Khuyến khích khu vực dân lập phát triển mầm non

Phát triển mạng lưới các trường công lập để đáp ứng nhu cầu nhân dân là điều bất khả thi. Do đó, cần khuyến khích khu vực dân lập phát triển giáo dục mầm non.

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia khi tham vấn về những vấn đề đổi mới giáo dục mầm non trong thời gian tới được chia sẻ tại buổi tọa đàm “Tham vấn chuyên gia về đổi mới căn bản toàn diện trong giáo dục mầm non” được tổ chức ngày 15/12 tại Hà Nội.

Công lập không “bao sân” được

Đặt vấn đề về vị trí của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân, Đại biểu quốc hội tỉnh Lai Châu Chu Lê Trinh cho rằng, muốn giáo dục phổ thông có chất lượng cần xác định quan tâm từ bậc mầm mon. Nhưng ở nước ta đang quan tâm ngược, chú trọng “cái ngọn” (bậc phổ thông, đại học) mà chưa chú trọng nhiều đến bậc mầm non. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, việc nuôi trẻ ngay từ thai mẹ được nhà nước đầu tư. Ở miền núi, chỉ có trường mầm non công lập chứ chưa phát triển trường mầm non tư thục. Khi phụ nữ hết 6 tháng thai sản thì phải đi làm mà trường công lập không nhận trẻ dưới 36 tháng. Vậy sẽ hỗ trợ bậc mầm non kiểu gì?

Trẻ em được nuôi dạy tại trường mầm non xã Việt Hải, huyện Cát Hải, Hải Phòng. (Ảnh: Lâm Khánh -TTXVN)
Trẻ em được nuôi dạy tại trường mầm non xã Việt Hải, huyện Cát Hải, Hải Phòng. (Ảnh: Lâm Khánh -TTXVN)

Trước thực trạng giáo dục mầm non đang đứng trước những bất cập về chương trình và trong quá trình đổi mới nói chung, nhiều chuyên gia đều cho rằng, khu vực công không thể “bao sân” hết được cho giáo dục mầm non. Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phân tích: Giáo dục mầm non chưa được hiến pháp và pháp luật xác định là được ưu tiên. Trong khi bậc tiểu học và THCS được coi là phổ cập hoặc tiến tới phổ cập. Chất lượng giáo dục trẻ mầm non, đặc biệt là nhóm trẻ tự phát không đăng ký đến trường, rất thấp.

“Mặc dù khối các trường công lập có đầu tư từ nhà nước tốt hơn nhiều so với trường ngoài công lập. Cụ thể, khối công lập với các điều kiện cơ sở vật chất, chi phí thấp đang là lựa chọn tốt với đa số người dân. Như vậy, trường mầm non khối công lập chất lượng tốt hơn so với khối ngoài công lập”, Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm này, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, không ngân sách nào bao cấp được hết cho giáo dục mầm non nên đẩy mạnh tư nhân hóa. Nhà nước nên hỗ trợ đào tạo giáo viên để những đơn vị tư thục này được hưởng.

Theo TS Lê Minh Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD - ĐT, mặc dù Quốc hội đã ra luật phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, nhưng nhìn trên bình diện chung giáo dục bậc mầm non vẫn chưa công bằng cho các trẻ. Ví dụ Đà Nẵng hơn 70% trường tư thục nhưng chính sách cho các cá nhân mở trường lớp thì bất cập. Cần quan tâm được tạo điều kiện để mở trường mầm non.

Đầu tư giáo viên

Giáo sư Viện sĩ Đào Trọng Thi khẳng định: “Phát triển mạng lưới công lập đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân là bất khả thi, nên cần khuyến khích giáo dục dân lập. Cần tăng cường để trường tư đăng ký đảm bảo chất lượng giáo dục đi kèm với quản lý chặt chẽ. Về lâu dài, cần đảm bảo tài chính, tiến tới hỗ trợ theo đầu trẻ, không phân biệt trường công và trường tư”.

TS Lê Minh Hà cho biết, phải quan tâm đào tạo giáo viên mầm non. Giảng viên các trường sư phạm phải đào tạo cho ra lứa sinh viên sư phạm không phải đào tạo lại. Cần quan tâm đến hội nhập quốc tế khi nhiều trường liên kết mở ra. Cần kiểm tra, giám sát chương trình cho trẻ em ở đó ra sao. Rất cần vai trò của quản lý nhà nước ở đây.

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, ở nước ta giáo dục mầm non đã đưa vào hệ thống quốc dân từ năm 1998. Đến nay, nước ta đã được phổ cập giáo dục mầm non chủ yếu là 5 tuổi. Trong khi nhiều nước trên thế giới còn chưa làm được như vậy. Điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước đã quan tâm tới giáo dục mầm non, có chính sách cho trẻ em, giáo viên.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, trẻ dưới 36 tháng, đặc biệt khu công nghiệp, công nhân nghèo, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh chưa đến trường vì không có điều kiện kinh tế, trường lớp. Mặc dù, tại nơi đó có các điều kiện như đất đai, tín dụng, ưu đãi,… nhưng chưa có người đầu tư. Bộ đã bàn tới các giải pháp về những thực tế này để khắc phục trong thời gian tới.

Theo Lê Vân

Baotintuc.vn

http://baotintuc.vn/giao-duc/khuyen-khich-khu-vuc-dan-lap-phat-trien-mam-non-20161215211026744.htm