áp lực lên em. Bố mẹ không yêu cầu em phải đạt đến mức điểm là bao nhiêu. Họ chỉ mong em cố gắng hết khả năng của mình để chọn trường, chọn ngành mà mình mong muốn. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng đưa ra một số gợi ý và lời khuyên để giúp em chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân. Vì vậy em không có quá nhiều áp lực với những kỳ vọng này".

Kỳ vọng của phụ huynh vào sĩ tử mùa thi: Áp lực hay động lực? - 1

Nhiều người hy vọng con mình có thể học ở những trường top đầu, trọng điểm sau này. (Ảnh minh họa).

Chia sẻ với PV Báo Dân trí, Nguyễn Đình Phong (thí sinh xét tuyển vào khoa Công nghệ nông nghiệp của ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia HN) nói: "Bố mẹ em đặt rất nhiều hy vọng vào em thông qua những bữa cơm toàn đỗ và hoa quả màu đỏ mấy ngày gần đây để em gặp may mắn khi đi thi. Với gợi ý của bố mẹ về một ngành học liên quan đến nông nghiệp, em nghĩ rằng năng lực của em cũng có thể đáp ứng được.

Bố mẹ em mong muốn con cái học về lĩnh vực nông nghiệp để phụ giúp bố mẹ hoặc quê hương. Trước đó, bố mẹ em cũng tìm hiểu về những ngành học liên quan đến nông nghiệp mà học phí ở mức vừa phải, phù hợp với điều kiện kinh tế nông hộ. Vì vậy, bố mẹ khuyên em chọn ngành nông nghiệp của ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Sau khi có được sự gợi ý đó, bản thân em cũng dần có một niềm yêu thích nhất định với nông nghiệp nên trong quá trình ôn tập, em không cảm thấy áp lực nhiều trước kỳ vọng và định hướng của bố mẹ".

Em Phạm Khánh Linh (quê ở Hòa Bình) tâm sự: "Bố mẹ kỳ vọng khá cao về em trong kỳ thi THPTQG sắp tới.

Em nghĩ, bất kỳ cha mẹ nào cũng sẽ có suy nghĩ như bố mẹ em. Nhiều người hy vọng con mình có thể học ở những trường top đầu, trọng điểm sau này "tiền lương đếm không xuể", sống sung sướng thoải mái.

Em đăng ký xét tuyển ngành Công nghệ thông tin - một trong những ngành có tỷ lệ chọi cao nên yêu cầu về điểm số của bố mẹ em không nhỏ. Công nghệ thông tin đối với bố mẹ em khá xa lạ nên vấn đề định hướng đều là em tự tìm hiểu phần nhiều, kèm theo sự hỗ trợ tích cực từ giáo viên trong trường. Thi thoảng, bố mẹ cũng nhắc đến một số trường tìm được trên mạng để em cân nhắc xem xét đăng ký.

Thời gian đầu em có bị stress nặng vì áp lực rất nhiều nhưng một phần do tâm lý dần dần hiểu được vì sao bố mẹ kỳ vọng như vậy. Áp lực ngày nào, bây giờ trở thành động lực tiếp sức cho em bước tiếp lựa chọn của mình".

"Nếu ép con nhiều dễ dẫn đến sai lệch"

Nhận thấy một số học sinh có tâm lý sợ và áp lực khi bố mẹ đặt kỳ vọng quá cao, Vũ Thị Kim Đan (thí sinh xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cảm thấy bản thân có phần may mắn hơn.

Em chia sẻ: "Em khá may mắn khi bố mẹ không quá áp lực về mặt điểm số hay bắt buộc phải đỗ trường này trường kia. Thay vào đó, bố mẹ mong em có thể được học tập trong một môi trường tốt, phù hợp với khả năng, sở thích của bản thân và có trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Nói cách khác, có trách nhiệm với lựa chọn của mình là khi ta chứng minh được năng lực, sự trưởng thành khi theo đuổi một lĩnh vực nào đó. Và em nghĩ, áp lực về điểm số là nỗi niềm chung của nhiều bạn thí sinh nhưng hãy coi đó làm động lực để đạt đến mục tiêu".

Kỳ vọng của phụ huynh vào sĩ tử mùa thi: Áp lực hay động lực? - 2

Áp lực về điểm số là nỗi niềm chung của nhiều bạn thí sinh nhưng hãy coi đó làm động lực để đạt đến mục tiêu. (Ảnh: minh họa).

Là một phụ huynh có con chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới, cô Phương Nhung (sinh năm 1977, sống tại Ba Vì, Hà Nội) tâm sự: "Bậc làm cha, làm mẹ, tôi không bao giờ muốn "ép, áp đặt hay bắt buộc" con vào trường ĐH nào theo kỳ vọng của mình và gia đình.

Chúng ta đều biết "Chim thì phải sống trên cây, còn cá thì phải sống dưới nước", vì lẽ đó mà ta không nên ép buộc con cái phải đi theo định hướng của bố mẹ. Khả năng, sở thích của con theo đuổi được nghề nào thì con sẽ tự lựa chọn trường phù hợp mà con mong muốn.

Thực tế, có rất nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng quá lớn đối với con cái của mình dẫn đến áp lực không hề nhẹ cho các con như yêu cầu con phải đạt điểm cao, phải thi đỗ vào trường đại học theo nguyện vọng của bố mẹ. Nhưng sự kỳ vọng của cha mẹ không phù hợp với năng lực thực sự của con sẽ tạo cho con gánh nặng về áp lực học tập và thất vọng đối với cha mẹ nhiều hơn. Vì vậy, là cha mẹ, chúng ta chỉ nên là người định hướng cho các con chứ không nên áp đặt".

Chia sẻ thêm, cô Phạm Thị Mai Hải (sinh năm 1972, sống ở Nam Định) cho biết: "Từ trước đến nay, gia đình chỉ mang tính chất góp ý với mọi việc học hành của con, còn phần đa do con tự chủ động quyết định. Thế nên đối với tôi, không nên áp đặt con phải theo định hướng và đạt mức điểm nào đó vì khả năng của mỗi người đều khác. 

Nếu ép con nhiều, định hướng không đúng khả năng, dễ dẫn đến sai lệch. Và nghề nghiệp của con cái không thể do ai lựa chọn. Bởi khi được thoải mái lựa chọn, con sẽ có trách nhiệm hơn.

Bố mẹ nào cũng mong muốn con cái có được một cuộc sống tốt đẹp nhất. Khi con cái không thể hoàn thành sự kỳ vọng của mình, bản thân làm bố mẹ cũng buồn.

Tuy nhiên, việc một số phụ huynh áp đặt suy nghĩ về sự thành công quá cao lên con cái cũng chỉ mong muốn chúng tốt lên. Chỉ có điều, họ quan tâm và thể hiện suy nghĩ chưa được đúng cách. Còn không có bố mẹ nào là không thương con cái, không mong muốn con cái ngoan ngoãn, chăm chỉ, đỗ đạt cả".