“Ép” học sinh học thêm: Đố ai có được “tang chứng”?
(Dân trí) - Sau buổi học thứ hai trong ngày, Tuấn ăn vội chén cơm, chờ đến giờ học thêm buổi chiều tối ở nhà cô giáo. Bố mẹ không muốn con đi học thêm nhưng cô giáo đã nói rõ “chỉ học trên lớp, em không theo kịp”.
Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản thông báo sẽ xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên (GV) ép học sinh (HS) học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Vậy nhưng, để “bắt” được việc “ép” này lại là chuyện gần như chẳng thể xảy ra.
Đớn đau cảnh học thêm “tự nguyện”
Hết giờ học buổi chiều vào các thứ 2, 4, 6 trong tuần, em Tuấn (tên nhân vật đã được thay đổi), HS Trường tiểu học Sông Lô (quận Phú Nhuận, TPHCM) được mẹ đến đón với hộp cơm nấu sẵn từ nhà mang đi. Người mẹ chở con ghé vào phòng bảo vệ nơi cơ quan chồng làm việc, tranh thủ cho con ăn uống trong khoảng thời gian hơn 30 phút trước khi đến nhà cô học thêm vào 5h30 giờ tối.
Nhiều hôm, Tuấn vừa ăn cơm vừa gật gù, uể oải không muốn phải nhồi nhét tiếp sau một ngày dài học ở trường. Chở con đi, có lúc người mẹ còn phải tròng dây cột con vào người mình để cháu khỏi ngủ gật.
Chị nói rằng, vợ chồng chị đều là lao động phổ thông, không hề có nhu cầu cho con học thêm và điều kiện cũng rất khó khăn để hàng tháng đóng 350.000 tiền học thêm tại nhà cô. Tuy nhiên, việc không cho con học còn khó hơn khi ngay đầu năm, cô giáo đã nói rõ: “Nếu chỉ học ở lớp, cháu không thể theo kịp”.
“Cô đã nói như vậy rồi làm sao không bấm bụng cho con đi học được” - người mẹ chia sẻ. Cũng vì học thêm, lịch ăn uống, sinh hoạt của cháu và gia đình chị bị đảo lộn.
Ở bậc tiểu học, việc bỏ đánh giá bằng chấm điểm được kỳ vọng sẽ giảm áp lực học thêm cho HS. Nhưng trên thực tế, việc học thêm vẫn diễn ra vô cùng rầm rộ. Nhiều HS tiểu học đã học hai buổi ngày thì buổi tối lại tiếp tục “cày” ở nhà cô giáo.
Một hình thức nhiều GV áp dụng để phụ huỵnh “tự nguyện” học thêm vẫn là điệp khúc “ở lớp cháu không theo kịp”. Chưa kể, đến một số cách thức nhũng nhiễu, gây khó dễ khác để HS, phụ huynh “tự nguyện” học thêm.
Theo quy định dạy thêm, học thêm do Sở GD-ĐT TPHCM ban hành đầu năm học 2014, nhà trường không tiếp tục tổ chức dạy học tăng tiết trái buổi có thu tiền của HS như đã tiến hành trong các năm học vừa qua. Theo đó, các hoạt động dạy học trong nhà trường có thu tiền của HS, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT ban hành được gọi là hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Việc dạy thêm được “quản” bằng cách “hợp thức hóa” trong trường học, cùng với việc các trường ĐH đổi mới phương thức tuyển sinh, có xét điểm học bạ 3 năm THPT dường như càng “tạo đà” cho việc HS buộc phải học thêm ngay trong nhà trường, ngay với GV của mình.
Tại Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), trường mở lớp dạy thêm từ tháng 8, bắt buộc HS phải đăng ký học. Đầu năm học, phụ huynh muốn hay không cũng phải đăng ký cho con học 3 buổi/tuần trong trường cho dù trường chưa được Sở GD-ĐT cấp phép.
HS nào không đăng ký học thêm thì nhà trường sẽ gặp phụ huynh để giải quyết. Theo lý giải của lãnh đạo nhà trường, do HS của trường yếu, nếu để các em tự học thì không ổn.
Quy định có nhưng khó “bắt”
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh,quy định dạy thêm học thêm nói rõ hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của HS; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của HS.
Theo đó, HS tham gia học thêm trên cơ sở tự nguyện và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình HS và HS học thêm.
Để các đơn vị thực hiện đúng các quy định tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm, Sở GD-ĐT TPHCM cũng ra văn bản lưu ý các trường thực hiện đúng các quy định. Trong đó nói rõ việc sẽ xử lý nghiêm các trường hợp GV ép HS học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.
Một hiệu trưởng trường THPT ở quận 3 cho rằng, việc ra chế tài xử phạt GV “ép” HS là cần thiết vì lâu nay với những GV gây “nhũng nhiễu” cho HS, nhà trường nhận được đơn thư phản ánh cũng chỉ gọi lên nhắc nhở rồi… để đó vì chưa có chế tài.
Tuy nhiên, quy định có nhưng lại không hề dễ thực hiện. Một khi người thầy đã không có tâm thì họ không thiếu các chiêu thức để “ép” HS đến học mình một cách “tự nguyện”.Việc “bắt” GV ép HS là không hề dễ, hay có thể nói là chuyện không tưởng. Những câu “gợi ý” của GV chẳng thể coi là “tang chứng” khẳng định họ “ép” HS học thêm.
Mà khi GV không có tâm, tiêu cực để dạy thêm, họ vẫn dạy đủ chương trình theo quy định nhưng lại “luồn lách”rất khéo làm HS không hiểu bài để HS phải học học thêm cũng chẳng thể “bắt” được họ.
Nếu chỉ dựa vào phản ánh của phụ huynh, hoặc theo cảm tính để quy GV “ép” HS học thêm thì có thể oan cho GV. Bên cạnh việc học thêm không tự nguyện thì thực tế học thêm còn xuất phát từ nhu cầu của chính học sinh, phụ huynh.
TPHCM đã “cởi trói” cho việc dạy thêm học thêm cho nhà trường. Nhưng xem ra nhiều quy định để quản lý hoạt động này chỉ mới viết nằm trên giấy, còn tình trạng “trên nói, dưới lách” vẫn đang diễn ra một cách ồ ạt.
Hoài Nam