Hơn 4.500 tổ trưởng chuyên môn tập huấn về chương trình GDPT mới

(Dân trí) - Từ ngày 22/4 đến hết 30/5, Bộ GD&ĐT tổ chức bồi dưỡng trực tuyến chương trình giáo dục phổ thông mới cho hơn 4.500 tổ trưởng chuyên môn các trường tiểu học tại 63 tỉnh, thành phố.

Tại khóa bồi dưỡng này, giáo viên được giới thiệu các vấn đề chung của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Các thầy cô được hướng dẫn thực hành xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề môn học và hoạt động giáo dục, hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện chương trình GDPT 2018 ở cấp tiểu học.

Chỉ chọn 1 học viên/1 trường tiểu học

4.500 tổ trưởng chuyên môn tham gia khoá bồi dưỡng này là giáo viên lần đầu tiên được tham gia chương trình bồi dưỡng về chương trình GDPT mới do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Đối tượng lựa chọn là tổ trưởng chuyên môn trường tiểu học, có ít nhất 5 năm kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp tại cơ sở giáo dục tiểu học.

Thầy cô cần có khả năng thiết kế, triển khai các giờ dạy minh họa, tổ chức các tọa đàm, hội thảo, bồi dưỡng cho đồng nghiệp về phương pháp, kỹ thuật dạy học, giáo dục, nội dung đổi mới liên quan đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

Ngoài ra, giáo viên phải có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các Sở GD&ĐT cân đối số lượng học viên nam và nữ, có học viên là người dân tộc thiểu số.

Mỗi nhóm trường tiểu học gần nhau trên địa bàn (từ 5 trường trở lên) cần có ít nhất 1 học viên, không chọn từ 2 học viên trở lên trong cùng một trường tiểu học.

4.500 học viên phân chia vào 10 khu vực tỉnh thành và tham gia bồi dưỡng theo 10 đợt khác nhau.

Mỗi đợt bồi dưỡng, các giáo viên tiếp tục được chia lớp theo từng môn học và hoạt động giáo dục, để đảm bảo việc học tập và thảo luận đúng chuyên môn, đạt hiệu quả và chất lượng.

Hướng dẫn thiết kế bài giảng, phương pháp giảng dạy

Được biết, từ ngày 22/4, 10 lớp học với 500 học viên thuộc khu vực 1 gồm 6 tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình đã bắt đầu khóa bồi dưỡng trực tuyến này.

Giáo viên Lê Thị Hiên - trường Tiểu học Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết, trong 2 ngày bồi dưỡng, mình được cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp bổ ích để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Công tác tổ chức và sắp xếp trình tự khoá bồi dưỡng rất hợp lý. Chúng tôi được giới thiệu và tìm hiểu những vấn đề chung của chương trình 2018, sự khác biệt với chương trình hiện hành và đi sâu vào từng môn học tương ứng với mỗi lớp học.

Ngày hôm nay, tôi được bồi dưỡng về cách thiết kế bài giảng theo chủ đề, hướng dẫn một số kỹ thuật và phương pháp giảng dạy.

Những kiến thức này rất bổ ích và thiết thực, giúp tôi tự tin hơn để tới đây giảng dạy tốt theo chương trình GDPT mới”, giáo viên này nói.

Hơn 4.500 tổ trưởng chuyên môn tập huấn về chương trình GDPT mới - 1

Lớp học trực tuyến Smart LMS

Là giáo viên người dân tộc Thái tại trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên), cô Lò Thị Hiệp cảm thấy may mắn khi được tham gia khoá bồi dưỡng về chương trình GDPT mới.

Cô Hiệp cho biết, công tác tổ chức rất tốt, những trục trặc về đường truyền trong buổi học đầu tiên đã sớm được khắc phục sau khi cô thông báo với ban tổ chức.

3 buổi học còn lại trong 2 ngày bồi dưỡng vừa qua, cô nghe - nhìn rõ những trao đổi của giảng viên, tương tác và thảo luận tốt với lớp học.

Kiểm soát chất lượng bồi dưỡng trực tuyến

Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), việc bồi dưỡng trực tuyến được tiến hành trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến LMS, do Bộ GD&ĐT quản lý.

Phần mềm này có khả năng kiểm soát chặt chẽ và chính xác sự tham gia của các học viên vào quá trình bồi dưỡng trực tuyến.

Hệ thống LMS vừa cung cấp kho học liệu phong phú để giáo viên có thể nghiên cứu bất cứ lúc nào, vừa cho phép người học tương tác thuận tiện với nhau theo nhóm nhỏ hoặc chung cả lớp.

Theo đó, mỗi giáo viên tham gia khoá bồi dưỡng sẽ được cấp một tài khoản học tập và nghiên cứu 5 ngày. LMS sẽ kiểm soát và đánh giá việc tự học của giáo viên.

Chỉ những thầy cô đáp ứng được yêu cầu tự học này mới được tiếp tục tham gia bồi dưỡng tương tác trực tuyến 3 ngày với các báo cáo viên là giảng viên trường đại học và chuyên viên phụ trách môn học của Vụ Giáo dục Tiểu học.

Hơn 4.500 tổ trưởng chuyên môn tập huấn về chương trình GDPT mới - 2

Hình ảnh lớp học 

Quá trình bồi dưỡng với báo cáo viên, các học viên được tương tác, thảo luận tập thể và theo nhóm và sau đó thực hiện bài kiểm tra đánh giá kết quả.

Bài tập này được gửi lên hệ thống LMS, báo cáo viên sau đó sẽ có phản hồi lại.

Trước mỗi khoá học, tất cả học viên được tập huấn sử dụng phần mềm. Bộ GD&ĐT kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp viễn thông, các địa phương để chuẩn bị, hỗ trợ đường truyền, hạ tầng công nghệ để mỗi giáo viên có đầy đủ các điều kiện tham gia bồi dưỡng trực tuyến.

Ngoài thực hiện các trao đổi trên hệ thống LMS, Vụ Giáo dục Tiểu học còn lập các email dùng chung cho các lớp bồi dưỡng để cung cấp bài học, ghi nhận phản hồi của học viên để có những điều chỉnh kịp thời trong quá trình tổ chức.

Việc kiểm soát chất lượng của khoá bồi dưỡng trực tuyến còn được thực hiện thông qua việc Bộ GD&ĐT thành lập tổ kiểm tra độc lập và kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác bồi dưỡng này.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT được cấp tài khoản có khả năng kiểm tra, giám sát việc bồi dưỡng của tất cả các lớp và sự tham gia của các học viên tại các địa phương.

“Sử dụng phương thức trực tuyến nhưng chúng tôi đảm bảo công tác bồi dưỡng vẫn được tiến hành hiệu quả, chất lượng, đúng tiến độ.

Với số lượng học viên lớn, hình thức này sẽ tạo thuận lợi cho các giáo viên, báo cáo viên không phải di chuyển xa, tiết kiệm được kinh phí tổ chức.

Đặc biệt, phương thức bồi dưỡng trực tuyến còn góp phần giúp các thầy cô nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng công nghệ số hiện đại để đổi mới các hình thức tổ chức dạy học, phù hợp với tinh thần đổi mới của chương trình GDPT 2018, phù hợp xu hướng giáo dục tiên tiến của quốc tế”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - TS Thái Văn Tài nói.

Quỳnh Nguyễn