Học thêm trong nhà trường “trói” học sinh?

(Dân trí) - Theo quy định mới của TPHCM về dạy thêm học thêm trong nhà trường, việc học thêm hoàn toàn phải trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh. Vậy nhưng việc "bắt buộc" đang diễn ra ở nhiều trường, thậm chí học sinh không học thêm phải… “gặp làm việc” với ban giám hiệu.

Không học thêm phải… “giải quyết”

Một số phụ huynh ở Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TPHCM) cho hay, dù có nhu cầu hay không, con họ vẫn phải đăng ký học thêm tại trường 3 - 4 buổi tuần (tùy khối). Điều này đã làm khó những học sinh (HS) không có nhu cầu học thêm hoặc có mong muốn học thêm bên ngoài.

Nếu phụ huynh nào không đăng ký cho con theo học thì ban giám hiệu sẽ gặp trao đổi để làm việc. Một vị phụ huynh bức xúc cho rằng, con không đăng ký học thêm, phụ huynh phải làm việc với ban giám hiệu là điều hết sức vô lý. Chẳng khác nào con mình vi phạm nội quy, bị kỷ luật.

Học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, TPHCM sau giờ học thêm buổi tối tại trường
Học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, TPHCM sau giờ học thêm buổi tối tại trường.

Tại trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, HS cũng “ép” điền đăng ký học thêm tại trường ở một số môn học. Thậm chí có HS làm đơn xin không học thêm tại trường cũng không được giáo viên (GV) chủ nhiệm chấp nhận. Theo lãnh đạo nhà trường, việc nhà trường dạy thêm vào buổi chiều là HS hoàn toàn tự nguyện chứ trường không ép buộc. Vậy nhưng, HS nào không muốn học thêm thì… lên gặp hiệu trưởng để được giải quyết.

Theo quy định mới về dạy thêm học thêm của TPHCM, các trường được phép tổ chức dạy thêm trong nhà trường sau khi được Sở GD-ĐT cấp phép. Và việc học thêm này được nhấn mạnh trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện của phụ huynh, HS.

Vậy nhưng ở một số đang diễn ra tình trạng hài hước, không học thêm phải làm việc ban giám hiệu. Điều này chẳng khác nào nhà trường “ép” HS học thêm một cách lộ liễu và gây phản cảm trong môi trường giáo dục. Và học thêm được nhìn nhận như một dịch vụ mua bán có cung có cầu, thì một khi khách hàng không có nhu cầu mua cũng chẳng có lý gì họ phải… “giải trình”, “làm việc” để được giải quyết.

Tại nhiều trường ở TPHCM, HS được phát đơn xin học thêm in sẵn, chỉ việc điền vào đăng ký học những môn nào với GV nào. Trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện nhưng thật ra đây chẳng khác nào ép HS học thêm. Chưa kể đến việc, có nơi HS phải đăng ký học đủ số môn. Đối với HS việc chọn GV khác ngoài GV dạy mình cũng rất khó xử.

Lo không đúng cách

Mục tiêu của phương án kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT nhằm giải tải áp lực thi cử cho HS. Vậy nhưng thực tế sự thay đổi nhanh chóng này làm nhà trường, HS đều phải xoay xở để thích nghi với việc thi cử mới. Chưa biết kỳ thi chung giảm tải ở mức nào nhưng các trường đang chạy đua để đối phó với kỳ thi hai chung.

Đối với các trường mặt bằng HS yếu càng áp lực trong việc hỗ trợ các em đối diện với đổi mới của kỳ thi. Nhiều trường muốn HS học thêm tại trường vì muốn tốt cho các em vì GV ở trường sẽ nắm rõ khả năng của HS, giúp các em học tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Hưng Hòa chia sẻ về về việc HS phải đăng ký học thêm tại trường vì mặt bằng học lực của HS yếu, trường lo lắng để các em tự học sẽ không hiệu quả. Nhà trường sẽ nắm được được các em đăng ký đã phù hợp theo khả năng của mình chưa để GV có những tư vấn phù hợp, GV nắm rõ khả năng các em sẽ hướng dẫn tốt hơn.

Còn với việc em nào không học thêm hoặc học bên ngoài, nhà trường gặp phụ huynh với mục đích để nắm rõ các em không học thêm vì phân GV không phù hợp, HS không thích GV hay vì lý do gì?

Hiệu trưởng một trường THPT ở quận 5 cho rằng, việc thi cử thay đổi chóng mặt là một áp lực lớn đối với thầy và trò. Ít trường nào dám nới lỏng việc học của HS nên phải tìm cách để nắm tình hình việc học của các em. Trong khi việc học thêm ở trường có những cái lợi như không mất thời gian đưa đón, chi phí rẻ, thầy cô nắm được năng lực của HS để có những hướng dẫn phù hợp…

Có thể nói xuất phát từ việc lo lắng cho các em, nhiều trường đã vô tình “trói” HS trong guồng học thêm tại trường. Tuy nhiên, mong muốn hỗ trợ các em trong việc học, thì trước hết việc nhà trường cần làm là thực hiện tốt việc dạy học trong giờ học chính khóa, chứ không chỉ “chú trọng” vào thời gian dạy thêm học thêm.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường phải thực hiện nghiêm trên tinh thần tự nguyện của người học. HS thấy có nhu cầu, phù hợp thì đăng ký, nhà trường không được can thiệp hay tác động đến các em. Sở GD-ĐT sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý các trường thực hiện không đúng quy định học thêm, dạy thêm.

Hoài Nam
 

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!