Hội Khuyến học Việt Nam: Nhiệt huyết, khát vọng tiến về phía trước!

Lệ Thu

(Dân trí) - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, sau chặng đường 25 năm, toàn thể cán bộ, hội viên của Hội tiếp tục tiến về phía trước bằng nhiệt huyết của mình, đi tiếp đoạn đường sắp tới.

Sáng 1/12, Đại hội đại biểu Hội Khuyến học toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra tại Hà Nội với 457 đại biểu chính thức, đại diện cho trên 21 triệu hội viên của toàn Hội trên cả nước. Đại hội VI đánh dấu đoạn đường 1/4 thế kỷ đã đi qua của Hội Khuyến học Việt Nam với nhiều thành tựu đáng nể.

Phát biểu diễn văn lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hội, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan bày tỏ niềm hân hoan nhìn lại chặng đường đã qua với nhiều dấu ấn. Đồng thời, hào hứng niềm tin, nhiệt huyết tiến về phía trường, đi tiếp đoạn đường tương lai trong bối cảnh mới, thời cơ và thách thức mới.

Hội Khuyến học Việt Nam: Nhiệt huyết, khát vọng tiến về phía trước! - 1

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan. (Ảnh: Mạnh Quân)

Khởi đầu của chặng đường 25 năm

Trong bài Diễn văn Lễ Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho biết, trong suốt thời gian qua, những người làm khuyến học chúng ta háo hức đón chờ ngày đặc biệt - Ngày Đại hội lần thứ VI và Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (02/10/1996 - 2/10/2021). Trong không khí phấn khởi, thắm đượm tình cảm này, cho phép tôi thay mặt toàn thể cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam xin nhiệt liệt chào mừng và gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các vị đại biểu khách quý, chúc các đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử, sau đó một ngày - ngày 3/9/1945 - tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu vấn đề diệt giặc dốt như một mục tiêu, quyết tâm thực hiện, đồng thời, người đã nêu lên ý nguyện phải làm cho dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái. Muốn vậy, ai cũng phải tự học, học suốt đời, vì "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Tư tưởng chỉ đạo của Bác được Đảng cụ thể hóa bằng các nghị quyết về phát triển Giáo dục - Đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong suốt thời gian qua.

Từ năm 1945 đến năm 1975, nhân dân Việt Nam đã phải tiến hành 2 cuộc kháng chiến gian khổ để bảo vệ tổ quốc và thống nhất đất nước. Sự tàn phá của chiến tranh đã làm cho giáo dục nước nhà phát triển chậm so với nhiều nước trên thế giới.

Năm 1996, Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII đã "Coi Giáo dục - Đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu". Nhận thức của Đảng về tầm quan trọng của Giáo dục - Đào tạo đã được phát triển lên một bước.

Trước tình hình đó, những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tiêu biểu là Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với nhiều cán bộ lão thành và chuyên gia đầu ngành về giáo dục đã đề nghị phải xây dựng một tổ chức xã hội có chức năng chấn hưng và đổi mới giáo dục, phối hợp và hỗ trợ các hoạt động của ngành giáo dục để thực hiện được mục tiêu "nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài", bảo đảm "giáo dục cho mọi người", góp phần cùng với các lực lượng xã hội làm cho ai cũng được học hành theo mong muốn của Bác.

Trên tinh thần đó, ngày 02/10/1996, Hội Khuyến khích và Hỗ trợ giáo dục Việt Nam (gọi tắt là Hội Khuyến học Việt Nam) được thành lập theo Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 29/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ. Đại hội đã bầu nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân làm Chủ tịch Hội và suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội. Hội Khuyến học Việt nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, được xác định là hội đặc thù được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, Hội không có mục đích tự thân, đối tượng phục vụ là các tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Nhìn lại chặng đường 25 năm, Hội Khuyến học đã lớn mạnh cả về chất và về lượng. Tổ chức Hội đã phủ kín các xã, phường, thôn, bản với hơn 21 triệu hội viên, đưa việc học tập suốt đời và xây dựng các thiết chế học tập của người dân gắn chặt với đời sống cộng đồng thôn bản, tổ dân phố.

Hội đã khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc ta, thúc đẩy từng người dân, từng dòng họ, từng bản làng tham gia vào việc học tập thường xuyên. Hội luôn luôn gắn việc học của mỗi người dân với lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh "học không bao giờ cùng" như một triết lý của sự học hành, coi việc học như một quyển sách không có trang cuối cùng, càng đọc càng thấy tri thức như một biển cả không bờ bến, đúng như Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Học mãi để tiến bộ mãi, càng tiến bộ càng thấy cần phải học thêm".

Để thực hiện nhiệm vụ của mình, trong 25 năm qua, Hội đã chấp hành các chỉ thị của Bộ Chính trị và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Hội Khuyến học Việt Nam: Nhiệt huyết, khát vọng tiến về phía trước! - 2

Các đại biểu tham dự Đại hội. (Ảnh: Mạnh Quân)

Ngày 10/8/1999, sau khi Hội đã ổn định tổ chức và đã định hình được những công việc tương đối dài hạn, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 50-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Khuyến học Việt Nam. Chỉ thị đã truyền cảm xúc cho cán bộ và hội viên, khẳng định vị thế của Hội Khuyến học Việt Nam.

Tổ chức Hội đã nhanh chóng phủ kín địa bàn hành chính cấp tỉnh, huyện và xã. Ở các cộng đồng dân cư, miền xuôi cũng như miền ngược, thành thị cũng như nông thôn.., đến đâu cũng thấy có vai trò của tổ chức khuyến học. Trên 22% dân số là hội viên Hội Khuyến học, trong đó có hàng vạn hội viên là Đảng viên thuộc các chi bộ đảng ở cơ sở. Các mô hình hiếu học ra đời, thúc đẩy sự nghiệp khuyến học, khuyến tài phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển đất nước.

Tiếp theo Chỉ thị 50-CT/TW là Chỉ thị 11-CT/TW ngày 13/4/2007 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Chỉ thị 11- CT/TW mở ra hướng phát triển mới của Hội trong điều kiện mô hình xã hội học tập ở Việt Nam đang từng bước được định hình, Trung ương Đảng đã khẳng định "khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập" là nhiệm vụ chính trị của Hội. Bắt đầu từ năm 2016, những mô hình hiếu học và khuyến học được thay thế bằng những mô hình học tập trên địa bàn hành chính cấp xã, đánh dấu sự phát triển của Hội qua 20 năm thành lập. Đây là dấu hiệu cho thấy việc xây dựng xã hội học tập ở nước ta bắt đầu hội nhập vào xu thế phát triển xã hội học tập trong thế giới hiện đại.

Đóng góp lớn nhất trong 1/4 thế kỷ qua: Vận động phong trào người lớn học tập suốt đời 

Sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 11 - CT/TW, nhiều kết quả đáng trân trọng của Hội Khuyến học Việt Nam được ghi nhận, ngày 10/5/2019, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 49-KL/TW, tiếp tục triển khai Chỉ thị 11-CT/TW trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của đất nước. Hội Khuyến học Việt Nam mạnh dạn đổi mới các phương thức hoạt động của mình cho phù hợp với yêu cầu mới và từ đó mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao được Hội định hướng vào thực hiện mô hình công dân học tập, để thích ứng với môi trường xã hội số của Chính phủ.

Về thực hiện nhiệm vụ cụ thể được Đảng và Nhà nước giao: Ngoài nhiệm vụ thực hiện các mô hình hiếu học, ngày 27/10/2003, tại Công văn 176/VPCP-TT, Chính phủ giao cho Hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Đề án "Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập" - Một mô hình tổng quát về xã hội học tập ở nước ta được thể hiện đầy đủ tại Quyết định 112/2005/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam đến năm 2010.

Tiếp theo, ngày 1/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Hội một nhiệm vụ lớn, thông qua Đề tài độc lập cấp Nhà nước "Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam" theo Quyết định 616/QĐ-BKHCN ngày 19/4/2007. Hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này bằng một sản phẩm khoa học về "Cấu trúc xã hội học tập".

Đây là một đóng góp lớn của Hội vào việc phát triển một vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam trong điều kiện chưa hoàn thành công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước và chưa có nền kinh tế tri thức phát triển. Quan điểm xây dựng xã hội học tập từ cơ sở xã, phường và thị trấn được khẳng định.

Ngày 20/2/2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao cho Hội Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020" tại Quyết định 281/QĐ-TTg. Đề án đã được toàn hệ thống Hội hoàn thành xuất sắc.

Mọi nhiệm vụ được giao đều được hoàn thành vượt mức. Cuối tháng 11/2020, Trung ương Hội đã tổ chức tổng kết 7 năm thực hiện Đề án 281 (2014- 2020) và Đại hội toàn quốc biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu.

Hội Khuyến học Việt Nam: Nhiệt huyết, khát vọng tiến về phía trước! - 3

Sự đóng góp lớn nhất và tập trung nhất của Hội khuyến học Việt Nam trong một phần tư thế kỷ qua là đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục nói chung, đặc biệt là vận động phong trào người lớn học tập suốt đời. (Ảnh: Mạnh Quân)

Thành công của việc thực hiện Quyết định 281/QĐ -TTg một lần nữa khẳng định những đóng góp quý báu của hệ thống Hội Khuyến học Việt nam vào sự phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của các tỉnh, thành phố, góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về "Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục - Đào tạo". Nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được nâng lên tạo thành không khí thi đua học tập sôi nổi ở cả người lớn và trẻ em.

Triển khai Kết luận 49-KL/TW, ngày 30/7/2021, bằng Quyết định 489/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao cho Hội 2 nhiệm vụ lớn, dài hạn. Đó là Đề án "Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030" và Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị giai đoạn 2021- 2030". Đến nay các nội dung Đề án đã được hoàn thành và chúng ta sẽ bước vào giai đoạn mới với nhiều công việc quan trọng đang chờ chúng ta ở phía trước.

Có thể khẳng định: Sự đóng góp lớn nhất và tập trung nhất của Hội khuyến học Việt Nam trong một phần tư thế kỷ qua là đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục nói chung, đặc biệt là vận động phong trào người lớn học tập suốt đời: vì mục tiêu xây dựng và phát triển nhân lực chất lượng cao theo hướng tiếp cận nền kinh tế tri thức. Hội hướng mọi hoạt động khuyến học, khuyến tài để tạo điều kiện cho mọi người có năng lực làm chủ tri thức, coi sự giàu có tri thức là yếu tố quyết định để con người phát triển bền vững, tạo nên sự giàu có về thu nhập và phát triển đời sống văn hóa phong phú của chính mình.

Từ định hướng đó, Hội đã không ngừng đổi mới, huy động mọi nguồn lực, phát triển Quỹ Khuyến học, tiến hành trao hàng triệu suất học bổng cho cả trẻ em và người lớn, cả thầy cô giáo và học sinh, giúp học sinh nghèo vươn lên học giỏi. Mối quan hệ phối hợp của Hội với các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp ngày càng được tăng cường. Phong trào thi đua trong hệ thống Hội ngày càng phát triển đáp ứng yêu cầu thực tế. Đặc biệt giải thưởng "Nhân tài đất Việt", "Tự học thành tài" do Hội khởi xướng đã trở thành giải thưởng danh giá, được đánh giá cao.

Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp với các thành viên chủ yếu là những người đã về hưu, Hội Khuyến học Việt Nam đã tiến hành sự nghiệp khuyến học bằng tinh thần tự nguyện, phấn đấu không mệt mỏi, hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong phạm vi cả nước.

Đi tiếp đoạn đường 10 năm 2021-2030 với nhiều mục tiêu, khát vọng

Sau chặng đường 25 năm (1996 - 2021), toàn thể cán bộ, hội viên của Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tiếp tục tiến về phía trước bằng cả nhiệt huyết của mình, đi tiếp đoạn đường sắp tới, trước mắt là đoạn đường 2021- 2030.

10 năm sắp tới, với bối cảnh mới: Cách mạng 4.0 tác động mạnh mẽ hơn, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp hơn, nền kinh tế tri thức đòi hỏi nhiều hơn về khối lượng tri thức mà con người cần có để làm giàu trí tuệ của mình.

Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong bối cảnh đó chúng ta phải thực hiện mục tiêu kép: vừa phải thực hiện thành công mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra, vừa phải phòng chống dịch tốt. Trong điều kiện ấy, các phương thức học tập cũng như nội dung và phương pháp dạy - học đều phải đổi mới theo hướng mở, học trực tuyến kết hợp với học trực tiếp, lấy "tự học làm cốt" theo tư tưởng của Bác Hồ.

Để chuẩn bị đi vào giai đoạn mới, để hội nhập thành công, công dân Việt Nam trước hết phải có đủ năng học trong môi trường số. Lao động trong các lĩnh vực của nền kinh tế cần được phổ cập những tri thức và kỹ năng thiết yếu để sử dụng các thiết bị di động thông minh, sử dụng thành thạo những công nghệ mới, đồng thời họ cần được trang bị về ngoại ngữ ở các cấp độ khác nhau.

Công dân học tập với 10 tiêu chí chúng ta đã xây dựng sẽ là yếu tố cốt lõi đáp ứng các năng lực cần có của người lao động. Công dân học tập cũng sẽ làm nòng cốt của gia đình học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và là tiêu chí cơ bản trong xây dựng các mô hình huyện học tập, tỉnh học tập, thành phố học tập và chính các mô hình học tập ấy sẽ là môi trường nuôi dưỡng những công dân học tập nêu trên.

Hội Khuyến học Việt Nam: Nhiệt huyết, khát vọng tiến về phía trước! - 4

Nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm đến dự Đại hội. (Ảnh: Mạnh Quân)

Và lời tri ân sâu sắc...

25 năm qua, 1/4 thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Chúng ta có quyền tự hào về những gì chúng ta đã đạt được, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn vất vả để hoàn thành sứ mệnh của mình. Chặng đường 25 năm hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam đã góp phần tạo nên một cột mốc đánh dấu sự phát triển của lịch sử giáo dục nước nhà bằng những mô hình học tập, góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tại Lễ Kỷ niệm trọng thể này, Chủ tịch Nguyễn Thị Doan thay mặt toàn thể cán bộ và hội viên Hội Khuyến học trong cả nước bày tỏ lòng biết ơn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc Hội, Chủ tịch nước và các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức, các Ban, Bộ, Ngành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giao nhiệm vụ, phối hợp, tạo điều kiện để Hội trưởng thành và phát triển như ngày nay.

Chủ tịch Nguyễn Thị Doan cảm ơn các doanh nghiệp và các cá nhân đã ủng hộ, giúp đỡ, phối hợp trong các hoạt động khuyến học, khuyến tài, chung sức xây dựng xã hội học tập. Cảm ơn các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đã tích cực hưởng ứng, thực hiện các mô hình học tập đầy tính sáng tạo vừa qua. Hội Khuyến học Việt Nam mong nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp nhiều hơn trong thời gian tới.

Thay mặt Ban chấp hành Trung ương Hội, Chủ tịch Nguyễn Thị Doan cảm ơn toàn thể các thế hệ cán bộ, hội viên trong cả nước đã có quyết tâm cao, không tiếc sức mình, vượt qua nhiều khó khăn, đồng sức, đồng lòng với nhiều sáng kiến, sáng tạo để xây dựng và phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài , xây dựng xã hội học tập liên tục phát triển.

Chủ tịch Nguyễn Thị Doan đã bày tỏ lời tri ân tới tất cả cán bộ, hội viên đã có đóng góp quý báu cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của cả nước; bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Chủ tịch Hội đầu tiên - nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân và các bậc lão thành sáng lập ra Hội, các cán bộ cốt cán của Trung ương Hội và Hội các cấp đã ra đi, để lại những đóng góp mang đậm dấu ấn không thể quên cho sự nghiệp khuyến học quang vinh.